Tại Hà Nội, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã tập trung cụ thể hóa yêu cầu này, triển khai các giải pháp thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả.
Bước đột phá trong thực hiện phân cấp, ủy quyền của thủ tục hành chính đã giúp tiết kiệm cho các tổ chức, cá nhân. Trong ảnh: Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận “một cửa” UBND xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây).
Thực hiện hiệu quả nhiều việc
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nội dung chủ yếu trong Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thành ủy, các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo thực hiện khẩn trương, nghiêm túc các nghị quyết của Đảng về đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong Đảng, qua đó nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm kinh phí.
Tiêu biểu là thành phố triển khai ngày càng thường xuyên, sâu rộng hệ thống họp trực tuyến vừa giúp đưa nhanh chỉ thị, nghị quyết vào cuộc sống, vừa giảm các cuộc họp, thời gian, công sức di chuyển. Thành ủy còn đi đầu trong ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử”, phần mềm quản lý đảng viên, phần mềm đánh giá cán bộ... Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội còn chỉ đạo tạo bước đi có tính chất đột phá trong phân cấp, ủy quyền; đến nay hơn 700 thủ tục hành chính cấp thành phố đã được ủy quyền, giúp rút ngắn thời gian của người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư...
Đặc biệt, Thành ủy còn chỉ đạo HĐND, UBND thành phố đẩy mạnh xây dựng đơn giá nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa, tiết kiệm chi ngân sách, cụ thể đã triển khai thành công việc ban hành đơn giá tạm lĩnh vực giáo dục mầm non. Hiện nay, Ban Chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố Hà Nội đang tập trung chỉ đạo sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy 11 sở, ngành, đơn vị trực thuộc thành phố nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, vừa bảo đảm đúng người đúng việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, vừa tiết kiệm chi tiêu ngân sách, đặc biệt là nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Hà Nội cũng là địa phương hằng năm không sử dụng hết tổng số biên chế Trung ương giao.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội còn chỉ đạo 2 chủ trương có ý nghĩa trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một là, chỉ đạo HĐND, UBND thành phố xây dựng và ban hành Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030. Ngay sau khi đề án được triển khai thực hiện, thành phố đã thu hồi phần diện tích nhà, đất phải bàn giao về thành phố quản lý (quỹ diện tích tầng 1 nhà chung cư thương mại, quỹ nhà tạm cư...); thu hồi diện tích nhà, đất vi phạm, sử dụng chưa đúng mục đích để lập phương án giao quản lý, khai thác và xử lý theo quy định... Hai là, chỉ đạo HĐND, UBND thành phố tập trung xử lý 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất nhưng chậm triển khai. Đến nay, cơ bản số dự án này đã được phân loại và xử lý...
Tăng cường tự kiểm tra, giám sát nội bộ
Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã giao Thanh tra thành phố chủ trì, tham mưu giúp UBND thành phố thực hiện công tác thanh tra nhà nước đối với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bản thân mỗi đơn vị, địa phương cũng phải tự kiểm tra, giám sát nội bộ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thành phố đã thực hiện nghiêm tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán ngân sách nhà nước, trong sử dụng ngân sách nhà nước tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiết kiệm 10% chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện tiết kiệm thêm bình quân 10% chi thường xuyên ngân sách nhà nước so với dự toán năm 2022 của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước ngay từ khâu xây dựng dự toán để dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ cấp bách khác...
Tuy nhiên, việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chương trình tổng thể của Chính phủ và của UBND thành phố tại một số nơi còn hình thức, chưa được đẩy mạnh một cách toàn diện và đi vào thực chất. Việc tự rà soát, kiểm tra phát hiện kịp thời các vụ việc gây lãng phí hoặc chưa thực hiện đúng các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các cơ quan, đơn vị còn hạn chế, chủ yếu là qua thực hiện của các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước. Một số đơn vị chưa thực sự tự giác trong việc xây dựng các giải pháp để triển khai việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực, phạm vi được giao quản lý.
Đáng lưu ý, trong đầu tư công, một số dự án còn vướng mắc và chậm trễ tiến độ, kém hiệu quả trong sử dụng vốn. Việc rà soát, xây dựng và ban hành đơn giá định mức kinh tế - kỹ thuật chưa bảo đảm tiến độ. Đến nay, thành phố mới ban hành được 25/293 định mức kinh tế kỹ thuật và 24/293 đơn giá...
Mặc dù đã gương mẫu, đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, song với những hạn chế tồn tại nêu trên, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hơn nữa. Bên cạnh xác định rõ quyết tâm, thành phố cũng nêu các kiến nghị với các cơ quan trung ương có thẩm quyền chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm cân bằng với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì thực tế, thời gian qua, các cấp mới chú trọng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong khi nguy cơ, thiệt hại do lãng phí gây ra thậm chí còn lớn hơn.