Trong buổi tọa đàm trực tuyến 'Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng', Thái Thùy Linh - người được Trung ương Đoàn bầu chọn là 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, cho biết những chương trình của cô hơn 10 năm qua nói chính xác là tình nguyện chứ không hẳn là từ thiện. Bởi ê-kíp ít kêu gọi quyên góp mà chủ yếu là góp sức mà vẫn đem lại hiệu quả cao nên đã nhận được sự tín nhiệm của đông đảo mọi người.
Thái Thuỳ Linh trong toạ đàm 'Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng'
Theo nữ ca sĩ du ca, hoạt động thiện nguyện của cô ngoài việc giúp đỡ trực tiếp người yếu thế, còn có một nhiệm vụ khác quan trọng hơn là hướng cho nhiều người trẻ - những người đang chật vật đi tìm lý tưởng sống thành người tử tế. Điều ý nghĩa nhất trong quá trình làm thiện nguyện là làm cho nhiều thanh niên sống hướng thiện hơn.
Tuy nhiên, điều khó khăn nhất trong khi làm thiện nguyện là việc sắp xếp thời gian: 'Hơn 10 năm nay, tôi vẫn loay hoay để sắp xếp thời gian lo lắng đi hát kiếm tiền, dạy con... Đôi khi tôi cảm thấy áy náy vì không thể trả lời hết được tin nhắn của mọi người.
May mắn cho tôi là đã đi qua được một khúc khó khăn để trả lời được câu hỏi: Vì sao ở hiền mà không gặp lành, bao nhiêu công sức, con người mình từng giúp đỡ nhưng nhận được những lời thị phi và đồn đại ác ý'.
Nữ ca sĩ 'Sao Mai điểm hẹn' bày tỏ: 'Gần đây có nhiều thị phi liên quan đến nghệ sĩ và thiện nguyện nhưng tôi tin tưởng vào con đường mình đang đi và công việc mình đang làm. Tôi luôn luôn xác định khi làm thiện nguyện là vì ai, mình muốn giúp gì cho họ và đã giúp được chưa chứ không quá quan tâm đến việc người ta nghĩ và đánh giá như thế nào. Nếu không giải quyết được các câu hỏi đó thì sẽ dừng lại công việc này từ rất sớm'.
Thái Thuỳ Linh lặn lội vào TP.HCM hỗ trợ người dân vùng tâm dịch
Chia sẻ về loạt ồn ào yêu cầu các nghệ sĩ phải minh bạch từ thiện, từ khóa 'sao kê' thời gian qua, Thái Thùy Linh không ngần ngại tiết lộ kinh nghiệm. 'Hơn 10 năm nay, tôi đã tổ chức rất nhiều chương trình thiện nguyện và mỗi chương trình đều có ban kế toán và kiểm toán. Tại sao gọi là 'ban' vì không bao giờ là một người làm. Những người tham gia làm thiện nguyện không có đủ thời gian toàn tâm toàn ý như làm công ăn lương được. Tôi cũng không thể bắt các tình nguyện viên dành toàn bộ thời gian và chất xám của mình để làm thiện nguyện được. Chính vì vậy, bao giờ cũng phải có nhiều hơn 1 người tham gia giám sát thu chi, kiểm toán... Với quỹ càng lớn càng nhiều sự giám sát chéo.
Như hiện nay, trong chiến dịch 'Người Việt thương nhau' mà tôi khởi xướng có ban kiểm toán gồm khoảng 7 tình nguyện viên ở những vị trí khác nhau và tất cả mọi người sẽ cùng kiểm tra chéo. Mọi thu chi không chỉ một người biết' Thái Thuỳ Linh tiết lộ.
Nữ ca sĩ cũng đồng thời bật mí, mới đây cô được ngân hàng cấp một tài khoản gọi là 'Tài khoản minh bạch thiện nguyện'. 'Điều hay của tài khoản này là mọi người đều có thể vào xem sao kê 24/7, bất kì lúc nào, không cần mật khẩu. Mọi khoản tiền thu vào và chi ra đều minh bạch. Có một tài khoản như vậy là một bước tiến, công việc thiện nguyện sang một trang mới. Không ai phải réo tên ai sao kê khi mọi thứ đều minh bạch, tránh được nhiều hệ lụy và thị phi', nữ ca sĩ cho biết.
Thái Thuỳ Linh với hơn 10 năm hành trình tình nguyện
Cũng tại đây, Thái Thuỳ Linh lần đầu bày tỏ lâu nay công chúng đòi hỏi nghệ sĩ nhiều quá, vừa đòi hỏi họ giữ hình ảnh đẹp, vừa phải bốc vác, điều hành hoạt động thiện nguyện, làm truyền thông… trong khi nghệ sĩ cũng là người bình thường. Chính vì thế, những gì mình không giỏi thì tìm người giỏi làm với mình. Đi cùng nhau như thế mới có thể thực hiện được các chương trình lớn, giúp đỡ nhiều người. 'Ví dụ, trong 7 năm, tôi mang được 1,5 triệu bộ quần áo lên miền núi. Phải biết tối ưu nguồn lực, tôi chỉ là người đứng ra khởi xướng và kết nối mọi người làm. Điều này mang lại hiệu quả hơn rất nhiều so với việc tự mình làm tất cả', giọng ca 'Rêu phong' bật mí.
Khi nói về hành lang pháp lý, đặc biệt là có chế tài cho các hoạt động từ thiện, theo Thái Thuỳ Linh, trước khi đưa ra chế tài xử phạt thì phải có các hướng dẫn cụ thể. Cô không ngần ngại lấy ví dụ lùm xùm việc nghệ sĩ Hoài Linh mới đây để đặt vấn đề làm từ thiện phải khai báo cho ai? Giữ tiền bao lâu thì bị xử phạt? Ngoài ra, minh bạch thu chi cũng rất cần hướng dẫn như: từ bao nhiêu tiền thì cần hóa đơn biên lai? Trong trường hợp kế toán làm sai, làm nhầm thì ai là người chịu trách nhiệm?
Đáp lại thắc mắc của nữ ca sĩ, có mặt tại buổi toạ đàm, Tiến sĩ Luật, ĐBQH khoá XIV Lưu Bình Nhưỡng cho rằng về việc giữ tiền lâu thì nên có chế tài rõ ràng: 'Tôi nghĩ, có những thứ không bàn về thời gian, nhưng có những thời điểm nếu không làm ngay thì là muộn. Như trường hợp của nghệ sĩ Hoài Linh. Anh vận động từ thiện vì mục đích gì, nếu vì bão lũ thì phải giải ngân ngay trong thời gian xảy ra bão lũ, nếu bão lũ qua rồi thì không còn ý nghĩa gì'.
Cũng trong buổi toạ đàm, Thái Thuỳ Linh khẳng định: 'Làm thiện nguyện không hiệu quả thì đừng làm. Làm hiệu quả mà không minh bạch thì cũng vứt. Ngoài ra, làm thiện nguyện cũng phải đóng góp chia sẻ cho cộng đồng bằng thay đổi cách tư duy về thiện nguyện. Chúng ta đang sống trong một cộng đồng thích thị phi. Chỉ khi cùng nhau xây dựng cộng đồng thích những hoạt động thiện nguyện minh bạch thì mới không còn thị phi. Mỗi người phải góp sức thay đổi cộng đồng đó'.