Ngày 24-1, Sở Y tế TP HCM công bố vừa phát hiện biến thể mới COVID-19. Từ mẫu bệnh phẩm của 16 ca dương tính với SARS-CoV-2 nhập viện hồi tháng 12-2023, ngành y tế đã phát hiện 12 bệnh nhân nhiễm biến thể phụ của Omicron JN.1.
5 biến thể cần quan tâm
Những thông tin mới này cũng được báo cáo khẩn Bộ Y tế tại hội nghị trực tuyến triển khai phòng chống dịch bệnh 2024 diễn ra trong cùng ngày. Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết quá trình phát hiện các biến thể mới của COVID-19 được nhóm giám sát bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford (OUCRU) thực hiện vào tháng 12-2023. Từ mẫu bệnh phẩm của 16 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trong tháng 12-2023, ghi nhận có 12 bệnh nhân (75%) nhiễm biến thể phụ của Omicron JN.1. Ngoài ra, có 1 ca nhiễm biến thể JN.1.1; 2 ca nhiễm BA.2.86.1 và 1 ca nhiễm XDD. Đáng lo ngại, số ca nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới do COVID-19 có xu hướng gia tăng dần trong 6 tuần gần đây.
Theo bà Nga, từ ngày 18-12-2023 đến 22-1-2024, các cơ sở y tế trên địa bàn TP HCM tiếp nhận 94 ca mắc COVID-19 điều trị nội trú, trong đó có 17 ca nặng phải thở ôxy. 'Trong năm 2023 có ghi nhận rải rác ca mắc COVID-19 nặng nhưng 17 ca kể trên nhập viện liên tiếp trong 5 tuần vừa qua và điều cần cảnh báo các bệnh nhân đều thuộc nhóm nguy cơ. Đó là người có bệnh nền, người chưa tiêm vắc-xin hoặc mới tiêm 1 đến 2 mũi vắc-xin COVID-19. Các trường hợp này đều đã ổn định, bình phục, không có ca tử vong' - bà Nga thông tin.
Như vậy, biến thể phụ JN.1 đã xuất hiện tại TP HCM sau khi CDC Mỹ báo cáo đây là biến thể đang phát triển nhanh nhất và chiếm ưu thế tại Mỹ trong tháng 12-2023. Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang theo dõi 5 biến thể cần quan tâm (VOI) gồm: XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, BA.2.86 và JN.1. Với kết quả giám sát mới trong tháng 12 thì ngoại trừ biến thể EG.5, các biến thể phụ cần quan tâm khác đều đã phát hiện tại TP HCM.
Người dân cần cảnh giác đề phòng biến thể mới COVID-19 né miễn dịch. Trong ảnh: Một cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội năm ngoái Ảnh: NGỌC DUNG
TS-BS Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết WHO xếp biến thể JN.1 này vào nhóm cần quan tâm. Theo đánh giá mới nhất, hiện chưa có bằng chứng cho thấy độc lực của biến thể JN.1 tăng dù số mắc có dấu hiệu tăng lên. 'Ngày 22-1 vừa qua, WHO đã khuyến cáo xếp JN.1 thứ 4 về mức độ nguy hiểm. Bốn mức độ này gồm các nhóm: 'Quan tâm'; 'quan ngại'; 'cần theo dõi' và 'nguy hiểm'. Ở đây, biến thể JN.1 ở mức độ 'quan tâm'. Hiện các bằng chứng cho thấy JN.1 chưa có biến đổi gien về độc lực hay gia tăng số ca mắc nhưng có dấu hiệu né tránh miễn dịch. Tuy nhiên, cần quan tâm theo dõi diễn tiến dịch để có biện pháp ứng phó kịp thời' - ông Đức nói.
Theo Bộ Y tế, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 99.000 ca mắc COVID-19, giảm 82,4 lần so với năm 2022, không có trường hợp nào tử vong. Trong 2 tuần đầu năm 2024, nước ta ghi nhận 419 ca mắc và nhập viện rải rác tại 39 tỉnh, thành phố. Số mắc tăng 2,4 lần so với 2 tuần trước đó, số ca nhập viện tăng nhưng không có trường hợp nặng, hệ thống điều trị hiện vẫn đáp ứng hiệu quả.
Những ai cần tiêm vắc-xin nhắc lại?
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca nhiễm COVID-19 cùng với sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp khác... Từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, tại nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia trong khu vực đã ghi nhận gia tăng số mắc, nhập viện do COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. 'WHO công bố trong tháng 12-2023 thế giới ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do COVID-19, số ca nhập viện tăng 42% so với tháng 11-2023. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, chưa ổn định. Trong khi đó, miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, biến thể JN.1 đang gia tăng nhanh trên toàn cầu'- bà Lan nói.
Đề cập việc tiêm nhắc lại vắc-xin COVID-19 trong bối cảnh miễn dịch giảm dần, biến thể phụ của SARS-CoV-2 biến đổi liên tục, ông Đức cho hay tới đây Bộ Y tế sẽ có khuyến cáo chính thức về tiêm vắc-xin COVID-19 cho người dân. Theo ông Đức, sau cuộc họp ngày 22-1 vừa qua với WHO, quan điểm chung cũng như hướng dẫn của WHO là có 3 nhóm cần tiêm nhắc lại vắc-xin COVID-19, gồm: người từ 50 tuổi trở lên và có bệnh nền; phụ nữ mang thai và người chưa tiêm vắc-xin COVID-19 lần nào. Thời gian tiêm nhắc khuyến cáo là từ 9-12 tháng sau mũi tiêm cuối cùng. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Ông Đức cho biết hiện Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương đang bảo quản hơn 432.000 liều vắc-xin COVID-19 Pfizer, hạn sử dụng đến cuối tháng 9-2024. Đây là số vắc-xin COVID-19 dự trữ cho những vùng có ổ dịch hoặc có nguy cơ cao. Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương lập danh sách những người có nhu cầu tiêm chủng nhắc lại trong năm 2024. Hiện có hơn 100.000 liều vắc-xin COVID-19 được địa phương đăng ký sử dụng tiêm cho nhóm nguy cơ. 'Đến thời điểm này, Việt Nam là một trong những quốc gia bao phủ vắc-xin COVID-19 cao nhất thế giới với tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%, tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%. Với các biến thể hiện nay, theo WHO, vắc-xin hiện thời vẫn có tác dụng' - ông Đức nhấn mạnh.
Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân trong bối cảnh Tết Nguyên đán 2024 cận kề, giao lưu, đi lại tăng cao dẫn đến nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Vì vậy, không chủ quan, lơ là và tiếp tục thực hiện các biện pháp để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi tập trung đông người hoặc khi có triệu chứng hô hấp. Vận động người dân tiêm nhắc vắc-xin phòng COVID-19 theo khuyến cáo, đặc biệt đối với những người thuộc nhóm nguy cơ như: người cao tuổi, người có bệnh nền... Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng. Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở… Người cao tuổi, có bệnh lý nền, thai phụ… khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
'HCDC theo dõi sát số trường hợp mắc COVID-19 nhập viện, trường hợp nặng phải nhập khoa hồi sức cũng như tiếp tục giám sát các biến thể COVID-19. Đề nghị các bệnh viện luôn trong tình trạng sẵn sàng để tiếp nhận và điều trị các trường hợp COVID-19 cần nhập viện theo các tình huống giả định và kịch bản ứng phó' - Sở Y tế TP HCM chỉ đạo.
Công bố mới nhất của WHO hôm 22-1 cho thấy số ca COVID-19 mắc mới toàn cầu được ghi nhận trong chu kỳ 28 ngày gần nhất là 1,1 triệu ca, tăng 4% so với chu kỳ 28 ngày trước đó. Số ca tử vong liên quan đến căn bệnh là 8.700 ca, giảm 26% so với chu kỳ trước.
Trong 6 khu vực dịch tễ của WHO, khu vực dịch tễ Đông Nam Á ghi nhận tỉ lệ ca mắc mới cao nhất trong chu kỳ là 379%, trong đó một số quốc gia như Ấn Độ, Nepal, Bangladesh... được WHO tô màu đỏ trên bản đồ tỉ lệ ca mắc mới, cho thấy mức tăng nhanh nhất.
Xếp thứ hai là khu vực dịch tễ Tây Thái Bình Dương, khu vực WHO xếp Việt Nam vào, với mức tăng là 77%. Màu đỏ được tô cho một số quốc gia như Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Philippines...
Tại 4 khu vực dịch tễ khác là châu Mỹ, châu Âu, Đông Địa Trung Hải và châu Phi, số ca mắc mới đang có xu hướng giảm.
Trên toàn cầu, biến thể JN.1 là 'biến thể cần quan tâm' lưu hành nhiều nhất và đã được 71 quốc gia báo cáo. Biến thể này cũng chiếm khoảng 66% trình tự gien SARS-CoV-2 được báo cáo toàn cầu ở tuần dịch tễ gần nhất, tăng nhanh so với mức 25% của 4 tuần trước đó.
Bản đánh giá sơ bộ của WHO trước đó xếp hạng rủi ro sức khỏe cộng đồng ở cấp độ toàn cầu do JN.1 gây ra ở mức thấp, dựa trên các bằng chứng sẵn có. JN.1 lây lan nhanh và thoát miễn dịch tốt hơn các dòng trước nên có thể gây tái nhiễm ở những người từng mắc các dòng biến chủng khác, tuy nhiên độc lực (khả năng gây bệnh nặng và tử vong) lại không gia tăng. Thống kê từ Bỉ cho thấy tỉ lệ nhập viện do JN.1 không cao hơn so với các dòng trước dòng mẹ của nó là BA.2.86; trong khi một khảo sát từ Singapore cho thấy tỉ lệ nhập viện do JN.1 thậm chí thấp hơn các dòng tiền nhiệm.
Tổng hợp các bằng chứng, WHO cho biết vắc-xin COVID-19 hiện hành vẫn tiếp tục bảo vệ tốt mọi người khỏi nguy cơ bệnh nặng và tử vong liên quan đến COVID-19 do JN.1 gây ra. WHO khuyến cáo mọi người nên thực hiện các biện pháp phòng bệnh hô hấp căn bản như rửa tay, đeo khẩu trang khi cần thiết, giữ môi trường thông thoáng ở nhà khi bị bệnh vì trong mùa đông này, không chỉ có COVID-19 đang lưu hành mà còn các mầm bệnh khác bao gồm cúm, RSV (virus hợp bào hô hấp), viêm phổi...
Dòng mẹ của JN.1 là BA.2.86 chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ, chiếm 7,8% số trình tự gien được tổng hợp về cơ sở dữ liệu chung GISAID. Vào 4 tuần trước đó, dòng này chiếm 7% số trình tự gien.
Ngoài JN.1 và BA.2.86, WHO cũng đang theo dõi 3 VOI khác là XBB.1.5, XBB.1.16 và EG.5. VOI là các biến thể có cấp độ thấp hơn VOC (biến thể gây lo ngại như chủng gốc, Alpha, Delta hay Omicron ban đầu).