'Một đời người phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử và sự phát triển của xã hội không thể tách rời việc kiến tạo các cơ sở y tế. Mặc dù đã hơn 70 tuổi nhưng tôi vẫn sẵn sàng tiếp tục đồng hành trong hành trình cải thiện diện mạo kiến trúc y tế của quốc gia' - Hoàng Tích Cầu.
Đây là một phần trong bài phát biểu của ông Hoàng Tích Cầu khi nhận giải thưởng Kiến trúc Lương Tư Thành lần thứ 6 năm 2012.
Hoàng Tích Cầu nhận giải thưởng Kiến trúc Lương Tư Thành lần thứ 6 năm 2012.
Năm đó, ông 72 tuổi.
8 năm sau, khi chính quyền Trung Quốc quyết định xây dựng Bệnh viện Hỏa Thần Sơn ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch virus COVID-19, ông Hoàng Tích Cầu - kiến trúc sư nổi tiếng nhất Trung Quốc về các công trình bệnh viện - đã đảm nhận nhiệm vụ này ở tuổi 80.
Để hoàn thành dự án Bệnh viện Hỏa Thần Sơn trong 10 ngày, hơn 7000 con người làm việc liên tục ở tuyến đầu và hàng nghìn sự hỗ trợ từ mọi nơi cùng sự chỉ đạo từ kiến trúc sư chính: Hoàng Tích Cầu.
Với hỗ trợ của đội ngũ kiến trúc sư do ông dẫn đầu, họ chỉ sử dụng 60 giờ để hoàn thành bản vẽ Bệnh viện Hỏa Thần Sơn. Trước đó, ở thời điểm dịch SARS bùng phát năm 2003, họ đã hoàn thiện Bệnh viện Tiểu Thang Sơn trong 7 ngày.
Ngày 23/4/2003, khi số lượng bệnh nhân SARS ở Bắc Kinh tăng với tốc độ chóng mặt. Nhiệm vụ thiết kế một bệnh viện dã chiến đè nặng lên công ty công trình quốc tế Trung Nguyên Trung Quốc. Năm đó, kiến trúc sư Hoàng Tích Cầu 62 tuổi, gặp nhiều vấn đề về mắt và được các bác sĩ khuyên không nên làm việc liên tục nhiều giờ. Nhưng khi nhận được chỉ thị, ông đã thức trắng đêm vẽ tay bản thiết kế Bệnh viện Tiểu Thang Sơn.
Bản thiết kế Bệnh viện Tiểu Thang Sơn.
Mô hình Bệnh viện Tiểu Thang Sơn.
Sau đó, ông và đồng nghiệp đã hoàn thành bản vẽ với thời gian làm việc gần 24 giờ mỗi ngày. Ông chia sẻ: 'Có hơn 30 nhân sự trong đội thiết kế, và hơn 7000 người đang chờ đợi bản vẽ từ chúng tôi. Ai ai cũng đều sốt ruột cả'.
Ông cũng bày tỏ sự lo lắng của mình lúc đó: Một bệnh viện được xây dựng trong khoảng thời gian ngắn như vậy thì khó có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của một bệnh viện truyền nhiễm như cách ly, thông khí và phòng ngừa lây nhiễm chéo. Để chắc chắn về sự an toàn, kiến trúc sư Hoàng Tích Cầu liên tục đề nghị bàn họp với các đơn vị khác nhiều lần, thậm chí đã xảy ra tranh cãi lớn trong quá trình thảo luận.
Theo quan điểm của ông, bệnh viện không chỉ để cung cấp giường bệnh, không phải trạm trung chuyển giữa sự sống và cái chết. Đây là nơi cứu người, là nơi giữ lại sinh mạng của con người.
Vào thời điểm đó, ông làm việc liên tục và chỉ về nhà sau 3 giờ sáng. Vừa thiết kế vừa thi công, sau 7 ngày 7 đêm, bệnh viện Tiểu Thang Sơn đã tiếp nhận bệnh nhân SARS đầu tiên vào khuya ngày 1/5/2003.
Nhiều ngày sau, các chuyên gia từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các bệnh viện khác đã đến kiểm tra Bệnh viện Tiểu Thang Sơn. Tất cả đều khen ngợi kiến trúc này. Tổ chức Y tế Thế giới gọi đây là 'Phép màu trong lịch sử y tế'.
Bệnh viện Tiểu Thang Sơn ở Bắc Kinh.
