Theo lý giải của Tổng chủ biên chương trình mới thì việc triển khai chương trình với lớp 10 không quá phức tạp. Song với những người trực tiếp thực hiện chương trình là các nhà trường, giáo viên, việc tổ chức dạy học môn tự chọn như thế nào đang là câu hỏi rối bời trong khi thời gian đang rất gấp ở phía trước.
Khó đảm bảo đội ngũ giáo viên
Từ nay cho tới khi chương trình mới bắt đầu với lớp 10 chỉ còn khoảng 5 tháng nữa. Thời gian chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình không còn nhiều nhưng tới thời điểm này đa số phụ huynh, học sinh vẫn mơ hồ, chưa hiểu sẽ lựa chọn tổ hợp môn học ra sao trong 3 năm học bậc THPT.
Trong khi đó, bản thân các nhà trường, giáo viên cũng đang lúng túng trong việc triển khai dạy môn tự chọn như thế nào, bố trí giáo viên ra sao.
Hiệu trưởng của một trường THPT tại Hà Nội cho rằng, việc đưa ra quá nhiều môn tự chọn, bản thân giáo viên, nhà trường còn bối rối nên phụ huynh và học sinh mơ hồ cũng không có gì lạ.
Một giờ học của cô và trò Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Hiệu trưởng này cũng chia sẻ lo lắng rằng, đội ngũ giáo viên nhà trường không đủ đáp ứng việc triển khai môn tự chọn. Vì vậy, để tổ chức dạy môn tự chọn cần phải sắp xếp giáo viên khéo kéo dựa vào tình hình thực tế đội ngũ của nhà trường. Bên cạnh đó, dựa vào đăng ký lựa chọn của học sinh, nhà trường sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp.
'Năm đầu tiên thực hiện chương trình mới chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn nên việc bố trí giáo viên dạy các môn tổ hợp của trường cần liệu cơm gắp mắm', hiệu trưởng này cho hay.
Tại Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) - trường tự chủ tài chính, việc cho học sinh chọn tổ hợp môn đã được nhà trường thực hiện từ nhiều năm học trước. Cô Lê Thị Hồng Hạnh, Tổ trưởng Tổ Ngữ Văn nhà trường cho biết, nhà trường đang chuẩn bị và sẵn sàng cho việc thực hiện chương trình 2018 với lớp 10 trong năm học 2022 - 2023.
Theo cô Hạnh, hiện tại nhà trường đã hoàn thiện chương trình dạy học, chờ học sinh đăng ký nguyện vọng tổ hợp môn tự chọn để sắp xếp đội ngũ.
Cho rằng việc chương trình mới có hàng trăm tổ hợp môn lực chọn là xu hướng tất yếu của giáo dục hiện đại, phát huy tốt năng lực của học sinh, song cô Hạnh nhìn nhận, việc này sẽ gây khó khăn với các trường công lập.
Bởi vốn dĩ số học sinh các trường công đông, học sinh chỉ học 1 buổi/ngày nên sẽ khó khăn cho các trường trong việc sắp xếp cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cũng chưa được chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Không thể ép học sinh
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Bách Tùng, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Thông Nguyên (Hà Giang) cho biết, để triển khai chương trình mới, các trường trên địa bàn tỉnh đang vướng mắc về đội ngũ. Hiện nay, hầu hết các trường đang thiếu giáo viên dạy môn nghệ thuật là Âm nhạc và Mỹ thuật. Đây là hai môn học rất mới của bậc THPT, các trường không có giáo viên dạy học môn này.
Theo ông Tùng, trường Thông Nguyên là trường gồm 2 cấp học nên việc bố trí giáo viên dạy 2 môn học này ở bậc THPT sẽ thuận lợi hơn so với các trường THPT. Một số trường đang đưa ra giải pháp huy động giáo viên ở một số trường THCS để dạy môn Âm nhạc và Mỹ thuật với lớp 10.
Theo khảo sát của nhà trường, hầu hết các em học sinh lớp 9 đều lựa chọn nhóm môn Khoa học xã hội, rất ít em chọn nhóm môn Khoa học tự nhiên. Ông Tùng bày tỏ băn khoăn về tình trạng thừa - thiếu giáo viên khi chương trình mới bắt đầu. Vì vậy, nhà trường dự kiến, nếu giáo viên dạy nhóm môn Khoa học tự nhiên tới đây ít giờ dạy thì sẽ được điều xuống dạy bậc THCS.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, giải pháp căn bản nhất hiện nay là các trường phải làm tốt công tác định hướng cho học sinh, phụ huynh.
'Quyền lợi của học sinh là được lựa chọn các tổ hợp môn tự chọn. Thầy cô không thể ép các em không được chọn tổ hợp này hay tổ hợp kia. Thay vào đó là các trường THCS nên định hướng cho các trò lựa chọn môn học phù hợp với nghề nghiệp các em yêu thích sau khi tốt nghiệp THPT', ông Tùng cho biết.
Đồng quan điểm, ông Lưu Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sỹ Liên (Bắc Giang) cho rằng, nếu để học sinh lựa chọn tổ hợp môn theo tùy thích thì nhà trường không thể đáp ứng được. Vì vậy, thời điểm này, vai trò định hướng của các trường là rất quan trọng.
Để chuẩn bị thực hiện chương trình mới, Trường THPT Ngô Sỹ Liên đang rà soát cơ sở vật chất để bổ sung, mua sắm những danh mục còn thiếu. Bên cạnh đó, căn cứ vào nguồn giáo viên hiện có, nhà trường xây dựng phương án dạy học cho năm học tới với lớp 10.
Với việc tổ chức, phân phối các môn học như chương trình mới đưa ra với lớp 10 thì học sinh sẽ có đến 108 cách lựa chọn tổ hợp môn. Theo ông Xuân, việc bố trí giáo viên dạy các môn tự chọn sẽ là khó khăn chung với các trường THPT, bởi các thầy cô bộ môn cơ bản đã ổn định từ trước tới nay.
'Việc cần làm thời điểm này là định hướng cho học sinh lựa chọn nhóm môn học phù hợp với điều kiện đội ngũ của nhà trường để làm sao có thể bố trí tất cả các thầy cô đều có thể lên lớp mà không để thầy cô nào có thời gian trống. Đây không phải việc làm dễ dàng', ông Xuân nêu quan điểm.
Không chỉ băn khoăn về tổ hợp môn tự chọn, nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên đặt câu hỏi rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây sẽ thay đổi như thế nào trong bối cảnh chương trình mới có hàng trăm sự lựa chọn môn học và nhiều sách giáo khoa khác nhau.
Trước khi chương trình mới bắt đầu với lớp 10, những người trong cuộc đang mong chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ GDĐT để giải tỏa lo lắng, vướng mắc cho học sinh và nhà trường, chuẩn bị sẵn tâm thế thực hiện chương trình mới trong năm học tới.