Cứu sống học sinh bị ngã từ tầng 4
Sáng ngày 22/2, tại Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc (phường Hà Lầm, Tp.Hạ Long, Quảng Ninh), vào tiết 4 môn Giáo dục thể chất, các cô giáo cho học sinh xuống sân tập thể dục.
Trong khi các học sinh bắt đầu xếp hàng, điểm danh thì bất ngờ thấy học sinh D.T.Đ (lớp 8A1) ngã từ trên tầng 4 khu Hiệu bộ của nhà trường xuống. Ngay sau đó, học sinh D.T.Đ đã được nhà trường đưa đi cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Đáng chú ý, quá trình cấp cứu cho Đ., Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã cạn kiệt máu nhóm A và đã báo động đỏ toàn viện. Trước tình thế nguy cấp, thầy cô Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc, bạn bè, người thân của D.T.Đ đã thông qua các kênh thông tin kêu gọi mọi người tới bệnh viện hiến máu cứu nữ sinh. Nhờ được hiến máu kịp thời và sự nỗ lực của các bác sĩ nên nữ sinh D.T.Đ đã có nhiều dấu hiệu tích cực và đang được chăm sóc để sớm bình phục trở lại.
Bác sĩ trao đổi về tình trạng sức khỏe của học sinh Đ. sau ca mổ. Ảnh: BVCC
Đưa robot vào phẫu thuật nội soi cắt khối ung thư gan
Bà N.T.M, 67 tuổi vào Bệnh viện K thăm khám phát hiện có u gan kích thước 4x5cm. Bệnh nhân đã được chuyên gia của Bệnh viện K và Nhật Bản phẫu thuật nội soi bằng robot, lấy triệt để khối u. Thành công này ghi dấu bước tiến làm chủ kỹ thuật cao trong điều trị ung thư của các thầy thuốc Bệnh viện K.
Đây là 1 trong 4 bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa được bác sĩ bệnh viện cùng chuyên gia Bệnh viện Đại học Nagoya Nhật Bản, mổ thành công bằng cánh tay robot trong các ngày từ 19-23/2. Hai bệnh viện cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, cập nhật những tiến bộ mới nhất vào điều trị ung thư trong hôm 23/2.
Theo PGS.TS Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện K, phẫu thuật nội soi bằng robot là phương pháp mổ tiên tiến, xâm nhập tối thiểu ở trình độ cao nhất, giúp bệnh nhân hạn chế tối đa tổn thương, hồi phục nhanh sau mổ.
'Phẫu thuật bằng robot có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật mổ mở hay nội soi thông thường. Các cánh tay robot có độ linh hoạt cao giúp thực hiện phẫu tích tỉ mỉ, phẫu thuật viên thao tác chính xác, sang chấn tối thiểu, không chảy máu, giảm đau tối đa, giảm thời gian nằm viện trong khi kết quả điều trị ung thư vẫn được đảm bảo. Sau phẫu thuật, kết hợp với các phương pháp điều trị khác như xạ trị, bệnh nhân kéo dài thời gian sống- PGS.TS Phạm Văn Bình nói.
Chuyên gia của Bệnh viện K và chuyên gia Nhật Bản điều khiển robot phẫu thuật cắt u gan cho bệnh nhân ung thư.
Việt Nam đã có vaccine phòng bệnh viêm não mô cầu thế hệ mới
Ngày 23/2, bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng của Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, tại 165 trung tâm VNVC trên toàn quốc đã tổ chức tiêm vaccine phòng viêm não mô cầu nhóm B thế hệ mới cho hàng nghìn trẻ em và người lớn. Vaccine phòng viêm não mô cầu nhóm B thế hệ mới do Tập đoàn dược phẩm GSK (Anh) sản xuất tại Ý.
Theo bà Vũ Thị Thu Hà, trước đó, các cơ sở tiêm chủng tại Việt Nam sử dụng vaccine viêm màng não mô cầu nhóm B, C của CuBa. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, nguồn cung ứng vaccine này thường xuyên bị khan hiếm trong khi nhu cầu sử dụng cao, khiến cho nhiều trẻ chưa được tiêm vaccine này theo phác đồ. Sau gần 40 năm, đến nay Việt Nam mới có thêm một loại vaccine phòng bệnh viêm màng não mô cầu nhóm B cho trẻ em từ 2 tháng tuổi và mở rộng lên đối tượng người lớn đến 50 tuổi.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, vaccine phòng bệnh viêm não mô cầu trước đây tại Việt Nam được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tháng hoặc 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, với vaccine phòng viêm màng não mô cầu B thế hệ mới này, ngoài công nghệ sản xuất tiên tiến còn có hiệu quả bảo vệ cao hơn lên đến 94%, đồng thời còn bảo vệ sớm khi tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi và người lớn đến 50 tuổi.
