Chuyến bay đổi hướng
Chiếc máy bay Aeroflot Tu-154 đang thực hiện chuyến bay trên tuyến đường Neryungri-Yakutst. Tại thủ đô Yakutst của Cộng hòa Sakha ở thời Xô Viết có một thông lệ khá bất thường - hành khách và tù nhân cùng đi trên các chuyến bay thông thường. Mặc dù về hình thức, họ luôn có những người hộ tống, nhưng thường xảy ra trường hợp số tù nhân nhiều hơn hẳn số người áp giải.
Sân bay Neryungri tại thủ đô Cộng hòa Sakha thuộc Nga.
Sự cố xảy ra vào ngày 19/8/1990. Một nhóm người được chuyển khỏi trại tạm giam của thành phố Neryungri, gồm 15 người là nghi phạm các trọng tội: giết người, cướp của, lừa đảo, gây thương tích nghiêm trọng, cướp xe, có tiền án và cả trộm vặt. Áp giải nhóm này chỉ có ba người. Hơn nữa, vì lý do nào đó đã không có đủ còng tay cho tù nhân (chỉ có ba chiếc) nên nhiều tù nhân nguy hiểm không bị còng tay.
Buổi sáng hôm đó, 7 thành viên phi hành đoàn, 36 hành khách và 15 kẻ tội phạm đã lên chiếc máy bay Tu-154 tại sân bay Neyungri. Máy bay cất cánh an toàn và bắt đầu chỉnh độ cao. Vài phút sau, một tiếp viên hàng không nhận được cảnh báo và cô đi vào buồng lái đưa cho các phi công một tờ giấy có ghi rằng máy bay đã bị cướp. Những kẻ khủng bố đe dọa sẽ cho nổ máy bay nếu người chỉ huy không tuân theo mệnh lệnh của chúng.
Thực tế là vài phút sau khi cất cánh, một trong số các thủ lĩnh của băng cướp là Isakov (cựu vận động viên bị buộc tội gian lận) đã rút súng ngắn chĩa vào người phụ nữ có con, đe dọa sẽ bắn họ nếu những người áp giải không hạ vũ khí. Một tên khác là Yevdokimov (có ba tiền án) lấy ra một chiếc túi có dây điện thò ra ngoài và tuyên bố đó là bom và nếu yêu cầu của chúng không được đáp ứng, máy bay sẽ bị nổ tung.
Sau này mới rõ, bọn tội phạm không hề có bom, chúng đã bỏ một bánh xà phòng lớn vào chiếc túi, nhưng khẩu súng là thật. Một tên đã hối lộ nhân viên trại giam và trước khi giao ca người này đã đưa cho hắn một khẩu súng ngắn. Những tên cướp cho rằng cảnh sát dù được trang bị vũ khí sẽ không dám nổ súng trong cabin, bởi rất dễ gây thương tích cho hành khách và nguy cơ làm hỏng máy bay. Bọn khủng bố đe dọa sẽ cho nổ bom nếu họ nổ súng. Những người hộ tống đã hạ vũ khí và nhập vào nhóm các con tin.
Trong khi đó, tên Isakov đi tới buồng lái và yêu cầu cho máy bay quay lại Neyungri, chúng còn muốn mang theo hai đồng phạm nữa từ trại giam địa phương. Ở mặt đất, một nhóm cướp đã đợi chúng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã không dám ra tay. Việc giải cứu bị đình lại và máy bay được tiếp nhiên liệu. Ngoài ra, các yêu cầu khác của bọn cướp cũng được đáp ứng. Chúng được cấp hai khẩu súng máy, hai súng lục, ba bộ đàm và một số áo giáp. Bọn chúng còn muốn có thêm dù, nhưng sau đó được thuyết phục rằng nếu cố gắng nhảy dù với tốc độ tối đa từ chiếc máy bay như vậy, chúng sẽ ngay lập tức bị tan xương.
Phi hành đoàn của chuyến bay 4076 Neryungri-Yakutsk, năm 1990.
Để đổi lấy hai đồng phạm từ trại giam, vũ khí và bộ đàm, chúng đã thả tất cả phụ nữ và trẻ em trên máy bay. Có bốn tù nhân khác đã từ chối tham gia vào nhóm khủng bố và tự nguyện rời khỏi máy bay. Đó là những tên phạm tội không nghiêm trọng, chỉ có nguy cơ nhận án treo hoặc các án tù ngắn hạn. Do đó họ không chấp nhận rủi ro và không tham gia nhóm không tặc, nếu không sẽ bị tăng mức án tù lên 15 năm.
