Nhân viên thu tiền tỷ, đại lý thu tiền lẻ
Dư luận đang xôn xao về thu nhập 'khủng' của nhân viên Công ty Bảo hiểm nhân thọ Manulife Việt Nam, sau khi doanh nghiệp này công bố báo cáo tài chính năm 2022.
Theo báo cáo của Manulife Việt Nam, chi phí lương nhân viên năm 2022 lên tới hơn 1.133 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2021.
Tại thời điểm cuối năm, công ty có 1.153 nhân viên (back office). Tính trung bình, thu nhập mỗi nhân viên lên tới xấp xỉ 1 tỷ đồng trong năm vừa qua.
Con số này đủ để khiến người lao động ở mọi ngành nghề nói chung cảm thấy 'chạnh lòng'. Không ít người lầm tưởng đây là thu nhập bình quân của cả nhân viên tư vấn bảo hiểm Manulife (còn gọi là đại lý).
Trao đổi với VietNamNet, chị N.T.N, một đại lý của Manulife tại Hà Nội cho biết, mức thu nhập trên được tính cho những nhân sự thuộc đội ngũ back office, bao gồm hơn 1.100 người.
'Nhân sự thuộc đội ngũ nhân viên có nhiệm vụ đào tạo, hỗ trợ thủ tục, quản lý chất lượng, trực quầy hỗ trợ tại công ty,…Họ là những người làm việc 8 tiếng mỗi ngày tại văn phòng', chị N.T.N nói.
'Những người này họ không trực tiếp tư vấn bán bảo hiểm như các đại lý, thế nên họ không được hưởng hoa hồng trực tiếp từ các hợp đồng', chị cho biết thêm.
Lương nhân viên bảo hiểm cao ngất ngưởng. (Ảnh minh họa)
Cũng theo chị N.T.N, Manulife Việt Nam hiện có khoảng 60.000 đại lý trên toàn quốc, đồng nghĩa với việc hãng bảo hiểm này đang có khoảng 60.000 người bán bảo hiểm, bao gồm cả làm việc toàn thời gian (full time) và bán thời gian (part time).
Theo báo cáo tài chính của Manulife Việt Nam, năm 2022 công ty chi hơn 4.183 tỷ đồng cho chi phí khen thưởng và hỗ trợ đại lý, giảm 8,5% so với mức chi năm 2021. Trong khi đó, chi phí hoa hồng là 3.191 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2021.
'Như vậy, với khoảng 60.000 đại lý, mức thu nhập bình quân của mỗi đại lý trong năm 2022 tính từ hai nguồn chi trên chỉ khoảng 122 triệu đồng, tương ứng khoảng 10 triệu đồng/đại lý/tháng. Tất nhiên có những đại lý làm part time, họ làm cùng lúc nhiều việc khác nhau nên có những tháng không có hợp đồng bảo hiểm nào và sẽ không có thu nhập từ bảo hiểm', chị N.T.N nói. Chị cho rằng, cần phân biệt rõ ràng giữa đại lý và nhân viên công ty.
Tuy nhiên, trao đổi với VietNamNet, chị H.N.H, một đại lý Manulife tại TP.HCM cho biết: 'Thực tế vẫn có những nhân viên tư vấn bảo hiểm (đại lý) xuất sắc đạt được doanh thu lên đến 1 tỷ đồng/năm. Nhưng con số này chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng số gần 60.000 đại lý mà thôi.'
Theo trải lòng của chị H.N.H, để làm được điều đó, mỗi tháng đại lý thực hiện hàng chục cuộc gặp để tư vấn khách hàng, đồng thời phải nghe hàng trăm lời từ chối từ khách.
'Một người tư vấn nếu không vững tâm và có nghề thì chẳng mấy chốc sẽ bỏ cuộc', chị H.N.H chia sẻ.
Trích BCTC 2022 của Manulife Việt Nam.
