Hà Nội nhiều quận huyện mưa khá lớn từ 17h
Tại Hà Nội, từ 17h ngày 3/7, trên địa bàn các quận, huyện của TP đã có mưa khá lớn do ảnh hưởng của bão số 2. Do mưa vào giờ tan tầm đã gây tình trạng ùn ứ giao thông ở một số tuyến đường nội đô.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký công điện khẩn gửi các sở, ban ngành, các quận, huyện, thị xã, chỉ đạo công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 2. Đặc biệt, đối với các huyện thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang là Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, ông Chung yêu cầu cần chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó lũ. Bảo vệ và kịp thời khắc phục hậu quả sau lũ có thể xảy ra.
Chiều 4/7, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng vừa có công văn khẩn số 2 gửi các tỉnh, thành ở Bắc, Trung Bộ và các Bộ, ngành về việc ứng phó khẩn với bão số 2.
Theo báo cáo, tại huyện Vân Đồn đã có 1.266 phương tiện tàu, thuyền của các xã, thị trấn nhận được thông tin để vào nơi tránh trú an toàn, trong đó có 110 chiếc đánh bắt xa bờ, 1.156 tàu có công suất máy dưới 90 CV; 531 nhà bè nuôi trồng thủy sản, dịch vụ được gia cố, chằng buộc, sẵn sàng sơ tán người già, trẻ em lên bờ; 26 công trình hồ đập được rà soát, đảm bảo an toàn vận hành....
Hải Phòng tạm dừng hoạt động tại cảng
Chiều 3/7, theo thông tin từ Công ty TNHH Cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT) cho biết, Tổng giám đốc Công ty vừa ký thông báo khẩn về việc tạm thời dừng hoạt động sản xuất tại Cảng container quốc tế Hải Phòng trong thời gian cơn bão số 2 đổ bộ vào thành phố Hải Phòng.
Cụ thể, từ 17 giờ ngày 3/7 đến khi nhận được thông tin an toàn của Đài Khí tượng thủy văn Trung ương, cảng tạm dừng các hoạt động liên quan đến tiếp nhận tàu và khai thác giao nhận hàng hóa để bảo đảm an toàn cho người và hàng hóa.
Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã chỉ đạo thành lập 7 Đoàn kiểm tra công tác phòng chống bão số 2 tại các địa bàn. Thành phố cũng yêu cầu tất cả các địa phương tiến hành trực 24/24h để phòng chống bão số 2.
Bão đổ bộ Nam Định
Cuối giờ chiều ngày 3/7, thông tin với PV, ông Nguyễn Phùng Hoan - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, công tác ứng phó đối với cơn bão số 2 sắp đổ bộ vào đất liền được các đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện tương đối triệt để.
Hiện các địa phương ven biển như Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng...đã thực hiện lệnh cấm biển từ 12h trưa nay. Tất cả người dân, tàu bè hoạt động ngoài khơi đã vào nơi, tránh trú bão an toàn.
Theo ông Hoan, lãnh đạo các ban ngành, địa phương sẽ chia thành nhiều ca trực, túc trực 24/24, để ứng phó với các diễn biến của cơn bão.
Đến khoảng 17h ngày 7/3, tại một số huyện ven biển của tỉnh Nam Định đã bắt đầu có mưa, gió giật cấp 6 đến cấp 7.
Trao đổi với PV vào lúc 17h ngày 3/7, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 16h, vị trí tâm bão số 2 (bão Mun) đang cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 100km về phía Nam, cách đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa khoảng 210km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.
Trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và còn có khả năng mạnh lên.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 16 giờ ngày 4/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ.
Quảng Ninh đến Thanh Hóa tối nay mưa rất to
Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa tối nay (3/7) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; từ đêm nay đến sáng mai (4/7) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.
Theo dự báo của Trung tâm, trong đêm nay ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng còn có mưa vừa, mưa to (lượng mưa 20-50mm/12 giờ, có nơi trên 60mm/12 giờ). Từ ngày mai mưa giảm nhanh.