Nam thanh niên đột quỵ, tử vong ngay trên sân bóng đá
Phòng khám đa khoa Hùng Vương - Sơn Dương (thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, mới đây, đơn vị cấp cứu của phòng khám này nhận được cuộc gọi từ người dân khu vực xã Tân Trào (huyện Sơn Dương) đề nghị hỗ trợ y tế cho nam thanh niên bị mất ý thức.
Theo lời người dân kể lại, nam thanh niên chơi đá bóng đến khoảng 17h anh kêu mệt ra sân nằm nghỉ. Trận bóng tiếp tục diễn ra, đến khoảng 17h30 có người phát hiện nam thanh niên không cử động, mất ý thức nên gọi cấp cứu tới hỗ trợ.
Ngay lập tức Trung tâm cấp cứu 115 của phòng khám có mặt tại hiện trường tiếp cận nạn nhân trong tình trạng: mất ý thức, ngừng tim. Nhận định đây là 1 trường hợp đột quỵ, tiến hành cấp cứu hồi sức tim phổi tích cực nhưng nạn nhân không qua khỏi do thời gian phát hiện nạn nhân muộn.
Bác sĩ Lý Lan Hương, Giám đốc chuyên môn Phòng khám đa khoa Hùng Vương - Sơn Dương, khuyến cáo, khi tham gia chơi thể thao hãy chú ý tới sức khỏe của bản thân. Tập thể dục thể thao đều đặn hằng ngày tốt hơn tập gắng sức không thường xuyên, đồng thời cần yêu cầu hỗ trợ khi cơ thể có biểu hiện khác thường.
Các y bác sĩ đang cấp cứu cho người bị đột quỵ. Ảnh Phòng khám Hùng Vương
Bé gái sinh non nặng 550 gram sống sót kỳ diệu
Chiều 23/2, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, Bệnh viện vừa điều trị, nuôi dưỡng thành công bé gái sinh non ở tuần thai thứ 24, nặng 550 gram. Đây là trường hợp trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân nhất được nuôi sống tại Phú Thọ, đồng thời cũng là một trong số rất ít trường hợp trẻ sơ sinh cực non ở tuần thai thứ 24 được nuôi sống trên toàn quốc.
Trước đó, ngày 20/11/2023, sản phụ N.T.H (trú tại Đoan Hùng) bất ngờ có dấu hiệu chuyển dạ và sinh thường một bé gái chỉ nặng 550 gram ở tuần thai thứ 24. Sau sinh, trẻ không khóc, tím toàn thân, phản xạ rất kém, được các bác sĩ Khoa Sơ sinh đặt ống nội khí quản cấp cứu tại phòng sinh, hỗ trợ thông khí, ủ ấm và chuyển Khoa Sơ sinh tiếp tục điều trị.
Nhận định đây là một trường hợp sơ sinh cực non tháng, nhẹ cân, tình trạng suy hô hấp rất nặng, mỗi phút trôi qua đều làm trẻ tăng nguy cơ tử vong, các bác sĩ khẩn trương thực hiện phương pháp hồi sức tích cực nhất cho trẻ. Bé được nằm lồng ấp, thở máy chỉ số cao, thăm dò cận lâm sàng ngay tại chỗ, bơm Surfactant thay thế và đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm để duy trì vận mạch và dịch nuôi dưỡng, điều chỉnh rối loạn toan kiềm…
Đến ngày điều trị thứ 80, trẻ đã hoàn toàn có khả năng tự thở, ăn sữa tốt (khoảng 50ml/bữa), các phản xạ đều tốt và cân nặng đạt 2.200 gram. Ngày 23/2/2024, sau 93 ngày nỗ lực điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, cân nặng trẻ đạt 2.500 gram. Trẻ tự bú tốt, sức khỏe ổn định và được xuất viện.
Trẻ tiến triển tốt sau 60 ngày điều trị, được cai máy thở, chuyển sang thở oxy. Ảnh: BVCC.