Rau củ được Công ty Trình Nhi mua ở chợ, sơ chế, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị Winmart - Ảnh: BÔNG MAI
Rau chợ 'rửa' thương hiệu
Nhiều người dân sẵn sàng trả giá cao để mua rau 'an toàn' và 'đạt chuẩn VietGAP' bán tại các siêu thị. Nhưng họ không thể ngờ rằng có một số công ty đã đi gom rau ở chợ, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị.
Tìm hiểu ở cơ sở sơ chế rau đặt tại Công ty TNHH MTV Viager (phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP.HCM) trong thời gian từ tháng 8 đến giữa tháng 9, phóng viên báo Tuổi Trẻ đã phát hiện và ghi nhận hoạt động 'phù phép' rau chợ đầu mối thành 'rau sạch Đà Lạt', chuẩn VietGAP.Tại cơ sở, từ 11h đêm đến 3h sáng, đều đặn các ngày, lại có những người khác chạy xe máy tới giao các loại rau ăn lá (cải, dền, muống...), trái - củ (khổ qua, bầu, bí, cà rốt...) để cho công nhân nhận và tiếp tục sơ chế, đóng gói vào bịch nhỏ, khay hoặc túi lưới.
Từ 6h-8h sáng, nhóm công nhân hoàn tất việc sơ chế, đóng gói, dán tem nhãn để kịp giao cho các shipper (tài xế giao hàng). Tem nhãn được dán lên các bịch/khay/túi lại ghi dòng chữ 'Rau củ quả Đà Lạt', kèm thông tin Công ty TNHH nông sản Trình Nhi (còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods), có nhà máy tại lô F2, Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Đặc biệt, trên tem của đơn vị này còn có logo biểu thị rau củ đạt chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành).
Theo điều tra của phóng viên, rau được lấy từ nhiều nguồn. Tiểu thương cung cấp rau cho cơ sở dán tem Trình Nghi lấy từ Bình Chánh (TP.HCM), Đà Lạt, Vũng Tàu, Tiền Giang..., tùy thuộc vào giá chỗ nào “mềm”.
Theo các tiểu thương, khách hàng mua rau về dán nhãn VietGAP mang vào siêu thị bán với giá cao gấp nhiều lần là chuyện bình thường, vì phải bỏ tiền thuê công nhân sơ chế, quản kho, kế toán, mua bao bì...
Khi phóng viên hỏi rau có đạt tiêu chuẩn VietGAP hay tiêu chuẩn nào khác, tiểu thương khẳng định không và nói thêm, rau nhập từ các mối vậy thôi chứ không có giấy tờ.
Ngày 20/9, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo thành lập ngay đoàn kiểm tra đột xuất Công ty Trình Nhi có nhà máy tại xã Phú Hội (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Việc kiểm tra diễn ra vào ngày 21/9 và sẽ có báo cáo vào cuối tuần. Tuy nhiên, theo một số người ra vào công ty cho biết, Trình Nhi không sản xuất hàng tươi (sơ chế rau nông sản - PV) mà sản xuất nông sản sấy khô.
Rau nông sản được 'phù phép' in logo nhà sản xuất uy tín bán trong siêu thị - Ảnh: BÔNG MAI
Đừng đổ lỗi!
Liên quan đến bài viết rau sạch dỏm 'biến hình', cả ba hệ thống phân phối Winmart, Tikingon và 3Sạch đều ngay lập tức rút toàn bộ rau củ quả Trình Nhi trên kệ hàng, đồng thời kiểm tra toàn bộ nguồn hàng.
Đồng thời cả Winmart, Tiki ngon', WinCommerce (WCM, thuộc tập đoàn Masan) đã có phản hồi về sự việc. Theo đó, WinCommerce cho biết đã ngừng nhập và rút toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp Trình Nhi khỏi quầy kệ và yêu cầu nhà cung cấp Trình Nhi giải trình vi phạm cam kết về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm theo hợp đồng cung cấp hàng hóa đã ký kết với WinCommerce.
WinCommerce cũng khẳng định đây không phải chủ trương kinh doanh của công ty. WinCommerce luôn tuân thủ đầy đủ quy định vệ sinh an toàn thực phẩm với quy trình kiểm soát chất lượng hàng hóa khắt khe nhằm đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài làm việc với Trình Nhi, WinCommerce cũng đang tiến hành rà soát lại toàn bộ các nhà cung cấp rau khác.
Tập đoàn Masan cũng nhấn mạnh, sự việc trên là vi phạm cam kết hợp đồng của nhà cung cấp nhưng WinCommerce nhìn nhận một phần trách nhiệm và sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ các nhà cung cấp rau khác. Đồng thời, sẽ rà soát, tăng cường, siết chặt thêm các biện pháp kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Ông Nguyễn Quách Nhi - Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm và tiêu dùng nhanh TikiNGON cũng khẳng định xin nhận trách nhiệm và cho biết sẽ tiến hành rà soát gắt gao lại một lần nữa chất lượng tất cả nhà phân phối hiện tại. Tất cả mặt hàng rau củ quả của Trình Nhi, đã lập tức bị ngừng kinh doanh trên TikiNGON từ ngày 19/9.
