Tổng quan bức tranh thưởng Tết
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-TTg về việc chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp tích cực thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, người lao động, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Thời điểm này chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là sẽ đến Tết, các doanh nghiệp đã có các phương án thưởng Tết cụ thể. Thực tế nhiều địa phương đã có số liệu thống kê về mức thưởng Tết cho người lao động. Nhìn chung, sau 1 năm nhiều thách thức, gam màu ảm đạm bao trùm phần lớn bức tranh thưởng Tết, nhưng vẫn bật lên những màu sáng nổi bật. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức thưởng Tết được ghi nhận cao nhất năm nay là hơn 2 tỷ đồng/người, còn mức thưởng thấp nhất là 300.000 đồng/người.
Tiền thưởng bình quân của người lao động được ghi nhận vẫn tương đương với năm ngoái, dao động từ 6 - 9 triệu đồng/người, bằng với 1 tháng lương. Một số ngành nghề bị ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh không khả quan thì mức thưởng Tết có giảm một chút như dệt may, da giày, điện tử… Tại thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, bên cạnh các doanh nghiệp vẫn nỗ lực đảm bảo thưởng Tết cho người lao động thì cũng ghi nhận có vài doanh nghiệp nhỏ quy mô vài trăm lao động có khả năng không có thưởng Tết do gặp khó khăn.
Mức thưởng Tết được ghi nhận cao nhất năm nay là hơn 2 tỷ đồng/người, còn mức thưởng thấp nhất là 300.000 nghìn đồng/người. Ảnh minh họa.
Doanh nghiệp sản xuất nỗ lực phân bổ thưởng Tết
Dù một năm có nhiều biến động, nhưng phần lớn các doanh nghiệp cũng vẫn rất nỗ lực để có thể đảm bảo chế độ cho người lao động. Theo khảo sát, mức thưởng Tết trung bình của người lao động của các doanh nghiệp là khoảng 1 tháng lương.
Để có thể thu xếp được khoản phúc lợi này, các doanh nghiệp đã cắt giảm các chi phí không cần thiết, trích lập quỹ thưởng Tết từ đầu năm. Khi biết được những nỗ lực này của các doanh nghiệp thì theo khảo sát của phóng viên, người lao động cũng rất phấn khởi, sẻ chia.
Hơn 20 năm đi làm tại doanh nghiệp, cứ đến Tết là chị Trần Thị Hương Quyền (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) lại háo hức chờ đợi khoản lương thưởng. Với chị khoản tiền Tết này sẽ giúp chị rộng hầu bao lo cho gia đình nội ngoại, cũng là thành quả cho một năm nỗ lực không nghỉ ngày nào.
'Trung bình một tháng thu nhập của mình 12 triệu, cuối năm thưởng thì sẽ tăng lên khoảng 20 - 23% so với các tháng thông thường…', chị Quyền chia sẻ.
Trung bình mỗi nhân viên tại công ty của chị Quyền sẽ được thưởng 13% tổng thu nhập của 1 năm, tức là dao động từ khoảng 10 - 20 triệu đồng tuỳ năng suất lao động. Trong bối cảnh các đơn hàng còn nhiều biến động so với 2022 mà thưởng Tết không giảm, công nhân tại đây cũng chia sẻ với nỗ lực của doanh nghiệp.
'Cũng mừng, rất nhiều công ty là thưởng thấp đi, bạn bè mình lương giảm, thưởng Tết giảm mà mình vẫn được như năm ngoái là mừng lắm rồi', chị Hoàng Thị Kiều - Phường Sài Đồng, Quận Long Biên, TP Hà Nội cho biết.
Doanh nghiệp cho biết họ cũng lên kế hoạch chi tiết để trả thưởng Tết đúng dịp, kịp cho người lao động sắm Tết Giáp Thìn đủ đầy, trọn vẹn.
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết: 'Mức độ hoàn thành kế hoạch cũng được thêm 1,5 triệu cho đến 2 triệu/người cho dịp Tết Nguyên đán. Riêng tháng 13 tương đương 1,6 tháng lương chúng tôi chia 2 lần, một lần trước Tết Nguyên đán là 1 tháng lương, ngay sau Tết là 0,6 tháng lương còn lại nữa'.
