Bầu trời Hà Nội mịt mù trong những ngày ô nhiễm không khí (Ảnh chụp tại quận Hoàng Mai lúc 8h30 ngày 8/12). Ảnh: Khánh Huy
Top đầu ô nhiễm không khí
Những ngày vừa qua, cụ thể là từ cuối tháng 11/2023, theo ghi nhận từ ứng dụng IQAir, Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc ở trong tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm bụi mịn ở chỉ số cao. Ghi nhận trong một số ngày đầu tháng, chỉ số chất lượng không khí AQI có lúc vượt quá 200 (ngưỡng cảnh báo tím) và thường xuyên phổ biến ở mức trên 100 (cảnh báo cam tới đỏ). Có những ngày, Hà Nội đứng ở vị trí thứ 1 trên bảng xếp hạng các TP ô nhiễm không khí nhất thế giới.
Theo bản đồ chất lượng không khí, khu vực Hà Nội sáng ngày 10/12 nhiều điểm có mức ô nhiễm cảnh báo màu tím (chất lượng không khí rất xấu). Chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index - AQI) nhiều nơi vượt ngưỡng 223. Nồng độ PM2.5 tại Hà Nội hiện cao gấp 34.5 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO. Cùng thời điểm này, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới AirVisual xếp thủ đô Hà Nội ô nhiễm không khí đứng đầu thế giới với chỉ số AQI trung bình 200 đơn vị. Như vậy người dân Thủ đô bị ảnh hưởng bởi mức bụi gấp 5 lần tiêu chuẩn của WHO. Ở mức ô nhiễm này, người dân phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2.5 ở mức trên 45 ìg/m3, hơn gấp đôi mức quy chuẩn quốc gia.
Ghi nhận lúc 6h sáng ngày 12/12, Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí cao nhất đạt mức 161 cảnh báo màu đỏ. Trong ngày, chỉ số chất lượng không khí phổ biến ở mức hơn 100. Chỉ số này có xu hướng giảm hơn khi có nắng lên và đạt mức dưới 100 từ sau 18h.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Những ngày qua, tôi đi làm buổi sáng thấy bầu trời mịt mù, tôi cứ nghĩ đây là sương sớm do cũng đến mùa đông rồi. Nhưng khi xem thông tin thì mới biết đó là lớp bụi mịn. Lớp bụi này nhìn rõ nhất là khi vừa có nắng lên”.
Nguồn gốc phát sinh bụi ở các đô thị
Giải thích cho vấn đề trên, TS. Hoàng Dương Tùng (Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường) cho biết, theo quy luật thời gian, từ tháng 10 đến tháng 12, ô nhiễm không khí ở Hà Nội thường xuyên xảy ra, có năm cao, có năm thấp hơn. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí của Hà Nội là do các nguồn giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh.
Trong điều kiện khí tượng không thuận lợi như lặng gió, khí thải lưu cữu ở tầng thấp không phát tán được sẽ ra gây ô nhiễm nghiêm trọng như những ngày đầu tháng 12 vừa qua. Tuy nhiên, khi như gió lớn chất lượng tốt hơn nhiều.
“Nói như vậy để thấy điều kiện thời tiết không phải là nguyên nhân gây ô nhiễm mà là yếu tố khách quan làm tăng hay giảm nồng bộ bụi được phát tán từ các hoạt động của con người” – TS. Dương Tùng nói.
Nguồn gốc phát sinh bụi ở các đô thị là từ phương tiện giao thông như ô tô, xe máy; từ các hoạt động sản xuất công nghiệp tại các nhà máy, các làng nghề; từ các hoạt động xây dựng đô thị và từ đốt rác đốt rơm rạ sau thu hoạch. Bên cạnh đó, Hà Nội những năm qua đang trong quá trình phát triển nhanh chóng, cả TP đang như một đại công trường xây dựng, chính vì thế đây cũng là nguồn gốc phát sinh bụi rất lớn. Theo đó, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội vì thế không bất thường.
“Trước tình trạng trên, theo tôi, người dân phải tự bảo vệ mình trước những tác động xấu của ô nhiễm không khí. Trước hết, cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của bản thân trước nguy cơ gây hại cho sức khỏe của ô nhiễm không khí. Thường xuyên theo dõi các chỉ số AQI, PM 2.5) thông qua các trang web, các app. Tránh tiếp xúc trực tiếp với các nguồn gây ô nhiễm, nếu làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ cần có các biện pháp bảo hộ phù hợp. Cân nhắc tham gia các hoạt động ngoài trời trong những ngày chỉ số ô nhiễm cao. Người già và trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu cần chú ý…” - TS. Hoàng Dương Tùng nói thêm. Trên thực tế, vấn đề ô nhiễm không khí được đặc biệt chú ý hơn trong những năm gần đây.
Tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã có một số biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí như trồng cây xanh; tăng quy chuẩn lượng ô tô; tăng cường các xe buýt công cộng, kiểm soát các nguồn xả thải sản xuất…
Trong khi chờ đợi những biện pháp giảm nguồn thải, mỗi người dân nên tự bảo vệ mình bằng theo dõi chất lượng không khí hàng ngày để có những hành động phù hợp, tránh phơi nhiễm tối đa giống như thói quen theo dõi thời tiết. Những ngày ô nhiễm cao, cần có những biện pháp để hạn chế hít thở bụi không khí ô nhiễm. Điều quan trọng hơn, người dân phải tham gia tích cực việc bảo vệ bầu không khí. Mỗi người dân trong nội đô Hà Nội cần tăng cường đi bộ, sử dụng phương tiện công cộng, ở ngã tư, ngã năm dừng đèn đỏ nên tắt máy… Đó là những hành động thiết thực để góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Sáng 20/9/2023, tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc, Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng khí hậu đã khai mạc trọng thể, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng khí hậu. Tại đây, Thủ tướng khẳng định Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050 và với sự đồng hành, hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế, phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050.