Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư quy định nhiệm vụ, quy trình tuần tra, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT. Đáng chú ý, dự thảo này gây ra nhiều tranh luận khi đề xuất bố trí một bộ phận CSGT mặc thường phục để giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm khác.
Sẽ giúp công việc nhịp nhàng hơn?
Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, cho rằng việc quy định CSGT mặc thường phục dùng thiết bị nghiệp vụ giám sát tình hình giao thông, phát hiện người vi phạm là không mới. Cách đây 10 năm, Bộ Công an ban hành Thông tư 65/2012/TT-BCA, trong đó tại khoản 1 điều 10 quy định CSGT được phép bí mật sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Tuy nhiên, thông tư này cũng quy định khi tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp hóa trang thì phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát. Bộ Công an nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang trái quy định của pháp luật để sách nhiễu, phiền hà, gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Câu hỏi được dư luận đặt ra là làm sao biết đâu là CSGT hóa trang, đâu là kẻ gian sử dụng thẻ ngành giả để thực hiện các hành vi phạm tội?
Trả lời câu hỏi này, trung tá Nguyễn Chí Thanh - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 10, TP HCM - chia sẻ: 'Lực lượng công an, CSGT khi thực hiện nhiệm vụ được giao thực hiện đúng điều lệnh, xuất trình thẻ ngành công an để chứng minh. Nếu đi trên đường bất chợt bị kiểm tra hành chính và xưng là công an thì người dân có quyền yêu cầu về công an phường, xã gần nhất để phối hợp làm việc. Nếu xưng là CSGT hóa trang thì theo quy định, người mặc thường phục chỉ được kiểm tra, không được xử phạt. Do đó, người dân có thể yêu cầu cùng cán bộ mặc thường phục gặp trực tiếp cán bộ mặc sắc phục để phối hợp làm rõ lỗi vi phạm'.
Từ thực tiễn triển khai Thông tư 65 và quy định mới tại dự thảo thông tư lần này, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP HCM - cho rằng việc CSGT mặc thường phục phối hợp làm nhiệm vụ với lực lượng mặc sắc phục sẽ giúp công việc nhịp nhàng hơn.
Dù vậy, theo bà Nhuệ, về lâu dài, cần đẩy mạnh công nghệ hóa trong xử lý vi phạm vì sẽ tiết kiệm được thời gian, nhân lực.
Lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát tình hình giao thông. Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Không cần thiết!
Trong khi đó, dư luận, giới chuyên gia băn khoăn về quy định trên khi cho rằng vai trò của CSGT là tuyên truyền nâng cao ý thức của người điều khiển giao thông, do đó không nên dùng 'nghiệp vụ hình sự' để xử lý vi phạm về giao thông.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng theo quy định pháp luật hiện hành, có nhiều lực lượng cùng có nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó có CSGT, cảnh sát trật tự, thanh tra giao thông, cảnh sát hình sự... Mỗi lực lượng lại có những chức năng, nhiệm vụ khác nhau nên cần quy định có tính đặc thù, đặc biệt và có sự phối hợp lẫn nhau để thực hiện nhiệm vụ. 'Nhiệm vụ của CSGT chủ yếu là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông, xử lý các trường hợp va chạm, tai nạn giao thông... Do vậy, khi thực hiện nhiệm vụ, CSGT nên giữ đúng tác phong, điều lệnh, mặc cảnh phục và trang bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những hoạt động mật phục, cải trang để phát hiện hành vi vi phạm là không cần thiết, không phù hợp với sự phát triển của xã hội' - luật sư Cường lập luận.
Đồng quan điểm, theo luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), quy định này có thể dẫn đến một số bất cập nhất định trong quá trình thực hiện, áp dụng pháp luật. Cụ thể, trường hợp CSGT thực hiện việc giám sát, phát hiện vi phạm thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nếu phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật. Điều này khiến cho công tác xác minh, xử lý vi phạm mất thêm nhiều thời gian hơn so với việc kiểm soát và xử lý công khai, trực tiếp, từ đó không phát huy được tính nhanh chóng, kịp thời khi xử lý vi phạm của lực lượng CSGT.
Quy định CSGT không phải chào người vi phạm: Phù hợp thực tiễn
Dự thảo thông tư cũng đề xuất một số trường hợp CSGT không phải chào khi dừng phương tiện. Cụ thể, điều 17 dự thảo quy định sau khi dừng xe có dấu hiệu vi phạm, CSGT thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân; trừ trường hợp CSGT biết người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã, có hành vi thiếu văn hóa, cản trở, chống đối việc kiểm tra, kiểm soát.
Theo thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM, việc CSGT chào người dân khi dừng phương tiện thể hiện nét nghiêm trang của người chiến sĩ Công an nhân dân, cũng thể hiện sự gần gũi với người dân và qua đó người dân hợp tác hơn. Riêng trường hợp CSGT khi dừng phương tiện nếu biết trước người đó có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã thì không phải chào để có thể kiểm soát, bắt giữ là phù hợp thực tiễn.
Ý Linh