Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) ngày 5/6, trong 5 tháng đầu năm nay, toàn thành phố ghi nhận tổng cộng 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021 (7.039 ca).
Trong đó, số ca sốt xuất huyết nặng là 209 ca, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca).
Riêng ghi nhận trong tuần 22 (từ ngày 27/5 đến 2/6), TP.HCM có 1.504 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 329 ca (28%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao ở hầu hết quận, huyện và TP Thủ Đức (trừ quận 10). Những phường, xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường 5 (quận 8); phường Tân Thới Nhất (quận 12); xã Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi).
Đáng nói, trong tuần 22, TP.HCM cũng ghi nhận 111 ổ dịch sốt xuất huyết phát sinh ở 79 phường, xã thuộc 20/22 quận huyện, TP Thủ Đức; giảm 10 ổ dịch mới so với tuần 21.
Được biết, số ca sốt xuất huyết tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Nhiều trẻ bị sốc sốt xuất huyết kèm suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan nặng...Thậm chí, có bé còn hôn mê suốt 1 tháng, phải thở máy, lọc máu mới qua cơn nguy kịch.
Rất may, trong tuần vừa qua, thành phố hiện chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Tổng ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 7 trường hợp.
Nhiều trẻ hôn mê suốt 1 tháng, phải thở máy tại BV Nhi đồng 1 TP.HCM. Ảnh: Zing.vn
Không chủ quan khi trẻ bị sốt
ThS.BS Lê Phan Kim Thoa - Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, ở giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19 từng có ca tử vong do sốt xuất huyết mà nguyên nhân rất đau lòng là do sợ dịch. Ngoài ra, có nhiều trẻ bị trì hoãn việc đi khám vì phụ huynh tự chẩn đoán bệnh cho trẻ.
Có trường hợp trẻ sốt cao, người thân nghi ngờ bị Covid-19 nên tự cách ly tại nhà hoặc có những bé bị sốt sau chích ngừa Covid-19 lại tưởng là sốt do chích ngừa mà không đến bệnh viện sớm. Cá biệt, đã có trường hợp nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết với sốt phát ban nên tự điều trị sai cách.
Theo bác sĩ Kim Thoa, khi trẻ sốt cao, phụ huynh nên cho trẻ đi thăm khám vì có rất nhiều nguyên nhân gây sốt ở trẻ em. Trẻ sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục và không kèm các triệu chứng đường hô hấp như ho hay sổ mũi; trong khi nhiễm Covid-19, trẻ có thể sốt cao hay sốt nhẹ, kèm triệu chứng ho, chảy mũi, nghẹt mũi… Mặc dù có sự khác biệt giữa các bệnh như sốt xuất huyết, nhiễm Covid-19 nhưng cả 2 bệnh đều do siêu vi nên giai đoạn sớm bệnh có thể có biểu hiện khá giống nhau.
Cha mẹ tuyệt đối không được chủ quan khi con sốt cao liên tục
'Để biết chính xác có phải trẻ sốt xuất huyết hay không, trẻ cần được thăm khám và làm xét nghiệm. Ngoài xác định được bệnh, xét nghiệm máu còn giúp tiên lượng bệnh nhân mắc bệnh nặng hay nhẹ. Do đó, dù phụ huynh nghi ngờ trẻ bị bệnh gì, nhưng khi trẻ sốt cao khó hạ hay đã qua 48 tiếng mà trẻ vẫn còn sốt thì nên đưa đi khám ngay', bác sĩ Lê Phan Kim Thoa nói thêm.
Lưu ý trong giai đoạn từ ngày 3 đến ngày 7 của bệnh
Sau khi virus xâm nhập vào cơ thể qua muỗi đốt, trẻ sẽ trải qua thời gian ủ bệnh kéo dài từ 3-13 ngày tùy thuộc vào thể trạng, sức đề kháng của trẻ. Trong thời gian ủ bệnh, gần như không xuất hiện triệu chứng hoặc nếu có triệu chứng cũng không rõ ràng. Ở giai đoạn khởi phát, trẻ sẽ sốt cao đột ngột, liên tục kèm nhức đầu, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, một số trẻ có chán ăn, buồn nôn.
Giai đoạn nguy hiểm thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh, trẻ có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Biến chứng thường xảy ra trong giai đoạn này: Trẻ đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan.
Giai đoạn này trẻ dễ bị xuất huyết da và niêm mạc như chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu ra máu… Trẻ có cảm giác buồn nôn hay nôn ói, nặng hơn trẻ có biểu hiện vật vã, lừ đừ, li bì. Nếu vượt qua được giai đoạn nguy hiểm, trẻ sẽ vào giai đoạn phục hồi, trẻ khỏe dần lên, bắt đầu thèm ăn và đi tiểu nhiều hơn.
Dù trẻ mắc sốt xuất huyết đã giảm sốt nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Theo bác sĩ Kim Thoa, không phải cứ hết sốt là trẻ đã khỏi sốt xuất huyết. Thường thì khi trẻ bớt sốt vào ngày 3-7 của bệnh, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nguy hiểm.
Khi trẻ bị sốt xuất huyết, việc tuân thủ quy định của bác sĩ rất quan trọng. Có những trường hợp trẻ cần được thăm khám nhiều lần trong ngày để đánh giá diễn tiến bệnh và theo dõi các xét nghiệm. Gia đình không được chủ quan là sáng đã đi khám rồi thì chiều không cần khám nữa, điều này sẽ rất nguy hiểm vì trẻ không được can thiệp kịp thời khi trở nặng. Đặc biệt nếu trẻ không được thăm khám để chẩn đoán sốt xuất huyết, phụ huynh sẽ không biết được thời điểm nào cần đi tái khám, các dấu hiệu cần theo dõi để cho trẻ đi khám lại ngay, nên không thể theo dõi sát sao tình hình của trẻ và không có biện pháp đối phó kịp thời.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, dù nhập viện sớm không cải thiện 100% tiên lượng nhưng chắc chắn sẽ tránh được tình trạng bệnh diễn tiến nặng và có nguy cơ gây ra biến chứng.
'Do đó, trong mùa dịch, phụ huynh cần tìm hiểu về sốt xuất huyết để biết chăm sóc trẻ đúng cách, tránh những biến chứng nguy hiểm', bác sĩ Thoa chia sẻ.