Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Việt Hà – Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết đột quỵ là nguyên nhân tử vong và tàn phế hàng đầu trên thế giới. Cứ 6 người thì có 1 người có nguy cơ đột quỵ. Đây là bệnh ảnh hưởng tới cuộc sống nhiều nhất từ vận động, tư duy, công việc thậm chí người bệnh nằm một chỗ.
Hiện theo Tổ chức Đột quỵ thế giới cứ 6 giây có một người bị đột quỵ. Mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 17 triệu người bị đột quỵ.
Theo thạc sĩ Hà, người bệnh có đủ triệu chứng từ méo miệng, tê nửa người, mặt lệch, biểu hiện kín đáo hơn đó là nhân trung lệch sang 1 bên, thức ăn, nước uống vãi ra ngoài. Đột quỵ giống với nhóm bệnh nhân liệt lặt nhưng đột quỵ liệt mặt vẫn nhắm được mắt. Bệnh nhân có các bất thường ngôn ngữ, liệt nửa người bên trái hoặc bên phải.
Ngoài ra, bệnh nhân còn cảm thấy chóng mặt, khó quay đầu sang hai bên, giống với biểu hiện của tiền đình. Nhưng chóng mặt do tiền đình bạn có cảm giác giống say tàu xe, chòng chành, buồn nôn. Còn chóng mặt của đột quỵ bệnh nhân sẽ đi loạng choạng do tổn thương ở tiểu não, người xiêu vẹo như say rượu. Người bệnh không định hình được vật dụng trong không gian ví dụ bạn muốn cầm cốc nước nhưng không cầm được,…
Nguy hiểm của đột quỵ đó là: Khoảng 10 – 20% bệnh nhân sẽ tử vong, khoảng 13% bệnh nhân đột quỵ nằm liệt giường và lệ thuộc vào người khác, 12 % bệnh nhân đột quỵ phải sử dụng hỗ trợ như nạng, đi lại khó khăn. 25 % bệnh nhân đột quỵ có thể đi lại bình thường và có di chứng ít về vận động, thiếu hụt vận động…
Thạc sĩ Hà cho biết ngay từ bây giờ bạn nên thay đổi lối sống để phòng đột quỵ, việc thay đổi lối sống khoa học từ ăn uống, làm việc, vận động.
Cấp cứu đột quỵ tại Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai.
Thứ nhất, ăn uống khoa học
Đột quỵ liên quan tới các bệnh lý nền như xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, đái tháo đường nên ăn uống khoa học giúp bạn tránh các bệnh trên.
Vì vậy, bác sĩ Hà khuyến cáo ngay bây giờ bạn nên hạn chế mỡ trong chế độ ăn nhất là chất béo trong đồ chiên rán, tăng cường chất béo bão hòa như dầu cá, dầu hạt óc chó… giảm đường vì dư đường chuyển hóa thành mỡ máu và tăng cân. Dư thừa đường còn gây tiểu đường. Cách tốt nhất hạn chế tối đa đường, nấu ăn cũng hạn chế cho đường.
Ăn ít bột đường như cơm. Hiện người Việt ăn quá nhiều tinh bột làm cho lượng carbohydrate nhập vào cơ thể cao. Khi đó, carbohydrate chuyển hóa thành Triglyceride gây rối loạn chuyển hóa, béo phì.
Trong chế độ ăn, bạn cần bổ sung thêm chất xơ để giảm hấp thu chất béo, đường, tăng cường vitamin và nhu động ruột giúp hệ tiêu hóa tốt hơn.
Hạn chế muối, theo BS Hà nhiều vùng ăn mặn và muối làm huyết áp tăng cao, khó kiểm soát huyết áp hơn rất nhiều nên bạn cần kiểm soát muối vào cơ thể.
Thứ hai, bỏ thuốc lá
BS Hà cho biết hút thuốc lá làm tăng xơ vỡ mạch máu, tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt trong máu, tăng triglyceride máu. Thành phần nicotin trong thuốc lá làm tăng co thắt mạch máu, tăng khả năng hình thành cục máu đông. Trong thực tế lâm sàng anh gặp nhiều trường hợp bệnh nhân mới 27 - 28 tuổi nhưng hút thuốc lá nhiều năm đã bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, các bệnh lý hẹp mạch, tổn thương thành mạch nên thuốc lá được xếp vào nguy cơ hàng đầu tăng nguy cơ đột quỵ. Vì vậy, khi thay đổi lối sống đầu tiên bạn cần bỏ thuốc lá.
Thứ ba, hạn chế rượu bia
Việt Nam là nước có tỷ lệ rượu bia hàng đầu Đông Nam Á. Uống quá nhiều làm huyết áp tăng cao, nhịp tim tăng lên, tăng nguy cơ đột quỵ. Bạn uống quá nhiều bia rượu 2 lần/tuần sẽ tăng nguy cơ đột quỵ. Thay vì uống bia, bác sĩ Hà khuyến cáo bạn có thể chọn 1 ly rượu vang mỗi ngày để tốt cho tim mạch.
Không chỉ dung nạp từ rượu bia, thói quen nhậu như hiện tại ở Việt Nam người uống còn cộng với đồ ăn chiên xào, nội tạng động vật.
Thứ tư, duy trì tập thể dục
Thể dục làm cải thiện chức năng tim mạch, giảm cân, tăng lưu thông mạch máu não, cải thiện nhịp tim. Vì vậy, bạn cần tập luyện 30 phút/ngày, mỗi tuần 5 buổi. Với người có bệnh nền, bác sĩ Hà khuyến cáo khi tập luyện cần tư vấn của bác sĩ chọn bài tập phù hợp, không quá mức so với mức độ sức khỏe của bạn đang có vì tập quá mức có thể gây đột tử.
Thứ năm, khám sức khỏe định kỳ
Đây cách bạn phát hiện mình có các bệnh mỡ máu, gan nhiễm mỡ, huyết áp, đường huyết…. khi phát hiện sớm thì bạn sẽ có biện pháp theo dõi phòng ngừa đột quỵ. Các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu thường không có biểu hiện gì mà chỉ phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ.
Nếu bạn phát hiện các bệnh lý nền này bạn sẽ được bác sĩ theo dõi, tư vấn để phòng ngừa đột quỵ trong tương lai. Bạn cần thực hiện khám sức khỏe định kỳ hàng năm.