Hiệp hội doanh nghiệp Nhỏ và vừa cho biết, theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa TP Hà Nội, tình hình thưởng Tết năm nay cũng có sự phân hoá ở các nhóm ngành, mức thực nhận của công nhân viên cũng khác nhau.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết: 'Có những doanh nghiệp hiện nay dựa vào tình hình sản xuất kinh doanh tăng trên 10% thưởng thêm các bộ phận bán hàng, marketing, hành chính và kế toán, đặc biệt người lao động chân tay nhưng có hàm lượng công nghệ cao sử dụng nhiều trình độ khoa học công nghệ được thưởng thêm từ 5 - 10% số lương thực nhận'.
Các doanh nghiệp đều cho biết, cố gắng chi thưởng Tết cho người lao động theo quy chế thưởng. Ảnh minh họa.
Theo Thông tin từ Liên đoàn Lao động Hà Nội, mức lương bình quân của người lao động trong năm 2023 bằng năm 2022. Tuy nhiên, mức thưởng Tết trung bình của người lao động ở các loại hình doanh nghiệp đều giảm so từ 1,41% đến 2,44% so với Tết Quý Mão 2023.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, tiền thưởng Tết Nguyên đán năm nay được giữ ở mức tương đương năm trước, trung bình 12,3 triệu đồng/người, theo báo cáo của ngành lao động, thương binh và xã hội thành phố. Dù hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong năm còn khó khăn, tuy nhiên các doanh nghiệp đều cho biết, cố gắng chi thưởng Tết cho người lao động theo quy chế thưởng.
Riêng với ngành dệt may, da giày tại TP Hồ Chí Minh, dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, các doanh nghiệp cho biết đã chuẩn bị đủ nguồn tài chính để thưởng Tết cho công nhân và phát thưởng sớm để người lao động sắm Tết. Đa số công nhân được thưởng từ 1 - 2 tháng lương cơ bản, khoảng 6 - 12 triệu đồng.
Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty may mặc Dony cho biết: 'Chế độ thưởng năm nay thì có một phần quà Tết cho mọi người vui vẻ. Hai là thưởng bằng tiền mặt từ 1 - 3 tháng lương. Ngoài ra công ty có thưởng thêm vàng cho một số bạn có thành tích vượt trội trong cái giai đoạn vừa qua'.
Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định cho hay: 'Chúng tôi phải chuẩn bị về tài chính từ 10 - 15 tỷ để chuẩn bị thưởng cũng như là chăm lo các chế độ khác từ lao động'.
Khảo sát của ngành lao động thành phố, có hơn 46% doanh nghiệp ngoài tiền thưởng Tết còn có nhiều hình thức chăm lo, hỗ trợ thiết thực cho người lao động. Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh đã huy động được trên 135 tỷ đồng để chăm lo tết cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều hoạt động phúc lợi hỗ trợ người lao động Tết Giáp Thìn
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết sẽ dành nguồn tài chính hỗ trợ 1,1 triệu người lao động với mức 500.000 đồng/người. Dự kiến hỗ trợ chuyến bay 0 đồng cho 675 đoàn viên và chuyến tàu không đồng cho 2.000 đoàn viên có kết quả tốt trong năm vừa qua hoặc gặp khó khăn, không thể về quê ăn Tết.
Đặc biệt, nhiều hoạt động phúc lợi khác bên cạnh lương thưởng cũng được các liên đoàn lao động phối hợp với các doanh nghiệp, Bộ Công Thương như tổ chức các phiên chợ quê, đưa hàng hoá bình ổn đến khu công nghiệp cũng được phối hợp tổ chức để đem đến một cái Tết ý nghĩa, trọn vẹn cho người lao động.
Ông Nguyễn Vinh Quang - Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: 'Trong năm nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần đầu tiên tổ chức chợ Tết công đoàn qua sàn giao dịch điện tử với dự kiến 201.000 đoàn viên tham gia, tổng giá trị hàng hoá lên đến 60 tỷ đồng'.
Trong Công điện số 03/CĐ-TTg, Thủ tướng nhấn mạnh, cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, nắm bắt kịp thời tình hình lao động, việc làm tại địa phương, đặc biệt là các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, những nơi tập trung nhiều lao động, để tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết.