So với Asian Cup 2019 vào đến tứ kết, Asian Cup 2023 đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) thua cả 3 trận, trắng tay rời giải.
Những điểm sáng
Ngay từ khi Asian Cup 2023 chưa khởi tranh, Báo Người Lao Động đã nhận định, chưa phải là thảm họa nếu ĐTVN không đạt chỉ tiêu vượt qua được vòng bảng, bởi mục tiêu chính của ĐTVN vẫn là vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á.
Nhìn lại những gì ĐTVN thể hiện được tại Asian Cup 2023, bên cạnh một số điểm sáng còn có nhiều bài học rất quý giá cho cái đích vòng loại thứ 2 World Cup 2026 sẽ bước vào thời điểm quyết định vào tháng 3 và 6 tới.
VFF cần sớm tìm ra phương án tốt nhất cho đội tuyển Việt Nam khi tái đấu Indonesia 2 trận vào tháng 3 (Ảnh: QUỐC ANH)
Điểm sáng đó là gì? Kết thúc vòng bảng, ĐTVN đã ghi được 4 bàn, xếp thứ 9/24 đội ngang với Úc, Uzbekistan, Ả Rập Saudi và hơn cả đội đầu bảng E là Bahrain (3 bàn).
Với số bàn thắng này, ĐTVN là đội ở khu vực Đông Nam Á ghi nhiều bàn thắng nhất, khi Indonesia chỉ ghi được 3 bàn và Thái Lan là 2 bàn dù cả 2 đội cùng vượt qua vòng bảng (Thái Lan đoạt vé chính thức, Indonesia vào vòng 1/8 bằng vé vớt). Syria chỉ ghi được 1 bàn nhưng cũng vào vòng 1/8 nhờ vé vớt.
Bốn bàn thắng của ĐTVN là đã ghi được vào lưới 2 đội bóng lớn của châu Á là Nhật Bản và Iraq. Cần biết và nhớ rằng ghi bàn vào lưới những đội bóng lớn khó hơn rất nhiều so với việc tìm cách hạn chế bàn thua. Đội Indonesia đã phải dừng bước ở vòng 1/8 khi thua đội Úc đến 4 bàn cách biệt và không ghi được bàn thắng nào.
Cầu thủ chủ chốt bị chấn thương
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì ĐTVN lại để lọt lưới đến 8 bàn, trong đó có 3 bàn thua ở phút bù giờ trước 2 hàng tấn công rất mạnh ở giải là Nhật Bản và Iraq. Nếu như 2 bàn thua ở những phút cuối hiệp một khiến ĐTVN đang vượt lên trước Nhật Bản 2-1 thì bị dẫn ngược lại 3-2, còn ở trận Iraq đang hòa 2-2 thì lại thua chung cuộc 2-3.
Đây là kết quả tất yếu của ĐTVN đến với giải với đội hình có tuổi bình quân trẻ thứ 4 ở giải, đồng thời có đến 9 cầu thủ chủ chốt bị chấn thương không thể tham dự giải. ĐTVN tại Asian Cup 2023 thiếu vắng 2 tên tuổi nổi bật vừa vững chắc trong phòng thủ vừa hiệu quả trong tấn công là Quế Ngọc Hải và Đoàn Văn Hậu.
Trung vệ kỳ cựu Đỗ Duy Mạnh tuy có mặt ở giải nhưng chưa hoàn toàn hồi phục phong độ. Do đó, cũng dễ hiểu vì sao ĐTVN nhận đến 3 quả phạt 11 m, trong đó có quả phạt đền từ lỗi nắm áo lộ liễu của Thanh Bình.
Ở ĐTVN hiện nay, việc tìm giải pháp khắc phục, hạn chế số bàn thua xem ra vẫn dễ hơn tìm và xây dựng các phương án tấn công, ghi bàn!
Kiểm soát bóng để chủ động tấn công
Đây là triết lý mới của HLV P. Troussier đã và đang áp dụng cho bóng đá Việt Nam nhằm đem tới lối chơi đa dạng thiên về tấn công, trên cơ sở kiểm soát bóng để chủ động tấn công.
