Nam bác sĩ TP.HCM 'xuống tóc' trước giờ chi viện cho Bắc Giang
Chiều 29/5/2021, cộng đồng mạng chuyền tay nhau bức ảnh chụp bác sĩ Đặng Minh Hiệu (công tác tại Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) nhờ đồng nghiệp cắt phăng mái tóc trước khi lên đường đến hỗ trợ Bắc Giang chống dịch.
Theo hình ảnh trước khi mái tóc được cạo sạch, bác sĩ Hiệu có gương mặt điển trai với mái tóc khá đẹp. Tuy nhiên, vì để thuận tiện hơn cho công tác phòng chống dịch khi cả ngày phải mang đồ bảo hộ kín mít giữa thời tiết nóng bức, bác sĩ Hiệu đã quyết định 'hy sinh' mái tóc của mình.
Hình ảnh bác sĩ Hiệu cười tươi, thể hiện tinh thần lạc quan trước khi tiến vào tâm dịch gây xúc động mạnh cho nhiều người. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Là một trong hơn 200 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã từng tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19, bác sĩ Hiệu cùng các đồng nghiệp luôn trong tâm thế chủ động trước khi có lệnh điều động.
'Ngày ngày theo dõi tin tức từ tâm dịch, thấu hiểu được sự phức tạp của đợt dịch lần này, niềm khao khát được góp sức cùng các đồng nghiệp nơi tuyến đầu trong tôi ngày một lớn. Chỉ mong đến ngày có lệnh điều động để bản thân có thể thực hiện được lý tưởng của tuổi trẻ, được cống hiến hết mình cho cuộc chiến chống đại dịch, sớm trả lại cuộc sống bình yên cho mọi người' - bác sĩ Hiệu chia sẻ.
Chân dung của bác sĩ Hiệu trước khi xuống tóc. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Lâm Ống Húc rong ruổi khắp Sài Gòn tặng bánh cho người nghèo
Tháng 8/2021, trên mạng xã hội TikTok xuất hiện tài khoản 'Lâm Ống Húc' với những video đi trao tặng những chiếc bánh, hộp khẩu trang, chai nước suối… cho những người nghèo đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19.
Được biết, chủ tài khoản 'Lâm Ống Húc' là anh chàng Phạm Tùng Lâm (30 tuổi, ngụ TP.HCM). Trên chiếc xe Cub 50 nhỏ bé, trang phục đơn giản chỉ là mặc quần sọt, áo jean bụi cùng đôi dép lào, anh Lâm ngồi lọt thỏm giữa ba rổ bánh mỳ to đùng rong ruổi khắp phố phường Sài Gòn trong những ngày giãn cách để làm từ thiện.
Chở đầy một xe bánh mì đủ các loại cùng sữa nước uống, khẩu trang, anh Lâm bon bon trên đường, cứ gặp ai khó khăn, anh đều tặng quà theo cách rất hào sảng và gần gũi.
Lâm Ống Húc và những chuyến xe chở sự tử tế đi khắp Sài Gòn
Lâm cho biết, không có bất cứ lộ trình cố định nào cho bản thân mỗi ngày khi ra đường. 'Người khó khăn họ không ở cố định một nơi, họ di chuyển khắp nơi nên mình cũng đi khắp nơi như vậy luôn.
Với mình, không có chuyện đường quen đi nhiều, đường lạ đi ít; đường sáng đi, đường tối không đi. Phải đi hết! Những con đường hẻm hóc đôi khi lại nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn' - chàng trai chia sẻ.
Trung bình mỗi ngày, Lâm sẽ trao khoảng 150 đến 200 phần quà. Việc phát quà cũng có những tiêu chí nhất định chứ không hoàn toàn ngẫu nhiên.
Nói về ước mơ của mình, Lâm cười: 'Lâm mong những hành động tạm gọi là tốt của mình trong thời gian qua sẽ lan tỏa nhiều hơn đến cộng đồng, để những người trẻ có thể hiểu được tinh thần san sẻ, yêu thương và càng ngày càng có nhiều bạn làm những việc có ích hướng đến cộng đồng, theo cách này hay cách khác'.
Chàng trai Việt làm từ thiện, giúp dân người dân nghèo Châu Phi
Kênh youtube 'Quang Linh Vlogs - Cuộc sống ở Châu Phi' chắc hẳn đã không còn xa lạ với những người thường xuyên theo dõi Internet. Thành lập từ năm 2018, đến nay kênh youtube này đã có hơn 2,4 triệu người đăng ký. Phạm Quang Linh (sinh năm 1997, quê Nghệ An) là chủ nhân của kênh youtube này.
Quang Linh giúp đỡ người dân nghèo tại Châu Phi trong mùa dịch Covid-19
Sau khi tốt nghiệp phổ thông vào năm 2016, Linh quyết định đến Angola để lập nghiệp. Năm 2018, Linh bắt đầu quay lại những đoạn clip cùng người bản địa ở Angola làm đá lạnh. Ngoài ra, anh còn dạy cho họ rất nhiều thứ trong cuộc sống đời thường như nấu những món ăn Việt, dạy nói tiếng Việt,… nhằm góp phần kết nối, lan tỏa bản sắc Việt.
Nội dung mới lạ cùng sự vui vẻ, mộc mạc đã giúp anh nổi lên nhanh chóng trên mạng xã hội. Điều đáng nói, sau khi có lợi nhuận từ Youtube, Linh không giữ riêng cho mình.
Anh cùng những người bạn của mình tích cực làm từ thiện, khoan giếng, xây nhà, giúp cho những người dân Châu Phi có công ăn việc làm, phát triển cuộc sống. Nổi bật trong đó là dự án '5000 trẻ được tới trường', triển khai sửa sang lại nơi học cho các em gồm sơn sửa phòng học và mua bàn ghế.
Clip: Chàng trai Nghệ An với hành động đẹp này từng được khen ngợi trên sóng VTV
Chàng trai lái xe cứu thương dọc đất nước tình nguyện hỗ trợ chống dịch
Cuối tháng 5/2021, cộng đồng mạng xôn xao trước câu chuyện về chàng trai lái chiếc xe cứu thương vượt hơn 500km từ Quảng Bình ra tâm dịch Bắc Giang hỗ trợ phòng chống dịch.
Chàng trai ấy là Đặng Minh Trí (24 tuổi, quê Quảng Bình). Với chiếc xe cứu thương của mình, Trí không nhớ đã đi qua bao nhiêu địa điểm, vượt bao nhiêu cây số và chở bao nhiêu bệnh nhân F0 đến bệnh viện dã chiến điều trị.
Hình 8: Đặng Minh Trí trên chiếc xe cứu thương tham gia vận chuyển F0 về khu điều trị. Ảnh: Nhân vật cung cấp
'Thời điểm đó, đọc trên báo, trên Facebook biết được Bắc Giang đang là tâm dịch, điểm nóng của cả nước. Chiều đọc xong tin tức, 3h sáng hôm sau quyết định lên đường. Trước khi đi tôi có nói chuyện với bố mẹ là muốn được ra Bắc Giang tình nguyện.
Bố ban đầu không cho, mẹ phản đối kịch liệt. Nhưng khi thuyết phục được bố rồi, bố cùng tôi thuyết phục mẹ để đồng ý cho tôi ra Bắc Giang' - Trí nhớ lại giây phút ban đầu.
Trong suốt thời gian ở Bắc Giang dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhìn thấy nỗ lực của đội ngũ các y bác sĩ, Trí biến nỗi sợ thành hành động. Anh nhớ nhất là đêm chở toàn bộ bệnh nhân F0 từ khu vực Núi Hiểu về Bệnh viện dã chiến số 2, hơn 100 chiếc xe cứu thương túc trực trong đêm.
