Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.
Khả năng lây lan vượt trội
Từ tháng 10/2020 đến nay, thế giới đã liên tục ghi nhận những biến thể mới của SARS-CoV-2, những biến thể này được WHO xếp thành các nhóm khác nhau theo từng cấp độ lây lan.
Omicron được WHO đưa ra cảnh báo lần đầu vào ngày 26/11 và xếp nó vào nhóm đáng lo ngại. Ở thời điểm đó, các nhà khoa học đã bày tỏ quan ngại vì biến chủng mới này có tới 32 gai đột biến ở protein - nhiều nhất trong các biến thể khác của SARS-CoV-2.
Đến nay, Omicron đã lây lan tới 89 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục. Nhiều quốc gia đã phải đóng cửa biên giới với một số nước có ca nhiễm Omicron để chặn đà lây lan của nó. Một trường hợp cụ thể, chỉ trong ngày 18/12, Vương Quốc Anh ghi nhận hơn 10.000 ca mắc Omicron trên tổng số hơn 90.000 ca mắc mới. Dịch bệnh diễn biến khó lường buộc Thị trưởng Lodon phải đưa ra quyết định tái ban bố tình trạng khẩn cấp.
Những bằng chứng nghiên cứu mới đây khiến WHO đưa ra khẳng định rằng, Omicron có lợi thế tăng trưởng đáng kể so với biến thể Delta, nó lây lan nhanh hơn vượt trội so với Delta ở các quốc gia có sự xuất hiện của biến thể mới này với thời gian rất ngắn - chỉ mất từ 1,5 đến 3 ngày, Omicron có thể lây lan gấp đôi. Mặc dù hiện nay WHO cho biết chưa rõ tốc độ tăng trưởng nhanh này là do khả năng lây truyền của virus hay do khả năng né tránh miễn dịch, nhưng các nhà khoa học đều thống nhất nhận định, khả năng lây lan của Omicron vượt xa Delta.
Báo cáo mới nhất của WHO cho biết, kết quả nghiên cứu từ Anh cho thấy hiệu quả bảo vệ người dân khỏi các triệu chứng của vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca giảm đối với Omicron sau 2 liều tiêm so với biến thể Delta.
Mặc dù WHO cũng thông tin, các dự liệu sơ bộ này cần diễn giải một cách thận trọng bởi đây là kết quả dựa trên những con số tương đối nhỏ, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, mức độ nguy hiểm của Omicron là không cần bàn cãi với khả năng lây lan nhanh, né tránh hệ thống miễn dịch, khó khăn trong việc chẩn đoán và các quốc gia như Việt Nam cần có những kịch bản cấp thiết, phù hợp để ứng phó với biến thể mới này.
Kịch bản phòng, chống Omicron của Việt Nam
Để ứng phó với Omicron, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh từ ngày 28/11 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp NAAT (phương pháp xét nghiệm có độ nhạy cao nhất trong phòng thí nghiệm hiện nay để phát hiện SARS-CoV-2) và PCR trong vòng 14 ngày nhập cảnh và gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen nhằm xác định biến thể Omicron.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường hệ thống giám sát nhằm sớm phát hiện các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến bất thường như số mắc, diễn biến nặng hoặc nhập viện, tử vong tăng bất thường để nghiên cứu phát hiện biến thể mới.
Cũng theo ông Sơn, trong trường hợp ghi nhận người dương tính với biến thể Omicron thì UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo tiếp tục rà soát, lấy mẫu xét nghiệm của những người tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trước đó gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ giải trình tự gen xác định biến thể Omicron.
Mới đây, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Chính phủ xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại những địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ TếtNguyên đán.
Còn tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho hay, ưu tiên hàng đầu của thành phố vẫn là đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho Thủ đô. Đồng thời tổ chức tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 cho toàn bộ người dân trên địa bàn theo lượng vaccine do Bộ Y tế phân giao; điều chỉnh các giải pháp thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả với diễn biến của dịch Covid-19, đảm bảo công tác an sinh, xã hội, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ an toàn trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó là tăng cường quản lý, giám sát các trường hợp nhập cảnh về thành phố, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia đã ghi nhận biến chủng mới Omicron.
Người dân vẫn cần 5K để phòng chống Omicron
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, BS Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP HCM cho rằng, để ứng phó với Omicron, người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp 5K và nâng cao ý thức phòng chống dịch.
'Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn, có nhiều đột biến hơn nhưng nó vẫn không thể vượt qua được khẩu trang, vẫn không thể chống lại nước rửa tay. Bởi vậy, các biện pháp phòng, chống dịch đã được các cơ quan chức năng đưa ra như 5K vẫn là phương pháp hữu hiệu để ứng phó với nó' - ông Khanh cho biết.
Đồng quan điểm, PGS. TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo, người dân cần phải nâng cao cảnh giác, càng hạn chế tụ tập đông người, hoạt động đông người không cần thiết thì càng tốt.
'Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, việc đeo khẩu trang có thể giảm tới 53% nguy cơ lây lan Covid-19, bởi vậy, người dân cần thực hiện tốt 5K, nếu Omicron này xâm nhập thì thực hiện tốt 5K có thể hạn chế được nguy cơ lây lan dịch' - ông Phu cho biết.