Nở rộ dịch vụ xóa nợ online
Khi người đi vay không có khả năng chi trả hoặc cố tình không chi trả thì sẽ bị ngân hàng, các tổ chức tín dụng đưa vào các nhóm nợ trong bảng phân loại nhóm nợ, được quy định tại Thông tư 11/20221/TT-NHNN. Nợ xấu được hiểu đơn giản là một khoản nợ khó đòi, nằm tại nhóm nợ thứ 3 đến thứ 5 trong bảng phân loại nhóm nợ.
Với những người bị “vướng” vào nợ xấu, thông tin nợ sẽ được ghi nhận tại Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và từ đó mất khả năng vay vốn, không được sử dụng thẻ tín dụng và nhiều quyền lợi khác liên quan đến vốn.
Trong thời gian gần đây, do kinh tế khó khăn sau khi đại dịch bị đẩy lùi, nhiều người đã tìm đến các khoản vay tiêu dùng từ các tổ chức tài chính, các ứng dụng Fintech cho vay… để vay vốn. Nhưng do không có đủ điều kiện trả nợ hoặc chưa xoay sở được dòng tiền khi đến hạn, một số người đã rơi vào nhóm nợ xấu trên CIC.
Các đối tượng quảng cáo dịch vụ xóa nợ xấu một cách rầm rộ, thu hút và tiếp cận được với nhiều người.
Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, nhiều hội nhóm trên mạng xã hội như Facebook, TikTok… nhiều nội dung dạy nhau “bùng nợ” đang trở nên rất thịnh hành, khiến nhiều người bị cuốn vào làn sóng này và rơi vào nhóm nợ xấu. Từ đó, các lượt tìm kiếm liên quan đến nhóm nợ xấu và thời điểm được xóa nợ cũng tăng mạnh. Và cũng từ đó, hàng loạt các hội nhóm, các đối tượng quảng cáo dịch vụ xóa nợ xấu trên CIC xuất hiện trở lại sau một thời gian vắng bóng.
Ngoài việc đưa ra quảng cáo đánh vào tâm lý của các con nợ như “cam kết xóa nợ xấu trên CIC giá rẻ”, “xóa nợ xấu, mở khoản vay mới tức thì” hay “nhận gỡ nợ xấu ở mọi nhóm nợ, tránh bị khủng bố điện thoại đòi nợ”… các đối tượng còn sử dụng hình ảnh liên quan đến hoạt động của CIC để tạo niềm tin cho các khách hàng đang có nhu cầu xóa nợ. Nhờ đó, các hội nhóm này thu hút được hàng ngàn người tham gia và có không ít người rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Để tìm hiểu cách thức hoạt động của các đối tượng này, trong vai một người bị liệt vào nợ xấu nhóm 4, PV được một số đối tượng quảng cáo loại hình dịch vụ này cho biết, giá xóa nợ trên CIC dao động từ 10-30 triệu đồng, tùy vào nhóm nợ. Để xóa nợ xấu, khách hàng phải cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân, thông tin các khoản vay để các đối tượng “xóa thông tin nợ” và tạo cho khách hàng một hồ sơ tín dụng sạch. Thời gian để thực hiện dịch vụ này từ 3-5 ngày, tuy theo số tiền mà khách hàng chi trả.
Các đối tượng còn dùng thủ đoạn spam tin nhắn để tìm nạn nhân.
Đáng nói, toàn bộ các chi phí dịch vụ này phải được chuyển trước cho các đối tượng để tiến hành “tạo hồ sơ tín dụng sạch”. Tức là khách hàng phải chuyển khoản trước từ 10-30 triệu để thực hiện xóa nợ xấu. Tuy nhiên, khi mặc cả với một đối tượng, người này cho biết có thể gửi trước 50% phí dịch vụ, số còn lại khi nào hoàn thành sẽ thu sau.
Tuy nhiên qua tìm hiểu, đây chỉ là một cách để các đối tượng lừa đảo lấy khoản tiền phí đóng trước này của khách hàng. Lợi dụng những con nợ đang gặp bế tắc do vướng nợ xấu, các đối tượng liên tục thúc giục và đưa ra thông tin ảo để khách hàng chấp nhận chuyển tiền phí trước. Sau đó, nạn nhân sẽ bị chặn thông tin liên lạc và mất thêm một khoản tiền đáng kể.