Tương tự, chuỗi siêu thị thực phẩm 3Sạch cũng xác nhận có hợp tác với các nhà cung cấp Công ty TNHH Nông sản sạch Hugofarm và Công ty CP ĐT & SX Nông sản Trình Nhi (Trình Nhi Foods, TNFoods). Ngoài việc rút hàng khỏi quầy kệ và ngừng nhập hàng của hai nhà cung cấp nêu trên, đại diện truyền thông 3Sạch cũng chân thành xin lỗi người dùng.
Mặc dù các siêu thị nói trên đều khẳng định sẽ phối hợp với các cơ quan điều tra và tiến hành các thủ tục pháp lý với các nhà cung cấp vi phạm hợp đồng, nhằm làm rõ các hành vi đánh tráo, gian lận nhãn hiệu và hàng hóa, làm mất lòng tin của khách hàng; đồng thời cam kết sẽ tra soát nghiêm ngặt, không để vụ việc này diễn ra trong tương lai.
Tuy nhiên, đông đảo người tiêu dùng đặt câu hỏi rằng, sự việc đã diễn ra trong một thời gian dài, liệu có hay không sự tiếp tay, cố tình làm ngơ, đánh lừa khách hàng của các siêu thị này?
Rõ ràng, theo quy định, các siêu thị ký kết hợp đồng định kỳ phải kiểm tra, đánh giá lại nhà cung cấp, nhập hàng phải có đầy đủ phiếu kỹ thuật kiểm tra an toàn thực phẩm.
Việc các siêu thị thiếu kiểm soát, tiếp tay tiêu thụ rau sạch rởm của Trình Nhi trong một thời gian dài, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân là trách nhiệm của các siêu thị, không thể đổ lỗi cho nhà cung cấp. Vì người tiêu dùng chỉ quan tâm là mua của ai, đơn vị nào đang bán hàng trực tiếp cho họ?
Ai bồi thường cho người tiêu dùng?
Sự việc 'rau bẩn' biến hình thành rau sạch đã khiến nhiều người dân hoang mang, bức xúc, bởi với họ, rau trong siêu thị là 'hy vọng' gần như duy nhất về độ an toàn thực phẩm. Người dân bỏ một khoản chi phí cao hơn để mua rau sạch bảo vệ sức khỏe nhưng lại mua phải rau bẩn không đạt chuẩn – một tác nhân âm thầm giấu mặt có thể gây nhiều bệnh như ung thư.
Khách hàng Trịnh Thu Hường cho biết, người tiêu dùng khi mua hàng của Winmart là dựa trên sự tin tưởng thương hiệu chứ không biết đến Trình Nhi là công ty nào. Các cụ nói “bệnh từ miệng mà ra”. Suốt thời gian qua, khá nhiều siêu thị đã tiếp tay bán các sản phẩm không đủ chất lượng. Có thể, đây là một trong những nguyên nhân vì sao tỷ lệ ung thư ở Việt Nam luôn đứng top đầu thế giới.
Chị Hường cho biết không thể chấp nhận kiểu làm ăn 'treo đầu dê bán thịt chó' của các siêu thị. Người tiêu dùng chấp nhận mua rau giá cao hơn nhiều vì nghĩ an toàn hơn ở chợ, nhưng lại 'dính' rau bẩn thì quá mất niềm tin. Mong cơ quan chức năng phải mạnh tay xử lý để chấm dứt tình trạng này .
Một số ý kiến người tiêu dùng cũng cho rằng, các siêu thị cần chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, giá cả được bày bán tại hệ thống của mình bởi điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nghiệp. Giải quyết vi phạm của nhà cung cấp là việc của siêu thị. Còn với người tiêu dùng, các siêu thị phải có trách nhiệm bồi thường. Các siêu thị cần có quy trình, quy định về nguồn hàng hoá đầu vào, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm, không làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, bán lẻ, thậm chí là các nhà sản xuất, phân phối, kinh doanh các sản phẩm hàng hoá trên thị trường.
Thậm chí, một số người tiêu dùng bức xúc còn cho rằng cần phải có chế tài phạt thật nặng siêu thị và nhà cung cấp để làm gương, tránh tình trạng lừa dối người tiêu dùng tiếp tục diễn ra. Các siêu thị nên có động thái đền bù cho khách hàng như giảm % nếu khách hàng mua rau sắp tới. Khi siêu thị không giữ uy tín, không đảm bảo được chất lượng cam kết với khách hàng, đồng nghĩa với việc coi rẻ thương hiệu của mình chỉ như 'mớ rau'.