Lây nhiễm chéo trong khu cách ly
PV: Xin ông cho biết, vì sao có những trường hợp công dân sau khi hoàn thành cách ly tập trung, trở về giám sát y tế, cách ly tại nhà được phát hiện mắc COVID-19?
PGS.TS Trần Kiêm Hảo: Tất cả công dân hoàn thành cách ly tập trung tại tỉnh Thừa Thiên Huế để trở về tiếp tục theo dõi sức khoẻ, giám sát y tế tại nhà đều phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính bằng kỹ thuật RT-PCR lần thứ 4 vào ngày thứ 14 kể từ ngày tiếp xúc cuối hoặc về địa phương.
PGS. TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế (bên trái) động viên đoàn y bác sĩ lên đường hỗ trợ Bình Dương chống dịch.
Trong ngày cách ly thứ 14, khi công dân chuẩn bị rời khu cách ly, có một số trường hợp đã không đảm bảo nguyên tắc an toàn phòng chống dịch, giao lưu, tiếp xúc với những trường hợp khác đang cách ly có mầm bệnh nên đã xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Do vừa mới tiếp xúc, nồng độ COVID-19 chưa đủ lớn để xét nghiệm PCR cho ra kết quả dương tính, nhưng khi về nhà, tải lượng virus có thể tăng lên, đã có nguy cơ mắc bệnh.
Sau khi hoàn thành cách ly tập trung, các công dân sẽ tiếp tục được theo dõi sức khoẻ, giám sát y tế tại nhà nghiêm ngặt dưới sự giám sát của Tổ COVID cộng đồng, cán bộ y tế, chính quyền địa phương. Các trường hợp này đều được lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 3 và thứ 7 trong thời gian giám sát y tế tại nhà. Do đó, các trường hợp mắc COVID-19 sau khi hoàn thành cách ly tập trung đều đã có thể kịp thời phát hiện ca bệnh nếu có.
Trước khi đưa công dân hoàn thành cách ly tập trung về địa phương, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 địa phương và lực lượng y tế sẽ thẩm định việc nhà ở có đảm bảo điều kiện cho cách ly, giám sát y tế tại nhà theo quy định. Nếu không đủ điều kiện, thì bắt buộc phải tổ chức giám sát y tế tập trung tại các khu cách ly cấp xã do Ban Chỉ đạo địa phương bố trí. Việc kiểm soát người hoàn thành cách ly tập trung của chúng tôi có sự linh động, làm sao để kiểm soát tốt nguồn lây.
PV: Xin ông cho biết tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế?
PGS.TS Trần Kiêm Hảo: Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn kiểm soát và khống chế tốt, không để xảy ra tình trạng phát sinh những ca nhiễm trong cộng đồng.
Bắt đầu từ đợt dịch thứ 4 (từ 28/4 đến nay), tỉnh đã tiếp nhận hơn 62.000 người về từ các tỉnh/thành phố có dịch và đã tổ chức sàng lọc ngay từ đầu để đưa gần 21.000 công dân về từ vùng dịch vào các khu cách ly tập trung. Theo nguyên tắc cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày với 4 lần xét nghiệm (vào các ngày thứ 1, thứ 3, thứ 7, thứ 14) âm tính thì công dân mới được cho về nhà tiếp tục giám sát y tế và theo dõi sức khoẻ tại nhà đủ 28 ngày.
Sẵn sàng các phương án chống dịch
PV: Năng lực điều trị bệnh nhân và xét nghiệm COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Trần Kiêm Hảo: Ngay từ ban đầu, các Bệnh viện điều trị COVID-19 của tỉnh đã áp dụng mô hình 3 tầng điều trị.
Đối với tầng 1, gồm các bệnh nhận không triệu chứng hoặc bệnh nhẹ, một bệnh viện đã được thiết lập, có thể tiếp nhận khoảng 1.000 giường với đầy đủ cơ sở vật chất trang thiết bị. Đặc biệt là đầy đủ đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên chăm sóc cũng như đảm bảo công tác hậu cần và an ninh trật tự.
