1. Dự báo tình hình bão, nắng nóng tại nước ta
- Bão/Áp thấp nhiệt đới
TTXVN trích lời ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia - cho hay: Dự báo, Biển Đông có khả năng đón liên tiếp 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trong 10 ngày tới.
Nhận định về xu thế thời tiết từ nay đến khoảng ngày 10/8, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết: Dải hội tụ nhiệt đới có xu thế hoạt động nhiều hơn, mạnh hơn và có thể gây thời tiết xấu (mưa dông, lốc xoáy, sóng lớn) trên khu vực Biển Đông.
Dự báo, từ nửa cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2023, có khoảng từ 2 đến 3 cơn áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên Biển Đông. Trong khoảng từ ngày 15 đến ngày 20/7, khả năng xuất hiện các nhiễu động trên dải hội tụ nhiệt đới và phát triển thành áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông.
Các chuyên gia dự báo, mùa bão năm 2023 trên Biển Đông có thể ít nhưng dị thường về cường độ và quỹ đạo. Ảnh: Tiền Phong
Dự báo tình hình nắng nóng và mưa lớn tại nước ta, trong Bản tin Dự báo khí hậu thời hạn tháng trên phạm vi toàn quốc (từ 11/7-10/8/2023), Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết các dự báo sau:
- Nắng nóng
Nắng nóng duy trì từ nay đến ngày 14/7, sau đó nắng nóng thu hẹp phạm vi và tạm thời chấm dứt. Khoảng cuối tháng 7 sang đầu tháng 8 nắng nóng có khả năng xuất hiện trở lại tại Bắc Bộ và Trung Bộ.
- Mưa lớn, mưa dông
Hiện tượng mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá vẫn xuất hiện thường xuyên, đặc biệt là Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to trong khoảng ngày 18-25/7. Trong nửa đầu tháng 7, nhiều nơi thuộc khu vực vùng núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có mưa rất to, độ ẩm đất tăng cao nên cần đề phòng nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét trong những ngày dự báo có mưa thời gian tới ở khu vực nói trên.
2. Mùa bão 2023 đến sớm hay muộn, có dị thường không?
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho hay, trung bình mỗi năm trên Trái Đất xuất hiện khoảng 86 cơn bão, trong đó 46 cơn xếp hàng 'bão nhiệt đới'; khoảng 20 cơn còn lại đạt sức mạnh của một 'siêu bão nhiệt đới' - đạt cường độ ít nhất là Cấp 3 (sức gió từ 178-208 km/h) trên thang bão Saffir-Simpson.
Khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương là 'ổ bão' hoạt động mạnh nhất trên Trái Đất. Ảnh: NOAA
Các nhà khoa học cho biết, đỉnh điểm xuất hiện các cơn bão lớn tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương là cuối tháng 8 đến tháng 9 hàng năm. Khi bão vào Biển Đông sẽ được Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đánh số theo thứ tự xuất hiện (ví dụ: Bão số 1, bão số 2...).
Trong Bản tin Dự báo khí hậu thời hạn năm (Từ tháng 01 đến 12 năm 2023) của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đưa ra nhận định về xu thế khí hậu từ tháng 01-06/2023 có đoạn:
Từ nay đến tháng 4/2023, bão và ATNĐ ít có khả năng xuất hiện trên biển Đông nhưng nhiễu động nhiệt đới còn hoạt động trên khu vực phía Nam Biển Đông. Từ tháng 5-6/2023 bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN) và có khả năng xuất hiện từ khoảng nửa cuối tháng 6/2023.
Như vậy, có thể thấy từ các dự báo, mùa bão 2023 trên Biển Đông đến khá muộn so với dự tính trước đó. Không những thế, theo các chuyên gia, El Nino còn khiến bão có thể không nhiều nhưng lại có tính chất dị thường hơn. Cụ thể:
Người Lao Động trích dẫn lời ông PGS-TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên hoạt động của bão/ATNĐ có thể không nhiều nhưng tập trung nhiều vào giữa mùa, với tính chất dị thường hơn, cả về cường độ và quỹ đạo.
Về tần suất xuất hiện bão/ATNĐ, theo ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia - trong khoảng thời gian từ tháng 7-9/2023, dự báo có khoảng 6-8 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Từ tháng 10-12/2023, dự báo số lượng bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông sẽ có khoảng 3-5 cơn và có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ, Tạp chí Nông Thôn Việt thông tin.