Từ nay cho đến chiều 4/7, ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 150-200mm/24 giờ, có nơi trên 250mm/24 giờ). Từ đêm mai mưa giảm ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Từ đêm nay đến sáng 5/7, ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Đông Bắc có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); vùng núi Bắc Bộ có mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/ 24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ).
Khu vực Hà Nội: Từ đêm nay có mưa, gần sáng và và ngày 4/7 có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo đảm bảo an toàn cho tài liệu thi
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã gửi công điện đến Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2019 cấp tỉnh, Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, yêu cầu đặc biệt lưu ý đảm bảo an toàn khu vực chấm thi, thực hiện các phương án an toàn giao thông, nơi ăn, ở của cán bộ làm công tác chấm thi, nhất là ở khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng.
Bên cạnh đó, cần lên phương án bảo đảm an toàn tài sản, cơ sở vật chất, công trình trường học. Đặc biệt bảo quản bài thi, hồ sơ, tài liệu thi.
Chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại tài sản.
Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, bố trí các điểm sơ tán an toàn gần khu vực chấm thi, đồng thời bảo đảm công tác hậu cần và các nhu yếu phẩm cần thiết tại các điểm sơ tán.
Trước đó, tại Quảng Ninh, Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh cho biết, do ảnh hưởng cơn bão số 2, vùng biển Quảng Ninh có gió mạnh, đơn vị sẽ tạm dừng cấp phép đối với tàu du lịch và tàu ra các tuyến đảo từ 11h, riêng tàu ra đảo Cô Tô đã tạm dừng cấp phép từ 6h, ngày 3/7.
Cảng vụ cũng tạm dừng cấp phép, yêu cầu các phương tiện di chuyển đến điểm tránh trú bão an toàn đối với các khu vực Vịnh Hạ Long, Cẩm Phả, Đầm Hà, Móng Cái từ 11h.
Hiện tỉnh Quảng Ninh dự kiến 19 giờ ngày 3/7 hoàn thành di dời dân khu vực lồng bè vào nơi an toàn; triển khai phương án chống ngập úng đô thị.
Video mưa, gió xảy ra tại xã Hồng Thuận, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định vào chiều 3/7, do độc giải ghi nhận. (Nguồn: Đỗ Văn Hiệp)
Thái Bình, Nam Định cấm biển từ 12h trưa
Tại tỉnh Thái Bình lúc 7h sáng nay, 3/7, ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã ban hành Công điện khẩn số 03 về phòng, chống bão số 2.
Theo đó, Thái Bình thực hiện lệnh cấm biển từ 8h sáng nay (3/7), nghiêm cấm tất cả tàu thuyền ra khơi, đồng thời tiến hành kêu gọi tàu thuyền vào bờ tìm nơi tránh trú, neo đậu an toàn.
Thực hiện di dời dân trên các lều canh ngao vạng, tàu thuyền, ở nhà yếu ven biển vào bờ trước 16h ngày 3/7. Triển khai chằng chống kho tàng, trường học, cơ quan, nhà cửa đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ.
Tại Nam Định, lênh cấm biển được bắt đầu từ 12h ngày 3/7. Đến 15h phải hoàn thành đưa tàu thuyền, di dân ven biển vào bờ. Hiện tỉnh Nam Định đang triển khai di dời dân khỏi khu vực lồng bè vào 17h ngày 3/7.
Còn ở Hải Phòng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng vừa có Công điện số 03/CĐ-CT ngày 2/7/2019 gửi Chủ tịch UBND các quận, huyện; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thành phố về việc phòng chống áp thấp nhiệt đới và bão.
Để chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới và bão, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, quận và Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ như kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi trú tránh an toàn.
Quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thuỷ sản, tàu du lịch, tàu vận tải; tổ chức neo đậu tầu thuyền; gia cố lồng bè thủy sản; không để người trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản khi có gió mạnh hoặc bão đổ bộ, đặc biệt là khách du lịch trên biển và các đảo; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra
Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố căn cứ diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển.
Chủ động thực hiện các phương án phòng chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, khu nhà cũ yếu, khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu.