Nhiều trẻ bong tróc da, nhập viện sau khi tắm lá
Mới đây, một bé 8 tháng tuổi được đưa đến Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng toàn bộ da vùng đầu bong mảng, nứt toác.
Thông tin trên báo Người Lao Động cho biết, bệnh nhi này được chẩn đoán viêm da cơ địa, viêm da dầu nặng do tắm lá và chữa sai cách.
Tình trạng tổn thương khi bệnh nhi đến Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp/Người Lao Động.
Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, từ khi trẻ 1 tháng tuổi đã xuất hiện các nốt dát đỏ, sẩn, mụn nước ở 2 má, thân mình, từng đi khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương chẩn đoán viêm da cơ địa dùng thuốc bôi, dưỡng ẩm, tổn thương đỡ.
Khi ra viện, trẻ không được duy trì dưỡng ẩm thường xuyên, tổn thương nặng dần lên. Gia đình cho trẻ đi khám nhiều nơi, tại một bệnh viện tư nhân ở Campuchia, một số bệnh viện ở TP HCM, tổn thương có giảm. Khi trẻ về nhà được gia đình tắm nhiều loại lá khác nhau.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo Nhi, Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, cho hay bệnh nhi được đưa vào viện trong tình trạng tổn thương nặng, dát đỏ, khô da nhiều, lan rộng tay chân thân mình kèm mảng vảy dày, vảy tiết, nứt da vùng đầu.
Sau 4 ngày điều trị, các tổn thương của bệnh nhi khô, không chảy dịch, các mảng vảy dày vùng da đầu đã bong.
Trước đó, nhiều trẻ sơ sinh cũng đã phải
nhập viện sau khi tắm bằng lá cây. Vào ngày 20/3/2021, Khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhi N.N.H 20 ngày tuổi trú tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, nhập viện trong tình trạng da toàn thân mẩn đỏ, niêm mạc vùng mũi viêm loét, có nốt xuất huyết rải rác dưới da, không bú được do viêm loét niêm mạc miệng.
Theo thông tin trên trang web của Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng, người nhà bệnh nhi cho biết, cách vào viện 2 ngày, người nhà có dùng lá cây tắm cho trẻ. Sau tắm, trẻ xuất hiện mẩn đỏ toàn thân, loét mũi, miệng bú kém nên gia đình đã đưa trẻ đến viện khám và điều trị.
Qua quá trình thăm khám, làm các xét nghiệm, trẻ được chẩn đoán: Phản ứng nhiễm độc lá cây ở trẻ sơ sinh. Sau 2 ngày được điều trị tích cực, trẻ tiến triển tốt, da đỡ mẩn đỏ, niêm mạc mũi, miệng loét giảm, trẻ tự bú được
Vào tháng 10/2018, Khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, tiếp nhận bé Nình Xuân T. (32 ngày tuổi), dân tộc Sán Chỉ, trú tại huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Kết quả khám lâm sàng cho thấy bệnh nhi bị tổn thương da chảy mủ, mắt chảy dử vàng nhiều, đóng vảy rải rác toàn thân. Với chẩn đoán viêm da mụn mủ/viêm kết mạc mắt, bệnh nhi được chỉ định nhập viện điều trị.
VTV dẫn lời các bác sĩ cho hay, đa số các trường hợp trẻ nhập viện ban đầu chỉ bị mẩn ngứa nổi ít nốt đỏ li ti trên người, nhưng gia đình không đưa trẻ đi khám ngay, mà lấy nước lá tắm cho con, dẫn đến tình trạng ngày càng nặng, đến lúc này mới đưa trẻ đi khám.
Trẻ được theo dõi tại bệnh viện. Ảnh: VTV.
Đun nước lá cây tắm cho trẻ: Nguy cơ khó lường
Trong dân gian, việc dùng các loại lá cây đun nước để tắm cho trẻ sơ sinh là một việc hết sức quen thuộc, theo kinh nghiệm hoặc mách bảo nhau. Tuy nhiên, việc tắm bằng lá cây cho trẻ cần cân nhắc, thận trọng vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Da trẻ nhỏ rất mỏng, đặc biệt là trẻ sơ sinh, cấu trúc da chưa ổn định nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng. Đa phần các bệnh về viêm da ở trẻ sơ sinh là do vi khuẩn tấn công từ bên ngoài. Trong khi đó, các loại lá do mọc ở bờ bụi, ven đường, bờ ruộng bị nhiễm khuẩn, thậm chí có nhiễm thuốc trừ sâu rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi thì mầm bệnh chưa hẳn được loại bỏ hết.
Vào mùa nắng nóng, việc tắm lá không đúng cách càng khiến trẻ bị bội nhiễm, có thể nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ được chẩn đoán viêm da cơ địa, viêm da dầu, việc điều trị thuốc tại chỗ, chăm sóc da rất quan trọng. Tuyệt đối không nên dùng các phương pháp dân gian như tắm lá, bôi thuốc lá cho trẻ.
Trường hợp bệnh nặng để lâu có thể gây nhiễm trùng toàn thân, khi đó trẻ có biểu hiện sốt. Nếu không kịp thời điều trị bệnh, trẻ sẽ có nguy cơ tử vong.
Khi thấy trẻ có các biểu hiện viêm da, phụ huynh nên đưa con tới khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để điều trị kịp thời và dứt điểm.
Mời độc giả xem thêm video: Phẫu thuật lấy búi tóc nặng gần 1kg trong dạ dày bệnh nhi 11 tuổi
Nguồn video: THĐT