Mới đây, Cơ quan điều tra CATP Hà Nội có thông báo về việc 'giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người bị bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp và tạm giữ người', đối với Vũ Thị Thúy (SN 1983, quê quán Thanh Hóa), Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam.
Theo đó, bà Vũ Thị Thúy đã có hành vi 'Đưa ra thông tin sai sự thật về Công ty cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam có nhiều bất động sản, dự án đầu tư, có lợi nhuận cao để huy động vốn của nhiều cá nhân, rồi sử dụng một phần tiền này để trả lãi cho các cá nhân trên, sau đó chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Hành vi của bà Vũ Thị Thúy đã phạm vào khoản 4, Điều 174 BLHS - tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
|
Bà Vũ Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam |
Mức xử phạt cao nhất tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tù chung thân
Thông tin điều tra ban đầu cho thấy, Công ty BĐS Nhật Nam thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng giao dịch bất động sản tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn với cam kết trả lợi nhuận hàng ngày với tỷ suất lợi nhuận cao (từ 5 - 7%/tháng, tương đương 60 - 84%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi bất động sản). Các thủ tục tố tụng đang được cơ quan điều tra tiến hành theo quy định của pháp luật.
Nêu ý kiến về vụ việc trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, việc bà Vũ Thị Thúy bị tạm giữ hình sự không gây bất ngờ. Bởi trước đó, nhiều tổ chức, cá nhân có đơn thư tố giác lãnh đạo của Công ty BĐS Nhật Nam thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hành vi huy động vốn.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy, hành vi của Vũ Thị Thúy thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, tiến hành các hoạt động điều tra làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ có hành vi gian dối hay không, những thông tin Công ty Nhật Nam đưa ra để huy động vốn có đúng sự thật hay không, có hành vi nào được xác định có thủ đoạn gian dối hay không, chứng minh ý thức chủ quan, số tiền được sử dụng thế nào để xác định hành vi có chiếm đoạt tài sản hay không? Đồng thời làm rõ còn cá nhân nào khác có hành vi đồng phạm giúp sức cho nữ Tổng giám đốc Công ty Nhật Nam thực hiện hành vi vi phạm.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy đã có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của nhiều người, với số tiền đặc biệt lớn, bà Vũ Thị Thúy và có thể còn các đồng phạm sẽ bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 4, điều 174, BLHS năm 2015 với chế tài phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
|
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp
|
Những nhà đầu tư có lấy lại được tiền?
Vụ việc đang trong quá trình điều tra, thông tin từ cơ quan điều tra, bà Vũ Thị Thúy đã chiếm đoạt đặc biệt lớn, nhưng chưa cấp con số cụ thể. Các nhà đầu tư vào Công ty BĐS Nhật Nam cũng lên con số hàng nghìn người ở nhiều địa phương khác nhau.
Theo luật sư Cường, Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội mới tạm giữ hình sự với bà Vũ Thị Thúy, chưa khởi tố vụ án hình sự. Do đó, những nhà đầu tư vào Công ty Nhật Nam vẫn đang được xác định là những người tố cáo, tố giác, chưa được xác định là người bị hại.
Trong giai đoạn này, những nhà đầu tư có trách nhiệm phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ hành vi của những người bị tố cáo, làm rõ số tiền đã nộp vào công ty là bao nhiêu, làm rõ thỏa thuận đã thực hiện với công ty này dưới hình thức hợp tác kinh doanh ra sao?
|
Các nhà đầu tư Công ty bất động sản Nhật Nam. |
Các nhà đầu tư cũng sẽ cung cấp thông tin về việc bà Vũ Thị Thúy cũng như Công ty Nhật Nam đưa ra các thông tin như thế nào để những nhà đầu tư góp tiền. Những thông tin này rất quan trọng để chứng minh có thủ đoạn gian dối và mục đích chiếm đoạt của Tổng giám đốc Công ty BĐS Nhật Nam.
Khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, những nhà đầu tư sẽ được xác định là bị hại và được pháp luật bảo vệ. Cơ quan tố tụng sẽ buộc các bị can và những người liên quan nhận giữ tài sản của các bị hại sẽ phải trả lại tiền cho các bị hại.
'Cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền các bị hại nộp vào Công ty Nhật Nam đã được chuyển đi đâu, sử dụng như thế nào và những người sử dụng quản lý nếu không có căn cứ thì phải trả lại số tiền này cho các bị hại. Các bị can sẽ bị kê biên, phong tỏa tài sản để đảm bảo thi hành án. Trong quá trình giải quyết vụ án, những bị can, người bị tố cáo có thể thỏa thuận với các bị hại để bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả', luật sư Cường nói.
>>> Mời độc giả xem thêm video CEO BĐS Nhật Nam và những phát ngôn khiến giới đầu tư 'dậy sóng'