Rõ ràng giờ đây các cầu thủ Việt Nam đã có thể chủ động ghi bàn vào các đội hàng đầu châu Á thay vì bị động, chịu đựng rồi chờ cơ hội ghi bàn bằng lối chơi chỉ phòng ngự là chính.
'Kiểm soát bóng để chủ động tấn công' - có thể xem như là một cuộc cách mạng với bóng đá Việt Nam của ông Troussier. Cuộc cách mạng về triết lý chơi bóng này liệu có thật sự phù hợp với bóng đá Việt Nam?
Cần nhấn mạnh rằng cuộc cách mạng này không của riêng chiến lược gia 68 tuổi mà phải là của cả VFF, Hội đồng HLV quốc gia khi tất cả đã cùng thông qua kế hoạch tái cấu trúc bóng đá Việt Nam (BĐVN) của ông Troussier. Sự thay đổi lối chơi cùng cách tiệm cận của ĐTVN là tất yếu để đưa BĐVN từ tầm Đông Nam Á vươn lên nhóm đầu châu Á.
Muốn thành công trọn vẹn, các cầu thủ Việt Nam phải thay đổi tư duy bóng đá và cả thể lực. Rộng hơn là cả hệ thống bóng đá chuyên nghiệp của BĐVN cũng phải chuyển biến từ hình thức (tổ chức, vận hành) cho đến nội dung (chất lượng giải, chất lượng từng trận đấu) để phù hợp với xu hướng đổi mới này.
Có nghĩa là để cuộc cách mạng này thành công, không chỉ ông Troussier, các cầu thủ Việt Nam, lãnh đạo, HLV các câu lạc bộ mà cả bộ máy điều hành BĐVN cũng phải thay đổi tư duy, từ bỏ lối mòn cũ, một cách làm khi nhìn từ bên ngoài có vẻ an toàn và thành công khi đã có lúc đem lại cho BĐVN những giây phút vinh quang ở Đông Nam Á.
Nhưng chẳng lẽ chúng ta vui và hài lòng với vị trí hàng đầu ở Đông Nam Á khi đây là một trong hai vùng trũng của bóng đá thế giới (cùng với Nam Á)?
Sớm tìm ra phương án tốt nhất
Hiện nay, bao nhiêu điều không vui từ kết quả của BĐVN tại Asian Cup 2023 đều trút hết lên HLV Troussier, đơn giản vì nhà cầm quân người Pháp là người khởi xướng và có vẻ ông đang cô đơn khi dám đi ngược với triết lý an toàn là trên hết.
Chúng tôi không nói ông Troussier đúng hoàn toàn. Hơn lúc nào hết, bộ phận chuyên môn của VFF cần ngồi lại với ông Troussier để sớm tìm ra phương án tốt nhất, cách chọn người và dùng người sao cho tối ưu để ĐTVN vượt qua Indonesia trong 2 trận vào tháng 3, làm cơ sở cho mục tiêu vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026.
Nếu thất bại khi tất cả đã đồng lòng với quan điểm BĐVN phải đổi mới thì dù ông Troussier còn đó hay sẽ có người mới thay thế, thì BĐVN vẫn phải kiên định với cuộc cách mạng dang dở này.
Tại sao? Vì rằng trong mọi lĩnh vực chứ không riêng gì trong bóng đá, nếu muốn nâng tầm, tiến lên phía trước thì phải chấp nhận thất bại ở thời kỳ đầu, chấp nhận rũ bỏ thành công nhất định của quá khứ. Dĩ nhiên, sự chấp nhận này cần phải trong tầm kiểm soát.
Vị trí của BĐVN trên bảng xếp hạng FIFA hiện đã sụt giảm đáng kể, dư luận cho rằng nguyên nhân là do việc áp dụng triết lý mới 'kiểm soát bóng' do ông Troussier khởi xướng. Tuy nhiên, nên nhớ rằng dù trước đây hơn Thái Lan đến hơn 20 bậc ở bảng xếp hạng FIFA nhưng bao năm qua, ĐTVN vẫn chỉ hòa và thua khi đối đầu họ.