Tiên phong chuyển đổi số
Thời gian qua, các cơ sở y tế tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám chữa bệnh, góp phần rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh, đồng thời quản lý được các thông tin, dữ liệu khám bệnh.
Theo Sở Y tế Hà Nội, 100% bệnh viện trên địa bàn Thành phố đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin HIS; 37/41 bệnh viện đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS); 27/41 bệnh viện đã trang bị hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS) kết nối liên thông kết quả các khoa phòng, hội chẩn liên khoa, báo động đỏ nội viện…
Các bệnh viện không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ nhân dân. (Ảnh: Thiện Tâm)
Đặc biệt, các bệnh viện cũng thành lập các nhóm Zalo sẵn sàng tiếp nhận, hội chẩn các ca bệnh khó từ xa. Đồng thời, nhiều bệnh viện đã sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trong khám chữa bệnh, thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khám qua Face ID, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) và ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VssID) khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Điển hình như Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, điểm sáng trong chuyển đổi số của ngành Y tế Thủ đô. Hiện, Bệnh viện đã đặt lịch khám online, đăng ký khám bệnh bằng Face ID và CCCD; sử dụng hệ thống PACS trong X-Quang, thông báo kết quả xét nghiệm online... Điều này đã giúp thời gian khám tại bệnh viện chỉ còn 1,5 giờ thay vì 3 giờ như trước đây.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Oanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang: Chuyển đổi số là số hóa các quy trình khám chữa bệnh trong Bệnh viện. Bệnh nhân vào Bệnh viện, bắt đầu từ cổng đến lúc bệnh nhân khám xong ra về (kể cả khám nội trú hay khám ngoại trú), thì cũng đều theo một quy trình nhất định. Bệnh viện đã triển khai nhiều nội dung để số hóa các quy trình, công đoạn từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc khám để giúp thuận tiện nhất cho người bệnh.
Nếu như khám theo quy trình cũ, bệnh nhân phải đi xếp hàng lấy số, đặt sổ, có những bệnh nhân ở xa phải đi từ 4 - 5 giờ sáng. Có những bệnh nhân phải lấy mẫu xét nghiệm nên phải nhịn ăn, bệnh nhân phải chờ rất lâu, điều này trở thành rào cản gây bức xúc cho người bệnh. Tuy nhiên, từ khi Bệnh viện triển khai khám theo hẹn đối với bệnh nhân bệnh mạn tính, thì 100% bệnh nhân được bác sĩ khám sẽ hẹn khám cho lần sau luôn.
Được biết, từ ban đầu là hẹn lịch khám cho bệnh nhân có bệnh mạn tính. Sau này Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiến hành hẹn tái khám cho tất cả các bệnh nhân. Đến nay, 100% bệnh nhân đến khám ngoại trú tại Bệnh viện đều được khám theo lịch hẹn trước đó.
Đặc biệt, Đức Giang cũng là một trong những bệnh viện tiên phong ứng dụng công nghệ Face ID nhận diện người bệnh khi đăng ký khám bệnh. Theo đó, Face ID là công nghệ bảo mật sinh trắc học bằng nhận diện khuôn mặt. Với mong muốn chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân, Bệnh viện đã ứng dụng công nghệ tiên tiến này cho người dân khi tới đăng ký khám bệnh.
Người bệnh và bác sĩ đều được hưởng lợi
Tương tự, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng đã và đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác khám chữa bệnh để nâng cao sự hài lòng của người dân khi đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện. Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng đã đưa vào sử dụng hệ thống 5 Kiost đăng ký khám bệnh CCCD và nhận diện khuôn mặt. Công nghệ Kiost tự phục vụ - cung cấp các dịch vụ đăng ký khám tự động thông qua các thiết bị thông minh giúp giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp đón bệnh nhân qua Face ID.
Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và một số bệnh viện của Hà Nội như: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức,…đã triển khai bệnh án điện tử đem lại nhiều lợi ích cho cả bác sĩ và người bệnh.
Theo đó, với sự hỗ trợ của công nghệ, bác sĩ ngồi phòng khám có thể dự kiến hôm nay khám bao nhiêu bệnh nhân theo hẹn; có thể kiểm tra được lịch sử của bệnh nhân để có được những thông tin nhất định về tình hình sức khỏe của người bệnh, để khi bệnh nhân đến sẽ chủ động hơn trong việc tương tác với bệnh nhân, đưa ra quyết định thuốc chính xác hơn.
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã giúp các bệnh viện ngày càng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, góp phần giảm tỷ lệ chuyển tuyến, từng bước giảm tải cho tuyến trung ương.
Là một trong những bệnh nhân được hưởng lợi từ việc chuyển đổi số của ngành Y tế Hà Nội, ông Dương Văn Tiến (ở Hà Nội) chia sẻ: Hiện nay, việc khám bệnh tại các cơ sở y tế trong viện rất nhanh gọn, thuận tiện. Trước đây, mỗi lần đi khám bệnh mất rất nhiều thời gian, thậm chí người dân phải xếp hàng từ sáng sớm để đặt sổ khám. Nhưng hiện nay, khi đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chỉ cần một vài thao tác trên điện thoại, nhiều thủ tục đã được giải quyết nhanh gọn từ khâu đăng ký khám bệnh đến việc thanh toán viện phí.