Tầng thứ 2 gồm những người có triệu chứng trung bình và nặng, chúng tôi đã thiết lập 3 bệnh viện để điều trị, đó là Bệnh viện dã chiến Hương Sơ, Bệnh viện Chân Mây và Bệnh viện Bình Điền; 3 bệnh viện này có thể đáp ứng 400 giường bệnh, khi cần có thể tăng lên 500 giường.
Đối với tầng 3, tỉnh cũng đã xác định BV TW Huế cơ sở 2 sẽ là nơi tiếp nhận và điều trị những trường hợp bệnh nặng và nguy kịch. Hiện tại cả ba tầng điều trị này có thể tiếp nhận được khoảng 2.000 bệnh nhân COVID -19.
Đối với xét nghiệm test nhanh kháng nguyên, tỉnh đã trang cấp đủ cơ số test nhanh kháng nguyên cho các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố, chốt kiểm soát y tế, khu cách ly tập trung phục vụ công tác xét nghiệm sàng lọc COVID-19 theo các hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngoài ra, tỉnh cũng đã huy động sự tham gia của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trong công tác xét nghiệm test nhanh tại chốt kiểm soát y tế và tại các đơn vị khám chữa bệnh.
Đối với xét nghiệm RT-PCR, hiện tại riêng Sở Y tế có 3 phòng xét nghiệm sàng lọc COVID-19 với 5 máy xét nghiệm RT-PCR, mỗi ngày có thể thực hiện lên đến 15.000 mẫu. Ngoài ra còn có hệ thống xét nghiệm sinh học phân tử tại BV TW Huế và Trường Đại học Y Dược Huế được được Bộ Y tế thẩm định có thể xét nghiệm khẳng định COVID-19.
Nếu kết hợp với BV TW Huế và Trường Đại học Y dược Huế thì tỉnh Thừa Thiên Huế có thể thực hiện xét nghiệm RT- PCR được trên 25.000 mẫu/ngày.
Chúng tôi cũng dự báo được tình hình dịch như thế nào để có kế hoạch chuẩn bị tốt cho việc xét nghiệm sàng lọc COVID-19 trong thời gian sắp tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương (giữa), PGS. TS Trần Kiêm Hảo (trái) kiểm tra cơ sở cách ly COVID-19 không triệu chứng.
Cho đến nay, toàn tỉnh đã nhận được 140.458 mũi tiêm trên tổng số vacine Bộ Y tế dự kiến cung cấp cho tỉnh từ đây đến cuối năm là trên 1.481.288 mũi.
Như vậy, tỉnh Thừa Thiên Huế mới chỉ được phân bổ vaccine đạt tỉ lệ 9,48%. Với số vaccine nhận được như vậy, tỉnh đã triển khai thực hiện tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP và Quyết định số 3355/QĐ-BYT.
Đến nay đã có 55.392 người được tiêm 1 mũi vaccine COVID-19 và 42.422 người được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Tỉnh đang tiếp tục triển khai tiêm chủng đảm bảo tiến độ và an toàn tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế.
Đến bây giờ, nguồn vaccine cung cấp cho tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạt 9,48% so với tỷ lệ phân bổ vaccine trên dân số từ 18 tuổi trở lên cần phải đạt được của tỉnh là 92%. Chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế quan tâm phân bổ thêm vaccine phòng COVID-19 cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian đến.
Tính đến tối 7/9, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 725 ca F0 (từ tỉnh/thành phố khác chuyển đến 7 ca). Hiện đang điều trị 326 ca; đã được điều trị khỏi 396 ca; 3 ca tử vong. F1 đang cách ly là 1.022, tổng từ ngày 28/4 đến nay 3.533. F2 đang cách ly là 4.036, tổng từ ngày 28/4 đến nay 17.139. Các trường hợp đang cách ly tại các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung và nơi lưu trú 6.424 trường hợp. Trong đó, cách ly tại cơ sở y tế 4; cách ly tại nơi lưu trú 4.677; tại cơ sở cách ly tập trung 1.604; giám sát người hoàn thành cách ly tập trung trở về địa phương tại các huyện, thị xã là 139. |