Tuy nhiên, phía sau những công việc chính ấy, cán bộ, chiến sĩ Phòng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh còn bắt trộm, cướp, dọn dẹp bùn đất, mảnh thủy tinh vỡ, dầu nhớt đổ trên đường, đưa người bị tai nạn giao thông, mở đường cho người mang thai bị vỡ ối, trẻ em bị sốt co giật, người bệnh trong cơn nguy kịch đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu. Tất cả những việc làm ấy đã góp phần đảm bảo tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông, được đông đảo người dân quý mến, cảm phục...
Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh giúp người dân vượt qua giai đoạn đường ngập sau cơn mưa lớn. Ảnh: Minh Đức.
1. Sau gần một tháng liên tục lỗi hẹn vì lịch trực dày đặc, sáng một ngày trung tuần tháng 10-2022, tôi đã có buổi trò chuyện với Đại úy Nguyễn Thành Đức và Thượng úy Trịnh Xuân Phúc (công tác tại Đội CSGT Bến Thành) để nghe các anh kể chuyện những lần giúp dân gặp nạn trên đường. Trong những năm tháng thực hiện công việc tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông, các anh cùng đồng đội đã nhiều lần tham gia giúp đỡ người gặp nạn, đặc biệt là bắt cướp và gần nhất là vụ bắt đối tượng cướp điện thoại vào ngày 22/8/2022.
Buổi trưa hôm ấy, khi Phúc và Đức đang tuần tra trên tuyến đảm trách, đến đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Bến Thành, quận 1 thì nghe tiếng một phụ nữ tri hô “cướp... cướp...”.
Thoáng nhìn thấy một đối tượng là nam giới, trên tay cầm vật gì đó giống chiếc điện thoại di động đang chạy thục mạng về phía công viên Tao Đàn, Phúc và Đức dừng mô tô đặc chủng bên lề đường rồi chạy bộ đuổi theo. Đến sau khu vực nhà vệ sinh công cộng của công viên Tao Đàn (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) thì Đức bắt kịp, nắm được áo đối tượng. Ngay tức thì, Phúc phóng đến hỗ trợ khống chế, khóa tay đối tượng mang bàn giao cho Công an phường Bến Thành, quận 1 để tiếp tục điều tra, xử lý. Qua khai thác, đối tượng khai tên Nguyễn Phi Hiếu, sinh năm 2001, tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đến cửa hàng điện thoại số 91B Cách Mạng Tháng Tám, quận 1 giả làm người mua rồi lợi dụng sơ hở cướp điện thoại bỏ chạy khỏi cửa hàng thì bị CSGT phát hiện, truy bắt.
“Nghĩ đây là trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an nhằm góp phần đảm bảo an ninh, trật tự và tài sản của nhân dân nên sau khi bàn giao đối tượng cho công an phường xử lý, em và Phúc tiếp tục lên đường. Không ngờ, hết ca tuần tra, vừa trở về đơn vị thì ban chỉ huy, anh em đồng đội đã đợi sẵn để chúc mừng... Hạnh phúc nhất là khi người phụ nữ bị giật điện thoại còn đến tận nơi, siết chặt tay hai anh em, bày tỏ lòng cảm ơn...”.
Đại úy Nguyễn Thành Đức và Thượng úy Trịnh Xuân Phúc kể lại quá trình truy đuổi cướp.
2. Cũng là cách xử lý những tình huống phát sinh trên đường làm nhiệm vụ, Thiếu tá Trần Thanh Phong - cán bộ Đội CSGT Rạch Chiếc đã làm được những việc in sâu vào lòng người, nhưng khi được đề nghị trả lời phỏng vấn, anh cho rằng: “Đâu có gì to tát, chỉ là bớt chút thời gian đỡ đần người gặp khó khăn cũng giống như có hiếu với cha mẹ, người thân nên lên báo ngại lắm...”.
