Việt Nam cần tuyên bố kết thúc đại dịch Covid-19
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đề nghị cần tuyên bố kết thúc đại dịch Covid-19, chuyển sang giai đoạn chống dịch mới.
Theo đại biểu, thực tế Việt Nam đã giảm mức độ phòng chống Covid-19, thậm chí nhiều nơi đã coi như hết dịch. Bằng chứng là tỷ lệ đeo khẩu trang, xét nghiệm Covid-19, các đơn vị điều trị Covid-19 ngày càng giảm xuống.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng Chính phủ cần tuyên bố chuyển giai đoạn chống dịch mới với các quy định cụ thể để hạn chế tốn kém nguồn lực cũng như sẵn sàng nếu dịch bùng phát hoặc dịch khác xuất hiện.
Theo đại biểu, các thuốc, vật tư tiêu hao dự phòng đều có hạn sử dụng, cần ra quyết định để chuyển nguồn sử dụng trong điều trị bệnh lý khác.
Để chống dịch, nhiều tỉnh đã chi khoản tiền lớn mua thuốc, trang thiết bị, vật tư để dự phòng theo quy định. Tuy nhiên, thuốc, vật tư tiêu hao này đều có hạn sử dụng, cần chuyển nguồn sử dụng, điều trị bệnh lý khác trước khi hết hạn. Các trang thiết bị hiện đại được mua để chống dịch như máy thở ECMO, lọc máu, X-quang di động... cũng cần thống kê, phân bổ sử dụng để tránh nơi thừa, nơi thiếu.
'Nhiều nơi đại dịch xảy ra đã mua dồn rất nhiều máy, hiện nay không dùng thì sẽ hỏng nên phải thống kê lại rồi chia cho các địa phương, các tỉnh miền núi, nhất là miền núi phía Bắc. Tôi đi kiểm tra một số tỉnh miền núi phía Bắc thấy nhiều nơi trong lúc đại dịch chưa kịp mua các loại máy móc hiện đại, trong khi các tỉnh miền Nam có nhiều máy được mua hoặc chuyển từ nơi khác vào, cần phân bổ để sử dụng hiệu quả', đại biểu nói.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, khi chuyển sang giai đoạn chống dịch mới, bệnh nhân Covid-19 sẽ được khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế như bệnh lý thông thường. Các bệnh viện sẽ chủ động thanh toán, không dùng tiền ngân sách như hiện nay.
Giải quyết khó khăn trong mua sắm thuốc men không phải quá khó
Về vấn đề khó khăn trong việc mua sắm thuốc men, hóa chất, vật tư tiêu hao, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng giải quyết vấn này không phải quá khó.
'Tôi làm Giám đốc bệnh viện trực tiếp đương đầu với khó khăn này thì tôi thấy việc giải quyết không phải quá khó nhưng cách xử lý còn quá chậm, ảnh hưởng đến sự chăm sóc sức khỏe nhân dân, có nguy cơ tạo nên hệ lụy khôn lường, không mua được dẫn đến các bệnh viện không có thuốc, có thể khiến các hãng dược rời khỏi Việt Nam, không tham gia cung cấp trang thiết bị', đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.
Cho rằng hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đang vướng mắc về trang thiết bị y tế, đại biểu đề nghị cần nhanh chóng sửa chữa những bất cập, chỉ rõ những gì cần sửa đổi trong thông tư, nghị định.
Theo đại biểu, hiện có rất nhiều câu hỏi là trước dịch mua thuốc, vật tư trang thiết bị không vấn đề gì nhưng hết dịch mua lại khó. Tuy nhiên, điều này không đúng, trước dịch đã khó rồi mà sau dịch còn khó hơn vì những thông tư, nghị định vừa mới ra đời đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc mua sắm.
Từ đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị, hình thức đấu thầu thuốc hóa chất, vật tư tiêu hao hiệu quả nhất lúc này phải quay lại cái cũ - tức là giao lại trực tiếp cho đơn vị sử dụng còn đấu thầu tập trung tất cả các nơi đều khó khăn.
Hà Nội tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh tiểu học.
'Bộ khó đằng bộ, Sở khó đằng sở nên cần giao lại cho các đơn vị sử dụng trực tiếp đấu thầu, chịu trách nhiệm cá nhân chứ chúng ta lại sợ trách nhiệm, đẩy lên trên là không được.
Ví dụ một sở y tế có hàng chục nghìn mặt hàng để đấu thầu, nhưng chỉ 1-2 mặt hàng tra nhầm giá, thông tin là dừng lại cả chục ngàn mặt hàng khác. Như vậy, không kịp để phục vụ người dân. Bệnh viện là người sử dụng trực tiếp nên sẽ hiểu rõ nhất nhu cầu, số lượng, chất lượng những mặt hàng cần mua', đại biểu nói.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần quy định rõ ràng, cụ thể để các bệnh viện có tiêu chuẩn, tiêu chí đưa ra trong hồ sơ mời thầu, để lựa chọn được hàng hóa tốt nhất. Hiện nay quy định còn rất chung chung.
'Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể sẽ giúp các bệnh viện có thể đấu thầu tốt hơn. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, gây ra mất uy tín, suy giảm chất lượng của hệ thống y tế. Chúng ta đã có Bộ trưởng Bộ y tế mới nên trong giai đoạn tới cần nhanh chóng từ nay đến cuối năm các thông tư, nghị định phải sửa để ngành yên tâm công tác', đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.