Theo dự đoán của trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, bão số 16 có khả năng không vào đất liền và suy yếu, người dân tại các tỉnh ĐBSCL thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, chính quyền các tỉnh kêu gọi người dân vẫn thực hiện các giải pháp ứng phó cơn bão, không nên lơ là, chủ quan.
Nhìn lại lịch sử năm 1997 khi cơn bão Linda đổ bộ vào Bạc Liêu - Cà Mau, ảnh hưởng hầu hết miền Tây Nam Bộ đã khiến 770 người chết, 2.120 người mất tích, 1.230 người bị thương, chủ yếu là ngư dân.
Hơn 3.000 tàu bị đánh chìm. 107.890 nhà bị đánh sập, 120.000 ha nuôi trồng thủy sản và 320.000 ha lúa bị ngập. Ước tính thiệt hại vật chất là 7.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 600 người bị thương.
Cho dù 20 năm đã qua đi, nhưng nỗi đau mang tên 'linda' vẫn chưa hề nguôi ngoai trong tâm trí nhiều người dân miền Tây Nam Bộ. Ảnh: Internet
Sở dĩ bão Linda để lại con số ám ảnh cho đến ngày hôm nay bởi không chỉ người dân, quan chức đều thờ ơ cho rằng 'bão không thể xâm phạm miền Tây'. Với bài học đắt giá từ bão Linda và thực trạng thiên tai ngày càng phức tạp, để ứng phó với cơn bão Tembin, trong sáng nay, tại những vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão số 16 đã được di dời đến nơi trú bão an toàn, nhiều tàu thuyền về nơi trú ấn, cấm ra khơi.
Tuy nhiên, một số người dân ở Cà Mau - nơi được xác định là tâm bão Tembin sẽ đi qua với sức gió có thể giật đến cấp 12 lại có cách tránh bão khá 'dị'.
Họ dùng những đoạn dây thép mỏng để gia cố mái tôn tránh cho gió giật tốc mái, dùng gạch để chặn lên mái nhà lợp bằng lá, dùng lưới đánh cá để chằng chống nhà tránh bão … đó là cách mà một số hộ dân tại miền Tây đang áp dụng để giữ gìn nhà cửa trước khi cơn bão Tembin.
Nhìn vào những cách mà họ đang chống bão, ai cũng phải lắc đầu bởi sự thiếu hiểu biết và chủ quan vẫn còn đang tồn tại.
Nhưng sợi dây thép bé nhỏ kia liệu có đủ sức để chống chọi với cơn bão có sức gió giật cấp 12?. Ảnh: Tuổi Trẻ
Những viên gạch được đặt trên mái nhà của một hộ dân sinh sống tại Cà Mau để tránh cho gió giật cấp 12 phá hủy. Ảnh: Tuổi Trẻ
Đối với việc chằng chống nhà cửa chống bão, người miền Trung rất có kinh nghiệm. Ví dụ như, để giảm thiểu tốc mái khi gió giật mạnh, họ sẽ dùng những bao cát đóng lỏng có trọng lượng khoảng 15-20kg, nối với nhau bằng dây và vắt qua mái nhà sao cho các bao cát nằm sát trên đầu tấm lợp. Khoảng cách giữa các bao cát khoảng 1,5m.
Đây là cách người dân miền Trung chằng chống nhà cửa mỗi khi bão về. Ảnh: Internet
Những sợi dây thừng to được người dân miền Trung sử dụng mỗi khi nghe tin bão về để giữ gìn, bảo vệ nhà cửa. Ảnh: Internet
Thế nhưng, nhìn cảnh người dân Cà Mau chằng chống bão mà nhiều người đau lòng, sẽ chẳng ai nói trước được điều gì khi bão về. Những sợi dây thép mỏng manh, viên gạch chặn lên mái nhà lợp tranh, những cọc gỗ xiêu vẹo … thì gió giật cấp 7, cấp 8 cũng không chống đỡ được, huống chi đây là gió cấp 12.
Cơn bão Tembin đã khiến cho người dân ở Mindanao, Philippines tan thương đi qua, khiến hàng trăm người chết và mất tích. Vậy mà, người dân Cà Mau lại chống đỡ bão theo kiểu 'dị' đến giật mình.
Đa số những ngôi nhà có kết cấu khá sơ sài, do thiếu sự hiểu biết về cách phòng chống bão khiến cho việc chằng chống nhà cửa khá lỏng lẻo và thiếu tính an toàn. Ảnh: Tuổi Trẻ
Trong 20 năm qua kể từ cơn bão Linda, các tỉnh Tây Nam Bộ không có bão. Cách đây vài tháng có thông tin bão về Cà Mau nhưng vẫn không có, dẫn đến tâm lý người dân rất thờ ơ. Thậm chí, trước khi có thông tin bão Tembin chuyển hướng không đổ bộ vào Nam Bộ, nhiều người dân có thái độ chống đối không chịu di dời đến nơi trú bão an toàn, lực lượng chức năng đã phải dùng biện pháp cưỡng chế.
Người đàn ông bị cưỡng chế di dời đến nơi trú bão, người này cho biết lý do không đi vì sợ mất đồ đạc trong nhà. Ảnh: VNE
Bão chuyển hướng và suy yếu Theo dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, bão Tembin di chuyển theo hướng Tây và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Trong đêm nay (25/12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11. Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h và tiếp tục suy yếu thêm. Đến 07 giờ ngày 27/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,6 độ Vĩ Bắc; 99,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây vịnh Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8, sóng biển cao 2-4 mét. |