Cứ ngỡ trà chanh giã tay sẽ là món cuối và giữ phong độ cho tới hết năm 2023 trong ngành F&B thì những ngày này, dân tình lại vô tình 'va' phải một món đồ uống mới. Vốn là trà pha với sữa nhưng từ cách chế biến khác lạ đến việc được uống nóng, thích hợp thưởng thức vào những ngày gió lạnh đã vô tình giúp trà sữa đất nung/ trà sữa nướng/ trà sữa Vân Nam được săn lùng.
Các hàng bán trà sữa đất nung mọc lên như nấm, có hàng doanh thu 21 triệu/ngày
Một trong những cửa hàng mở bán set trà sữa đất nung đầu tiên ở Hà Nội nằm trên con phố Hàng Vải (Hoàn Kiếm), khoảng đầu tháng 11. Theo ghi nhận, thời điểm đó, mỗi ngày quán chỉ bán được chừng 10 - 15 set từ chiều đến tối.
Thế nhưng, chưa đầy 2 tuần sau, lượng khách của quán tăng đột biến, những vị khách quen chia sẻ trước kia họ chỉ phải đợi từ 15 - 20 là có trà uống thì nay thời gian chờ đợi đã lên tới hơn 40 phút. Thậm chí có người chia sẻ đã đi 2 - 3 vòng, lượn khắp các ngóc ngách mà khi quay ra vẫn chưa tới lượt.
Từ một nguồn tin riêng, doanh thu những ngày gần đây của quán trà sữa đất nung trên phố Hàng Vải lên tới hơn 21 triệu đồng/ngày.
Ảnh: Dinh Hoang Phuong Thao
Không những vậy, trên khắp các con đường, từ Hàng Chiếu, Ấu Triệu, Hàng Điếu, Hàng Muối (quận Hoàn Kiếm), và sang tận Kim Mã (Ba Đình), Nguyễn Khang (Cầu Giấy), Hồng Mai, Nguyễn Hiền (Hai Bà Trưng), Trần Phú (Hà Đông)... cũng bắt đầu mọc lên những hàng quán kinh doanh món đồ uống này.
Với các nguyên liệu cơ bản là trà, sữa, táo đỏ, kỳ tử, hoa hồng cùng công đoạn phải rang và nấu bằng ấm đất nung. Tuy nhiên, mỗi quán lại có cách pha chế riêng, mang đến hương vị không giống nhau. Có quan còn để thêm trân châu phục vụ thực khách.
Ảnh: Linh Tea
Món trà với đặc tính 'pha lâu' - cản trở hay thuận lợi?
Trước đây, có một hãng cà phê đình đám nổi tiếng với việc pha lâu khiến nhiều người sốt ruột, không thể chờ đợi nổi thì theo cảm nhận của không ít người, để được uống trà sữa đất nung còn phải đợi lâu hơn thế nữa. Giờ cao điểm ở các hàng trà sữa này là từ 7 rưỡi tối cho đến khuya. Thông thường, mỗi lượt các quán chỉ làm được khoảng 6 - 8 bình đã tốn khoảng 20 - 30 phút. Bởi đó, các khách tới sẽ phải ngồi chờ đợi trong một khoảng thời gian khá dài, có người đợi 20 - 30 phút, nhưng cũng có người ngồi cả tiếng, xem người bán làm từng công đoạn.
Ảnh chụp màn hình: @4season, @viethong
Song, việc mọi người đợi lâu cũng giúp quán tạo hiệu ứng đông đúc, được chú ý hơn khi lúc nào cũng có người ngồi kín quán. Chẳng ngoa khi nói đặc tính 'pha lâu' đôi lúc đã phát huy tác dụng tích cực. Đương nhiên, các vị khách đã tìm tới món trà sữa đất nung thì cũng xác định sẽ phải kiên nhẫn ngồi đợi một khoảng thời gian.
Chưa dừng ở đó, quãng thời gian khách ngồi đợi trà sữa đất nung 'ra lò' cũng mang đến cơ hội kinh doanh thêm các món ăn kèm. Có thể thấy, một số quán đã đưa chính món bán sẵn như bánh trứng, bánh quế, ô mai... ra để phục vụ các thực khách.
Các quán cũng tranh thủ bán thêm đồ ăn kèm. Ảnh: Nguyễn Hương Giang, Chè Tofu,
Trung bình 1 set trà sữa đất nung dành cho 2 người rơi vào khoảng 80.000đ - 90.000đ. Một số nơi bán set nhỏ có 4 cốc với giá 95.000đ. Cũng có nơi bán thêm combo đồ ăn kèm trà sữa rơi vào khoảng 120.000đ - 150.000đ. Theo đánh giá của nhiều người thì giá bán này khá hợp lý.
Cũng có một số kinh nghiệm rút ra rằng, nếu như muốn không phải xếp hàng thì hãy đi vào buổi sáng, trưa hoặc chiều. Còn nếu đi buổi tối thì hãy đi sớm một chút và đặt lịch trước với chủ quán, hoặc cũng có thể mua cả set mang đi.
Tuy nhiên, đây không phải là điều hiếm gặp bởi trước đó đã có không ít hàng quán cũng vì thời gian chờ đợi lâu mà giúp tạo được sự tò mò cho thực khách. Nhưng với những người nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B thì cho rằng: 'Chỉ tốt trong thời gian đầu, lúc mà món ăn hay thức uống còn mới lạ, khách hàng sẽ sẵn sàng chờ đợi. Nhưng về lâu và dài, hiệu ứng này sẽ thay đổi rất nhanh bởi chẳng ai muốn bỏ thời gian của mình để chờ 15 phút thậm chí gần cả tiếng đồng hồ để ăn hay uống cái gì đó. Nhất là với các tệp khách gia đình, người bận rộn có khi đã khiến họ từ chối tiếp cận ngay từ đầu. Nên để phát triển hơn, các cửa hàng nên tìm cách khắc phục, rút ngắn thời gian đồng nghĩa đẩy nhanh doanh thu, tối ưu nhân sự hay chi phí mặt bằng cùng nhiều thứ khác' - Anh Bùi Nghĩa, hiện đang kinh doanh lĩnh vực F&B tại TP.HCM cho hay.