Phải vất vả lắm tôi và Phong mới có được cuộc gặp. Lướt qua một số việc đã giúp người tham gia giao thông bị nạn, Phong dừng lại ở việc làm vào lúc 13h20 ngày 16/6/2022. Lúc ấy Phong cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ điều tiết giao thông tại giao lộ đường Tây Hòa - xa lộ Hà Nội, đang cố gắng “gỡ nút” cho hàng loạt xe tải, xe đầu kéo container thoát khỏi điểm ùn tắc thì nhìn thấy một người đàn ông bế theo con nhỏ chạy bộ từ trong hẻm đường Tây Hòa, phường Phước Long A, TP Thủ Đức chạy ra nhờ hỗ trợ chở con đi cấp cứu ở bệnh viện vì có mẹ đang ở đó.
Thấy người đàn ông ở trần, mặc quần đùi, đi chân đất, một tay bế em bé chừng hơn 1 tuổi bị sốt cao, liên tục co giật, ngón trỏ tay kia cài vào giữa hai hàm răng để cháu nhỏ không cắn phải lưỡi, Phong quyết định không đưa cháu bé cùng người đàn ông xuống quận Bình Thạnh, mà nhờ đồng đội làm giúp phần việc rồi dùng xe mô tô đặc chủng đưa đến Bệnh viện Quân dân y miền Đông cách đó không xa. Chờ đến khi điều dưỡng xác định cháu bé đã dần ổn định, Phong mới trở lại vị trí công tác cùng đồng đội tiếp tục điều tiết giao thông.
Thiếu tá Phong kể: Trên đường đi cấp cứu, thấy hình ảnh một CSGT dùng xe mô tô đặc chủng chở người đàn ông quần đùi, chân đất, lại không đội mũ bảo hiểm, nhiều người dân đã quay phim, chụp ảnh, mình nghĩ thế nào cũng phải làm giải trình vì vi phạm Luật Giao thông.
Thượng úy Bùi Công Toàn đưa nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông đến bệnh viện cấp cứu kịp thời (ảnh do người dân ghi lại, tuyên dương trên mạng xã hội)
Sáng sớm hôm sau, khi vừa xuống ca đêm, định ngủ bù lấy lại sức lực để tiếp tục nhận ca mới thì chỉ huy đội gọi điện thoại yêu cầu lên cơ quan gấp. Tưởng phải làm tường trình như đã nghĩ trước đó nhưng khi vừa vào hội trường thì ban chỉ huy đội cùng người đàn ông hôm trước đã chờ sẵn. Chưa kịp gật đầu chào hỏi thì người đàn ông đã cất lời cảm ơn: “Cũng may khi đó anh quyết định nhanh, lẹ đưa tôi và cháu đến bệnh viện gần nhất nên bây giờ cháu đã tỉnh táo, giảm sốt và hết co giật. Bác sĩ nói nếu đưa đến chậm ít phút thôi, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cháu...”.
3. Một câu chuyện cảm động nữa mà cho đến nay, nhiều người dân phường Linh Xuân, TP Thủ Đức vẫn nhớ, đó là vụ việc xảy ra vào khoảng 15h30 ngày 2/10/2022. Theo lời kể của Đại úy Nguyễn Văn Trọng và Thượng úy Bùi Công Toàn, khi ấy, tổ công tác của Đội CSGT Rạch Chiếc gồm Thiếu tá Lê Đình Sơn - tổ trưởng, Đại úy Nguyễn Đình Dương cùng hai anh đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 1 (đoạn từ ngã tư Linh Xuân đến cầu Đồng Nai) thì phát hiện vụ tai nạn giao thông xảy ra giữa xe buýt BKS 51B-264.88 và xe môtô BKS 38X1-465.48. Tại hiện trường có 2 nạn nhân một nam, một nữ bị cuốn vào gầm xe buýt.