Hoàn thành nhiệm vụ ở Bắc Giang, hành trình của Trí với chiếc xe cứu thương không dừng lại mà tiếp tục lăn bánh tham gia công tác phòng chống dịch.Từ Bắc Giang đến Bắc Ninh, xuôi vào Nam hỗ trợ TP.HCM chống dịch, đến Bình Dương, Đồng Nai và tính đến đầu tháng 12/2021, Trí vẫn đang tham gia hỗ trợ công tác truy vết F0 ở Quảng Bình.
F0 khỏi bệnh, ở lại tham gia tuyến đầu chống dịch
Tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi, có một tình nguyện viên là một điều dưỡng đặc biệt tên Hà Ngọc Trường (sinh năm 1993), người từng bị Covid-19 rất nặng. Vượt qua lưỡi hái tử thần, anh Trường đã xung phong ở lại hỗ trợ các nhân viên y tế cùng chăm sóc người bệnh.
Ngày 16/6/2021, anh được chuyển vào Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi. Suốt gần 1 tháng giành lại sự sống, chứng kiến những khó khăn, vất vả của đội ngũ y bác sĩ, anh Trường tự hứa khi khỏi bệnh sẽ ở lại hỗ trợ giảm bớt gánh nặng cho họ.
'Thực hiện lời hứa của mình, khi nhận được kết quả xuất viện, tôi chủ động xin ở lại để trả ơn những người đã đưa mình từ cõi chết trở về' - anh Trường bộc bạch.
Anh Hà Ngọc Trường sau khi khỏi bệnh đã xin ở lại để hỗ trợ các bệnh nhân khác tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.
Công việc kéo dài từ sáng sớm đến tối khuya. Từ lâu anh Trường coi những bệnh nhân ở đây như người thân ruột thịt. Không ai nghĩ một chàng trai trẻ như anh lại có thể xung phong thay tã, lau người, gội đầu cho bệnh nhân. Khi tình nguyện làm những công việc này, Trường nói rằng anh không đòi hỏi trợ cấp hay lương bổng gì cả, chỉ làm vì muốn tâm mình được thanh thản.
'Mẹ tôi vừa mất vì Covid-19, lúc đó tôi đang tình nguyện ở bệnh viện không thể về chịu tang mẹ. Tôi tin mẹ sẽ hiểu và thông cảm cho tôi' - Trường xúc động nói và bảo rằng khi nào còn sức khỏe anh còn cống hiến cho đến khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Tiktoker An Đen truyền tải thông điệp gần gũi về cuộc sống làng quê
Như bao người trẻ khác, Nguyễn Thúy An (sinh năm 1991) cũng đã từng chọn Sài Gòn làm nơi để theo đuổi giấc mơ. An đã trải nghiệm nhiều cơ hội nghề nghiệp khác nhau từ công nhân, phục vụ cho đến môi giới bất động sản… Nhưng áp lực công việc cùng cuộc sống mưu sinh nơi đây đã khiến An mệt mỏi và quyết định 'bỏ phố về quê'.
Thúy An hiện là chủ nhân của kênh Tiktok 'An Đen' với hàng trăm triệu view, được một lượng lớn khán giả yêu thích. Không chỉ truyền tải những hình ảnh nấu ăn đồng quê, các video của An còn thể hiện lối sống bình dị, gần gũi với thiên nhiên. Chính sự mộc mạc đó đã thu hút sự chú ý không chỉ của người xem trong nước mà còn cả bạn bè quốc tế.
Sau khi bỏ phố về quê, 'An Đen' nuôi giấc mơ được đưa những hình ảnh mộc mạc của quê hương Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Nói về cơ duyên đến với nghề sáng tạo nội dung, An tâm sự: 'Bạn bè ở Sài Gòn rất tò mò về cuộc sống của tôi ở quê nhà. Vì vậy, tôi đã quay một vài clip ngắn để đăng lên mạng xã hội. Trong số đó có video giới thiệu món ăn chừng 5 phút bất ngờ nhận được nhiều lượt yêu thích từ bạn bè.
