Bệnh viện dã chiến số 2 Bình Dương đã lắp xong 5.000 giường sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)
Trong ngày 1/8, trên địa bàn tỉnh Bình Dương ghi nhận đến 2.179 ca mắc mới COVID-19.
Trong số đó, đáng chú ý có 716 ca phát hiện qua sàng lọc cộng đồng, 1.288 ca tại khu cách ly, 103 ca tại khu phong tỏa và có 72 ca tại cơ sở y tế.
Hiện, con số ca bệnh ghi nhận ở Bình Dương trong một ngày so với số ca của thành phố Hồ Chí Minh là hơn 1 nửa.
Tâm dịch 'vùng đỏ' Thuận An
'Vùng đỏ' Thành phố Thuận An đang là tâm dịch trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Riêng trong ngày hôm nay, địa bàn này ghi nhận đến 1.254 ca mắc mới.
Kế đến là địa bàn thành phố Thủ Dầu Một 441 ca; huyện Bàu Bàng 218 ca, thị xã Bến Cát 95 ca; thị xã Tân Uyên 84 ca; thành phố Dĩ An 64 ca, huyện Dầu Tiếng 6 ca, huyện Phú Giáo 2 ca, huyện Bắc Tân Uyên 1 ca và 14 liên quan đến các tỉnh, thành khác.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, hiện nay ngành y tế đang tập trung hàng trăm đội y tế triển khai lấy mẫu test nhanh kết hợp xét nghiệm khẳng định trên phạm vi rộng tại nhiều huyện, thị để sàng lọc 'quét' F0 khỏi cộng đồng.
Mục tiêu là thu hẹp 'vùng đỏ,' mở rộng và bảo vệ 'vùng xanh.' Theo đó đã kéo theo số ca được ghi nhận tăng lên nhanh.
Đáng quan tâm, lũy kế sau 15 ngày xét nghiệm sàng lọc diện rộng đã lấy mẫu xét nghiệm cho 1.286.191 người, kết quả phát hiện 12.569 người nghi ngờ mắc COVID-19 (tỷ lệ 0,98%).
Ngành y tế tỉnh dự báo trong một hai tuần tới, số ca bệnh ở Bình Dương có thể vượt ngưỡng hơn 20.000 ca.
Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 16.858 ca mắc COVID-19; trong đó có 1.525 bệnh nhân khỏi bệnh; 84 bệnh nhân tử vong.
Đáng quan ngại, hiện hàng ngàn người đang điều trị; trong đó có 293 người có bệnh lý nền, 361 người có diễn biến nặng (5,3%).
Toàn tỉnh có 1.602 khu vực đang phong tỏa với 152.867 người; 126 điểm cách ly tập trung với 18.969 người đang cách ly và 2.533 trường hợp F1 cách ly tại nhà.
Tiếp tục giãn cách xã hội 14 ngày, yêu cầu người dân không rời khỏi nơi cư trú
Chiều 1/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành văn bản hỏa tốc chỉ đạo thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh thêm 14 ngày, kể từ 0 giờ ngày 2/8/2021.
Theo văn bản Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh vừa ký đã yêu cầu các sở, ban, ngành; Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất, hiệu quả các biện pháp cụ thể phòng, chống dịch theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm 'ai ở đâu ở đấy.'
Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú (địa bàn tỉnh Bình Dương) từ sau ngày 1/8/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).
Đồng thời, tổ chức hỗ trợ cung cấp kịp thời, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập; không để bất kỳ người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc; hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân, nhất là người dân tại các khu phong tỏa; tăng cường chăm lo động viên tinh thần, đảm bảo phương tiện phòng hộ, hỗ trợ vật chất đối với lực lượng y tế và các lực lượng trực tiếp chống dịch COVID-19.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương chỉ đạo tổ chức tốt hệ thống, mạng lưới chăm sóc, điều trị người dân bị nhiễm COVID-19 theo các tầng phân cấp điều trị; tập trung và ưu tiên năng lực, nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
Song song đó, tổ chức tiêm vaccine nhanh, đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xin cho, lựa chọn vaccine, lợi dụng chức trách để tiêm cho người không đúng đối tượng và các tiêu cực khác trong việc tiêm vaccine.
Tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu huy động đội ngũ cán bộ y tế (nhất là lực lượng hồi sức cấp cứu) không phân biệt công, tư tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Có biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, số lượng bác sỹ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên. Đồng thời, xây dựng phương án sử dụng hợp lý lực lượng y tế, những nơi không nhất thiết cần nhân viên y tế có thể hướng dẫn các lực lượng khác và nhân dân thực hiện.
Chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm vật tư, thiết bị y tế; triển khai các phương án đảm bảo sản xuất đời sống, an sinh xã hội, giữ gìn an ninh trật trật tự, an toàn xã hội; sẵn sàng cho tình huống dịch diễn biến xấu.../.