Kiến trúc sư Hoàng Tích Cầu hiện nay đã 80 tuổi, đáng lẽ phải có một kỳ nghỉ Tết đoàn viên nhưng ông lựa chọn sát cánh cùng mọi người chiến đấu với dịch virus COVID-19: 'Đây là một chuyện hết sức bình thường. Chúng tôi vẫn ở hậu phương còn những người đang ở tiền tuyến mới chịu cực khổ hơn nhiều'.
Sau 17 năm, ông vẫn rất xúc động: 'Không ngờ các bản vẽ khi xưa vẫn có thể được sử dụng lại mặc dù chúng tôi không hi vọng sử dụng nó một lần nữa'. Dựa trên thiết kế của Bệnh viện Tiểu Thang Sơn, kiến trúc sư Hoàng Tích Cầu đã đưa ra nhiều đề xuất để cải thiện và tối ưu hóa theo điều kiện địa phương.
Từ đó, 9 ngày sau, Bệnh viện Hỏa Thần Sơn đã hoàn thiện. Sau đó 4 ngày (ngày 6/2), Bệnh viện Lôi Thần Sơn cũng hoàn thành và được bàn giao. Một MC người Mỹ đã thán phục: 'Không nước nào có thể làm được điều này'.
Bệnh viện Hỏa Thần Sơn hoàn thiện trong 10 ngày.
Kiến trúc sư Hoàng Tích Cầu ra đời năm 1941 tại Indonesia, chữ 'Cầu' trong tên ông là vì bố mẹ hi vọng cuộc đời ông sáng tỏa như ngọc, trọn đời bình an cát tường.
Năm 1957, ông trở về Trung Quốc. Ở thời điểm đó, theo luật Indonesia quy định, nếu ông về nước sẽ mất đi quốc tịch Indonesia và phải ký tên đảm bảo không quay trở lại Indonesia nữa. Lúc đó, ông đã chấp nhận ký tên.
Hai năm sau, ông bắt đầu học tại khoa Kiến trúc tại Học viên Công nghệ Nam Kinh (nay là Đại học Đông Nam). Tháng 8/1964, Hoàng Tích Cầu tốt nghiệp loại xuất sắc và bắt đầu sự nghiệp kiến trúc.
Năm 1987, Hoàng Tích Cầu nhận bằng tiến sĩ của Đại học Leuven (Bỉ) và trở thành tiến sĩ đầu tiên của Trung Quốc nghiên cứu kiến trúc y tế. Vào lúc này, những kế hoạch thiết kế từ đội ngũ của ông không được các bệnh viện chấp nhận. Không nản lòng, ông bắt đầu dẫn dắt nhóm đến 1 số bệnh viện nhỏ ở ở địa phương. Ngay sau đó, những thiết kế cho Bệnh viện Y học dân tộc Kim Hoa đã giành được Giải thưởng Thiết kế kiến trúc xuất sắc.
Kiến trúc sư Hoàng Tích Cầu.
Năm 1992, Phật Sơn đầu tư xây dựng 1 bệnh viện đa khoa lớn với tổng diện tích 160 nghìn mét vuông, tổng vốn đầu tư là 600 triệu NDT. Đây là một trong rất ít những công trình bệnh viện quy mô lớn ở Trung Quốc vào thời điểm đó. Để giành được dự án này, Hoàng Tích Cầu đã đến Phật Sơn 5 lần. Để tri ân đóng góp to lớn của Hoàng Tích Cầu, chính quyền Phật Sơn đã xây dựng tượng ông bằng đồng trong khuôn viên bệnh viện.
Cho đến nay, ông đã thiết kế hơn 200 dự án công trình y tế, các thiết kế của ông đã giành được 56 giải thưởng thiết kế kiến trúc y tế cấp tỉnh và trung ương. Ông được truyền thông ca ngợi là 'Người tạo ra các bệnh viện hiện đại ở Trung Quốc'.
Những thiết kế bệnh viện hoành tráng của kiến trúc sư Hoàng Tích Cầu.
Năm 2001, Hoàng Tích Cầu nghỉ hưu, nhưng vẫn giữ quan điểm: 'Tôi thích làm việc, chỉ cần quốc gia cần, xã hội cần, công ty cần thì tôi sẵn sàng tiếp tục làm việc' và 'Xây dựng bệnh viện hiện đại và cải thiện điều kiện y tế cho người Trung Quốc là giấc mơ mà cả cuộc đời ông theo đuổi'.
Nguồn: Sohu