Ngay lập tức, tổ công tác phối hợp tiến hành đưa người bị nạn từ trong gầm xe ra kiểm tra, sơ cứu và bảo vệ hiện trường, phân luồng, điều hòa giao thông và chờ tổ điều tra tai nạn đến giải quyết. Thấy nạn nhân nữ bị chảy máu nhiều ở vùng đầu, Thiếu tá Lê Đình Sơn cử Thượng úy Bùi Công Toàn dùng xe mô tô đặc chủng chở nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Ung Bướu (cơ sở 2), riêng nạn nhân nam chỉ bị xây xát ngoài da nên đã tiến hành sơ cứu tại chỗ.
Khi thấy hai nạn nhân cùng bị cuốn vào gầm xe, anh em trong tổ đều nghĩ lành ít dữ nhiều, nhưng nghĩ còn nước còn tát, anh em không ai bảo ai, lập tức cùng nhau chui vào gầm xe cứu người dù là hy vọng nhỏ nhất. Thấy nạn nhân bị chấn thương vùng đầu khá nặng, chảy máu nhiều nên tổ trưởng lập tức cho dùng xe đặc chủng cùng tài xế xe buýt đưa đến bệnh viện gần nhất cấp cứu.
“Ngồi chờ bên ngoài phòng cấp cứu mà lòng em cứ nóng như lửa đốt, miệng lẩm bẩm cầu trời giúp chị tai qua nạn khỏi, cho đến mấy giờ sau, khi bác sĩ thông báo bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm thì em mới an tâm giao cho người thân của họ trông nom để trở về đơn vị tiếp tục công tác. Một tuần sau, khi nạn nhân gọi điện đến đội cảm ơn tổ công tác thì tất cả đều vui mừng vì đã kịp thời cứu giúp được một người gặp nạn. Vợ con và người thân trong gia đình cũng hãnh diện khi thấy hình ảnh em cùng đồng đội với bộ quân phục đẫm máu tại Bệnh viện Ung Bướu sau khi đưa nạn nhân đi cấp cứu đã được người dân ghi lại và lan truyền trên các phương tiện truyền thông với rất nhiều lời khen tặng”, Thượng úy Bùi Công Toàn chia sẻ.
Hình ảnh đẹp của chiến sĩ cảnh sát giao thông trên đường phố. Ảnh: Minh Đức.
4. Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, thực tế nhiệm vụ của lực lượng CSGT không chỉ tuần tra, kiểm soát, bảo đảm giao thông trên các tuyến đường, điều tra, xử lý va chạm, tai nạn giao thông, xử phạt vi phạm, tuyên truyền, giải thích, vận động người tham gia giao thông chấp hành nghiêm quy định về an toàn giao thông... mà còn xử lý các tình huống, vụ việc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên mặt đường nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ theo yêu cầu, ban chỉ huy phòng thường xuyên đưa giáo dục văn hóa ứng xử vào nội dung sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống, sinh hoạt đoàn thể vào hoạt động của đơn vị. Ngoài ra, còn phối hợp với giảng viên Khoa CSGT Trường Đại học Cảnh sát nhân dân thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên đề, xây dựng kỹ năng, văn hóa ứng xử, xử lý tình huống trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Công tác tập huấn đã giúp cán bộ, chiến sĩ có sự chuyển biến về mặt nhận thức khi thực hiện nhiệm vụ; chủ động nắm vững kiến thức pháp luật, quy trình công tác; kiên quyết, khéo léo trong xử lý tình huống, nâng cao chất lượng công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, phòng đã triển khai được 8 lớp tập huấn với 1.040 cán bộ, chiến sĩ tham dự. Từ công tác đẩy mạnh học tập nâng cao nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng ứng xử... mà trong 9 tháng đầu năm 2022, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh đã có 43 lượt cán bộ, chiến sĩ nêu gương người tốt việc tốt trong quá trình công tác, 15 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia bắt “nóng” 8 đối tượng trong 6 vụ cướp tài sản, thu giữ tài sản trả lại cho người bị hại.
Những hành động, việc làm giản dị, thiết thực đó là những câu chuyện về lòng tốt, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ tham gia đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, củng cố niềm tin, hình ảnh đẹp về lực lượng CSGT trong lòng nhân dân.