Sự thật đằng sau mức hoa hồng hấp dẫn
Chị H.H, một đại lý bảo hiểm của Dai-ichi Life Việt Nam cho biết, thu nhập của đại lý có thể cao trong 1-2 năm đầu do đây là thời điểm họ được hưởng phí hoa hồng từ hãng. Tuy nhiên nếu chia ra cũng chưa hẳn đã cao, bởi đại lý còn phải chăm sóc hợp đồng cả thời gian gian, lên đến cả chục năm một khi xác định gắn bó với nghề.
Câu chuyện về thu nhập của người làm bảo hiểm bỗng trở nên 'nóng' trên các diễn đàn về bảo hiểm. Chị T.L, thành viên của một diễn đàn về hỗ trợ bảo hiểm đưa ra con số đáng kinh ngạc: 'Số người thực nhận 100% lương mà không cắt hoa hồng cho khách hàng, không tự mua bảo hiểm để lấy doanh số có thể chỉ chiếm 20%.'
Ý kiến trên nhận được nhiều sự đồng tình từ những người trong nghề. Cũng chính vì hoa hồng cho đại lý trong 1-2 năm đầu cao, từ 30-40% phí đóng bảo hiểm trong năm, nên nhiều đại lý sẵn sàng 'cắt máu', trích lại hoa hồng cho khách để có được hợp đồng.
Anh Đ.H, một đại lý bảo hiểm của Manulife và là thành viên của diễn đàn này bình luận: 'Tư vấn cả trăm người mới chốt được một khách. Sau đó còn chạy đi chạy lại cả chục lần để lo giấy tờ. Cuối cùng công ty lại từ chối bảo hiểm trường hợp này. Khách ký hợp đồng mình nhận lương một lần nhưng phục vụ khách nhận bồi thường mấy chục năm về sau. Có khách một năm nhận bồi thường cả vài lần. Chả hiểu các đại lý cắt hoa hồng có làm tử tế đàng hoàng không mà phá giá quá vậy.'
Chị N.T.V, một đại lý bảo hiểm chia sẻ về nghề, hoa hồng nhận được đúng là cao nhưng chỉ được năm đầu tiên. Từ năm thứ hai hoa hồng giảm dần, đến năm thứ 5 trở đi đại lý chăm sóc hợp đồng không công.
Chị cho hay: 'Mặc dù không công nhưng chúng tôi vẫn phải thu phí, vẫn chăm sóc khách hàng. Vậy tiền xăng xe, rồi tiền điện thoại ai trả? Ngày Tết cũng phải tự bỏ tiền ra mua lịch tặng khách, còn phải mua lịch đắt tiền theo ý muốn của khách. Thậm chí, sinh nhật khách cũng phải tặng quà để khách đóng phí các năm tiếp theo….. Chăm sóc không tốt thì khách kêu 'lúc ký hợp đồng sao nhanh thế, khi cần lại chẳng thấy đâu,….'.
Trong khi đó, một người trong ngành này, anh K.V.T cho biết, hoa hồng và thưởng trả một lần, nhưng đại lý phải phục vụ suốt mấy chục năm, nên chia ra không nhiều. Việc Manulife trả hoa hồng dồn một cục dẫn đến những bất cập như nhiều khách 'ảo', đại lý tìm đủ mọi cách để 'dụ' khách ký hợp đồng hòng kiếm hoa hồng năm đầu, sau đó bỏ hoặc nhảy việc.
Báo cáo của Manulife cho biết, năm 2022 doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 26.322 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021.
Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm hơn 33%, xuống còn 18.580 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường và trả tiền bảo hiểm gần 15.379 tỷ đồng (giảm 36,7%), chi phí hoa hồng bảo hiểm giảm 5% xuống còn 3.191 tỷ đồng;...
Trừ đi các loại chi phí, Manulife Việt Nam lãi sau thuế kỷ lục hơn 2.562 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lỗ 4.741 tỷ đồng.
|