Một nỗ lực cuối cùng để tác động đến bọn cướp là khi cảnh sát đưa cha mẹ của thủ lĩnh Isakov đến sân bay. Tuy nhiên, việc tiếp cận con trai của họ không thành. Chiếc máy bay chở các con tin còn lại đã hướng đến Novosibirsk. Song trên đường bay, những tên cướp đã thay đổi ý định: chúng sợ mắc bẫy nên ra lệnh cho phi công thay đổi hướng đi. Sau đó, máy bay đến Krasnoyarsk, tại đó sẽ được tiếp nhiên liệu và bay tiếp đến Tashkent. Đây là điểm đến cuối cùng trước khi rời khỏi Liên Xô. Những kẻ khủng bố đã chuẩn bị để bay ra khỏi biên giới, nhưng chính xác là tới đâu thì bản thân chúng cũng không biết. Hẳn là chúng đã có kế hoạch cướp máy bay, nhưng chưa có kế hoạch cho các hành động tiếp theo.
Tại Tashkent, phương án tấn công chiếc máy bay đang bị cướp lại được xem xét, nhưng rồi phải từ bỏ. Các con tin cùng với tổ lái và bọn cướp đã trú qua đêm tại Tashkent. Phi hành đoàn được phép qua đêm bên ngoài máy bay, còn hành khách và bọn cướp ở lại bên trong.
“Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”
Vào khoảng 7h30 sáng ngày 20/8, chiếc máy bay đã cất cánh từ Tashkent. Rõ ràng là chính vào lúc đó, bọn cướp đã nảy ra ý nghĩ kỳ lạ là bay đến Pakistan. Không rõ điều gì đã khiến chúng làm như vậy. Lực lượng an ninh Liên Xô, thông qua các phi công đã cố gắng thuyết phục bọn tội phạm đến Ấn Độ. Nhưng chúng nghi ngờ có điều không ổn và yêu cầu hạ cánh xuống Pakistan. Dù sao thì bọn cướp đã có sự lựa chọn rất tồi tệ, vì việc cướp máy bay ở quốc gia này phải đối mặt với án tử hình.
Ngay khi máy bay đi vào không phận Pakistan, có hai chiếc tiêm kích đánh chặn đã bay về phía nó. Phi hành đoàn đã phải rất khó khăn mới thuyết phục được những người đang đánh chặn rằng đây là một chiếc máy bay dân sự đang bị cướp bởi bọn khủng bố. Những tên cướp đã yêu cầu máy bay hạ cánh xuống thành phố Karachi. Tuy nhiên, khi đã đến gần sân bay, ban điều phối đã cấm cho hạ cánh. Chỉ sau đó, các phi công mới thuyết phục được ban này cho phép hạ cánh.
Tại sân bay, chiếc máy bay bị cướp đã được các nhà chức trách đón đợi. Việc tiếp đón rất thân tình. Mọi người đều tươi cười, bắt tay, ôm nhau. Những kẻ khủng bố đã được tách ra khỏi các con tin và được hộ tống rất lịch sự rời sân bay. Trên đường đi, thậm chí người ta còn chụp một bức ảnh của cả nhóm không tặc. Chắc hẳn, bọn chúng còn nghĩ rằng đã lựa chọn đúng khi bay đến Pakistan và từ đây chúng sẽ được sống một cách thoải mái tại nơi này.
Thế nhưng ngay sau khi người Pakistan chắc chắn rằng tất cả những kẻ không tặc đã nằm trong tay họ và chúng không còn mang theo vũ khí nữa thì họ đã nhốt cả bọn tại đồn cảnh sát địa phương. Cả nhóm tù nhân này còn bị cùm cho tận đến khi được thả. Cả bọn cũng được thông báo rằng chúng bị buộc tội cướp máy bay và tội khủng bố hàng không, theo luật Pakistan sẽ bị án tử hình. Cùng buổi chiều hôm đó, chiếc máy bay chở các hành khách là con tin đã quay trở về Liên Xô. Họ đã phải làm tù nhân của bọn cướp hơn một ngày đêm.
Nhưng với những tên không tặc thì mọi thứ chỉ mới bắt đầu. Ban đầu, chúng bị kết án tử hình, nhưng sau đó, vì là người nước ngoài nên người ta quyết định thể tình mà thay thế bằng án tù chung thân. Rồi sau đó họ đã giảm án xuống còn hơn 20 năm, điều này tạo cơ may sẽ có ngày được thả.
