Ngày 14-6, tại Hà Nội, Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) tổ chức hội thảo Viettel M2M IoT. Đây là sự kiện trao đổi về chủ đề nền tảng, hạ tầng kết nối và kinh nghiệm phát triển kinh doanh các thiết bị internet vạn vật (IoT) kết nối máy với máy (Machine to Machine, M2M). Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả kỹ thuật và kinh doanh IoT đến từ Deloitte, GSMA, ĐH Bách khoa Hà Nội, Rạng Đông, China Mobile và hơn 200 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài (Mỹ, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha, UAE, Trung Quốc...).
Thị trường IoT Việt Nam có thể đạt 7 tỷ USD vào năm 2025
Cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ, IoT đã trở thành nguồn cảm hứng mới cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới, là cơ hội cho sự bùng nổ kinh doanh của các startup, mở ra nguồn doanh thu mới trong tương lai cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ. Việc kết nối các thiết bị thông minh vào mạng internet đã tạo ra một bước đột phá về cách mà chúng ta sống và làm việc. Các thiết bị IoT khi ứng dụng vào hoạt động kinh doanh có thể giúp tăng năng suất, cải thiện quy trình, tối ưu hóa chi phí và đặc biệt là nâng cao trải nghiệm người dùng. Theo báo cáo của GSMA Intelligence, số lượng các thiết bị IoT tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 21 triệu vào năm 2018 lên đến 96 triệu vào năm 2025. Theo số liệu Bộ TT-TT, quy mô thị trường IoT Việt Nam đã đạt hơn 2 tỷ USD vào năm 2019, dự kiến có thể đạt 7 tỷ USD vào năm 2025.
Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom phát biểu tại sự kiện
Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho biết, trên thế giới hiện tại có gần 15 tỷ kết nối IoT, tức là mỗi người đang kết nối với gần 2 thiết bị thông minh qua internet. Nhưng tại Việt Nam, con số này còn đang rất thấp, chỉ khoảng 1/20 so với trung bình thế giới. Liên hệ với câu chuyện phổ cập viễn thông ở Việt Nam, thị trường IoT cũng có điểm tương đồng. Cách đây 20 năm khi Viettel bắt đầu bước chân vào thị trường viễn thông, mật độ kết nối di động mới chỉ 5% dân số, sau 8 năm, mật độ đạt 100%.
Trong lĩnh vực IoT, Việt Nam cũng đi sau thế giới 20 bậc, để đạt được mật độ kết nối trên dân số tương đương thế giới, Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn. Tuy nhiên, ông Tính tin tưởng, lĩnh vực IoT cũng sẽ có thể phát triển mạnh mẽ như vậy trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp, các đơn vị viễn thông, CNTT cùng nhau giải quyết các bài toán kĩ thuật hạ tầng, cùng nhau hợp tác phát triển thị trường này.
“Lĩnh vực này sẽ là nguồn cảm hứng cho những ý tưởng kinh doanh cho các start-up, cũng như là cơ hội để tăng trưởng, mở ra nguồn doanh thu mới trong tương lai cho mọi doanh nghiệp. Viettel cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc triển khai và vận hành các dự án IoT, từ việc thiết kế giải pháp đến hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ sau bán hàng. Viettel hiểu rằng sự thành công của các doanh nghiệp là sự thành công chung của cả cộng đồng,” ông Tính nhấn mạnh.
Các diễn giả thảo luận tại sự kiện
Giải bài toán công nghệ và nhân lực
Theo ông Nguyễn Minh Thi, Kiến trúc sư IoT (Viettel Network), vấn đề cốt lõi chính trong phát triển IoT ở Việt Nam hiện nay là rào cản về công nghệ. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã ý thức được những lợi ích của IoT, cũng có nhiều doanh nghiệp có lời giải, giải pháp cho các yêu cầu này. Tuy nhiên khi triển khai, doanh nghiệp đang gặp phải rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phải tự xử lý và tự đi một mình. “Nếu có thể chia sẻ tri thức IoT trong cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta sẽ giúp họ rút ngắn được rất nhiều chi phí về nhân lực, vật lực, thời gian. Điều này chỉ có thể giải quyết khi các doanh nghiệp công nghệ số Việt đi cùng nhau”, ông Thi cho biết.
PGS-TS Nguyễn Đức Minh (Khoa Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho hay, Việt Nam đang thiếu các kỹ sư trưởng, những người có thể phân tích được về khía cạnh kinh doanh cho chủ doanh nghiệp để họ hiểu những lợi ích của việc ứng dụng IoT. Lý giải về việc Việt Nam đang đi sau thế giới về công nghệ IoT, ông Minh cho rằng, thị trường Việt Nam quá nhỏ, do vậy, để bù lại chi phí nghiên cứu phát triển là rất khó. Chúng ta đang vừa thừa vừa thiếu nhân lực phát triển IoT. Số lượng các sinh viên được đào tạo điện tử khoảng vài trăm mỗi năm, doanh nghiệp khó hấp thụ hết được. Tuy nhiên, chúng ta lại thiếu những người hiểu biết về hệ thống để có thể phát triển, kiểm định sản phẩm từ đầu đến cuối, đưa nó ra thị trường. Nói cách khác, Việt Nam thiếu các nhân sự cấp cao về phát triển IoT”, ông Minh nói.
Tham quan trưng bày và trình diễn các thiết bị IoT tại sự kiện
Trong khuôn khổ hội thảo, Viettel và các đối tác cũng tổ chức trưng bày nhiều sản phẩm, công nghệ ứng dụng IoT mới như thiết bị theo dõi sức khỏe VHealth, giải pháp nhà thông minh với HomeCamera AI - kết nối với ứng dụng Viettel Home, các thiết bị IoT cảm biến không dây, hệ thống đo điện nước thông minh, nền tảng quản lý kết nối CMP…