Đó cũng là trường hợp mà anh Nguyễn Quang (Thanh Oai, Hà Nội) gặp phải khi kết nối với một đối tượng nhận xóa nợ xấu trên Facebook. “Do rơi vào nợ nhóm 5 nên giờ tôi chẳng vay được tiền ở đâu. Nhưng mà do đợt này cần phải vay vốn để đầu tư vào đầm cá, kiếm tiền trang trải cho cá khoản nợ cũ cho xong nên tôi mới phải nhờ người tìm xem có cách nào xóa nợ xấu không. Thấy con trai tôi tìm được Facebook nhận xóa nợ xấu nên tôi liên hệ ngay, nhưng không ngờ lại bị lừa”, anh Quang cho biết.
Theo đó, sau khi chuyển cho các đối tượng này 50% tiền phí là 20 triệu đồng, người tư vấn trên Facebook cho biết sau 3 ngày sẽ có kết quả. Nhưng đến ngày thứ 4, anh Quang liên hệ với người tư vấn dịch vụ thì Facebook này đã chặn tin nhắn của anh. Nhờ người kiểm tra nhóm nợ thì được biết, anh Quang vẫn đang bị liệt vào danh sách nợ xấu nhóm 5.
Không thể xóa nợ xấu bằng cách can thiệp hệ thống
Thủ đoạn lừa đảo xóa nợ xấu trên CIC này không phải là điều gì mới mẻ, bởi nó đã xuất hiện từ nhiều năm trước và được cơ quan chức năng cảnh báo nhiều. Các hành vi lừa đảo của đối tượng nói trên đều có cách thức như cũ, không có gì đổi mới. Ngoài việc các đối tượng xuất hiện đúng thời điểm, khi mà tình trạng nợ xấu đang tăng nhanh trước khó khăn chung của nền kinh tế.
Từng cảnh báo về loại hình lừa đảo này, CIC khăng định không có bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào nào có thể can thiệp vào cơ sở dữ liệu. CIC cũng từng đưa ra nhiều cảnh báo người dân cần thận trọng với những dịch vụ xóa nợ xấu tràn lan trên mạng. Lịch sử tín dụng của khách hàng sẽ được lưu trên hệ thống trong vòng 5 năm, nên những đơn vị quảng bá có thể xóa nợ xấu trên CIC là hoàn toàn không đúng và bịa đặt.
CIC chỉ có thể sửa thông tin tín dụng của khách hàng trong trường hợp ngân hàng, tổ chức tín dụng cung cấp thông tin sai sót kỹ thuật do ngân hàng gây ra như nhầm ngày trả nợ, chuyển nhầm nhóm nợ của khách hàng từ nợ chú ý sang thành nợ xấu…
Tất cả những bài quảng cáo xóa nợ xấu trên Facebook đều là lừa đảo.
Công văn đề nghị chỉnh sửa thông tin này gửi cho CIC phải do Tổng giám đốc của ngân hàng ký. Hơn nữa, dữ liệu thông tin tín dụng của khách hàng chỉ được CIC cung cấp cho các tổ chức tín dụng, hoặc chính khách hàng đó, chứ CIC không cung cấp cho một đơn vị khác hoặc một cá nhân khác.
Với khách hàng cần thay đổi thông tin trên CIC do sai sót, khách hàng cần liên hệ với CIC qua các kênh điện tử hoặc tổng đài hoặc liên hệ trực tiếp với tổ chức tín dụng để được hướng dẫn. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, sau khi nhận được yêu cầu điều chỉnh sai sót, CIC đều phải kiểm tra lại thông tin của khách hàng, nếu thực sự có sai sót thì CIC phải điều chỉnh, sau khi điều chỉnh CIC sẽ thông báo cho khách hàng được biết.
Ngoài ra, CIC khuyến cáo khách hàng nên thường xuyên kiểm tra thông tin của chính mình trên cơ sở dữ liệu của CIC để khi phát hiện những điều không chính xác thì kịp thời yêu cầu các đơn vị có liên quan chỉnh sửa để bảo vệ quyền lợi.