Nhưng cho đến lúc đó thì vẫn phải sống trong tù, những kẻ khủng bố xấu số đã tự trừng phạt mình, không như các hình phạt chúng nhận ở Liên Xô. Tất nhiên, các nhà tù của Liên Xô không phải là lý tưởng, nhưng thực tế còn dễ chịu hơn rất nhiều so với các nhà tù ở Pakistan. Lúc đầu, những kẻ tội phạm thậm chí còn sợ rằng chúng sẽ bị dẫn độ về Liên Xô, nhưng chỉ sau vài tháng, chúng lại rất muốn có được điều đó. Bọn chúng bị đưa đến một số nhà tù khác nhau ở phía nam đất nước có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất. Có những thời điểm, nhiệt độ không khí trong các phòng giam vốn ngột ngạt, đã lên tới 55-60 độ C. Có rất ít nước, thức ăn tồi tệ và không có sự trợ giúp từ bên ngoài như ở Liên Xô, nơi mà các tù nhân được nhận tiếp tế từ người thân. Trong suốt thời gian bị giam cầm chúng vẫn phải đeo cùm.
Hơn nữa, nếu các lính canh không thích điều gì đó, họ chỉ cần dùng gậy đánh tù nhân. Và tất cả tù nhân Liên Xô không biết tiếng địa phương, không thể xin nước uống nên chỉ còn cách la hét và gõ vào cửa, dẫn đến phải ăn thêm vài gậy. Tuy vậy, những biện pháp cải tạo khắc nghiệt này đã buộc tất cả tù nhân trong thời gian ngắn nhất phải học tiếng Urdu bản địa.
Không ngạc nhiên là chỉ sau vài tháng ở tại các nhà tù Pakistan có hai tù nhân đã tự sát, người thứ ba đã chết do bị đột quỵ. Và những tên còn lại thì liên tục dội “bom thư” tới các bộ, ngành Liên Xô, chúng nói rằng tất cả đã hiểu và hối hận, muốn được đưa về ngồi tù tại quê nhà.
Đến đầu năm 1991, các đại diện Liên Xô đã đề nghị phía Pakistan việc dẫn độ tội phạm. Nhưng thời gian đó, mối quan hệ giữa Liên Xô và Pakistan không mấy tốt đẹp do cuộc chiến Afganistan trước đó, vì vậy phía Pakistan đã thẳng thừng từ chối. Đến năm 1992, chính quyền mới của nước Nga có cố gắng với việc dẫn độ nhưng cũng không thành công. Rồi sau đó, các quá trình chính trị và kinh tế trong nước biến đổi nhanh chóng và những tên không tặc thời Liên Xô đã bị quên lãng.
Những tên không tặc bị phía Pakistan bắt giữ.
Thảm hại trở về
Tuy nhiên, những tên không tặc này cũng không phải ngồi tù hết kỳ hạn bởi có sự kiện ngẫu nhiên tác động số phận của chúng, chứ không phải bởi vô số lời thỉnh cầu và kháng cáo. Năm 1998, Pakistan kỷ niệm 50 năm độc lập, nhân dịp này đã công bố rộng rãi lệnh ân xá tù nhân, trong đó gồm cả những tù nhân người nước ngoài ở Pakistan.
Sau 8 năm ngồi tù, những kẻ không tặc Liên Xô đã được thả song số người trở về đã giảm đi. Ngoài ba tên đã chết, còn có một số tên không có nơi nào để đi, thậm chí không có tiền để trở về nhà. Có sáu người may mắn được đưa về nước Nga. Tại đây, bọn họ phải đối mặt với một thời hạn tù mới, nhưng điều này chỉ là chuyện nhỏ so với việc phải ngồi tù ở Pakistan. Hai tên gốc Ukraine vẫn ở lại Pakistan vì không có tiền. Số phận của họ sau đó không ai rõ. Đối với những tên không tặc người Nga, chúng được áp giải về Liên bang Nga và một lần nữa phải hầu tòa. Theo kế hoạch ban đầu, chúng sẽ bị kết tội cướp máy bay. Với tội danh này, theo luật pháp Nga, chúng có thể phải nhận án tù 15 năm.
Tuy nhiên, sau đó có quyết định sẽ không xét xử tội phạm hai lần với cùng một tội danh. Các nhà thực thi pháp luật Nga cho rằng thời gian bọn chúng phải ngồi tù ở Pakistan được coi như nhận đủ hình phạt. Song, với những tội ác trước đây mà chúng muốn trốn tránh bằng cách cướp máy bay vẫn không bị hủy bỏ. Do đó, những kẻ không tặc trở về đã bị kết án theo các vụ án cũ và nhận các bản án tùy thuộc vào mức độ của tội danh.