Một vài người trong số đó khuyên tôi nên đăng tải trên cả Youtube và TikTok. Từ đó, tôi cũng thử xem sao, không ngờ sau 2 tháng đầu tư phát triển TikTok, tôi may mắn nhận được sự yêu thích lớn từ cộng đồng mạng'.
Với mong muốn tái hiện lại một góc nhỏ làng quê Việt Nam cho người xem, đặc biệt là những người phải sống xa quê hương, đôi khi, cô gái trẻ chấp nhận vượt quãng đường xa hơn để quay những video về khung cảnh bình yên của quê hương.
Đối với An, cuộc sống ở quê mặc dù khó khăn, thế nhưng lại mang tới cho cô cảm giác bình yên, không còn đau đầu, áp lực. Theo cô gái trẻ, sống nơi đâu cũng được, chỉ cần ăn cơm ngon miệng và đêm về được ngon giấc.
Cô giáo đạp xe khắp Sài Gòn giúp người khó khăn
Đầu tháng 6/2021, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những đoạn video ghi lại hình ảnh một cô gái đạp xe một mình đi khắp nơi giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Cô gái ấy là Huỳnh Thị Trúc Ly (31 tuổi) - giáo viên mầm non Trường song ngữ EMASI Nam Long (TP.HCM). Từ nhỏ, Trúc Ly đã ước mơ về được giúp đỡ những người khó khăn trong cuộc sống nhưng chưa có cơ hội được thực hiện ước nguyện đó.
Tháng 6, dịch bệnh bùng phát, trường học đóng cửa, Ly phải ở nhà không đi dạy. Đó là nút thắt tình cờ giúp Ly đến với thiện nguyện. Phòng trọ Ly nằm gần trục đường Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM), nơi có nhiều người nghèo khó chờ sự giúp đỡ. Mỗi ngày, Ly đi bộ qua đều thấy họ và muốn làm điều gì đó khi TP giãn cách.
Không tham gia hội nhóm thiện nguyện, cô một mình đặt bánh bao, sữa, bánh ngọt… qua mạng, tự đóng gói rồi ôm đi phát quà cho người nghèo khó. Cứ thấy ai cần, cô đều phát quà bánh cho họ ăn đỡ đói.
Trúc Ly tặng quà cho cụ bà bán vé số. Ảnh: Tiền Phong
Mục tiêu ban đầu của cô chỉ là giúp thức ăn cho người nghèo được ngày nào hay ngày đó. Bởi theo Ly, đợt dịch này cô may mắn được nhận lương dù không đi dạy. Cô coi chuyện đó là lòng tốt từ trường học và muốn chia sẻ nó với nhiều người hơn. Ly bắt đầu quay phim lại hành trình và mỗi hoàn cảnh khó khăn mình gặp rồi đăng lên TikTok để lưu làm kỷ niệm.
Những clip chân thật đã đánh động phần nào đến đồng nghiệp, bạn bè của cô. Họ bắt đầu đứng ra đồng hành một phần tài chính giúp cô làm được nhiều hơn. Người xem clip cũng gửi khẩu trang, quà bánh nhờ cô thay mặt phát giùm họ. Đây là động lực cho cô gái tiếp tục hành trình giúp người của mình.
Trúc Ly tâm sự: 'Tôi cảm thấy hạnh phúc vì những việc mình làm và những video, clip đăng tải. Tôi thích truyền cảm hứng cho những bạn trẻ khác bằng hành động như vậy. Mọi thứ cần đơn giản đi, không cần có nhiều tiền hay điều gì lớn lao, chỉ cần có tấm lòng muốn giúp đỡ người khó khăn ở trước mặt, ở thời điểm nào đó. Tôi muốn xã hội thu hẹp khoảng cách để những người nghèo khó cảm nhận được sự yêu thương, đồng cảm từ cộng đồng'.
Cô giáo mong muốn 'xã hội thu hẹp khoảng cách để những người nghèo khó cảm nhận được sự yêu thương, đồng cảm từ cộng đồng mạng'. Ảnh: Tiền Phong