Mùa tuyển sinh 2023, các trường đại học tiếp tục đưa ra nhiều phương thức xét tuyển. Hầu hết các trường đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét kết quả thi đánh giá năng lực, xét điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc dựa vào điểm học bạ kết hợp với thi tuyển năng khiếu (đối với các ngành năng khiếu) và các phương thức kết hợp khác.
Dồn sức ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới nhưng Trịnh Minh Châu, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho biết, em chưa có quyết định đặt các nguyện vọng xét tuyển đại học.
Theo Châu, để tăng cơ hội trúng tuyển đại học, em đã dự thi kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời đã nộp hồ sơ xét học bạ vào một số trường.
“Bên cạnh cố gắng đạt điểm cao ở kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới thì việc chọn thêm các phương thức xét tuyển khác khiến em yên tâm hơn”, Châu nói.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của trường đại học.
Mong muốn được xét tuyển thẳng vào một số trường đại học nên từ đầu năm học lớp 10, em Nguyễn Duy Hưng, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội) đặt mục tiêu thi chứng chỉ IELTS. Dù đạt chứng chỉ IELTS 6.0 điểm nhưng Hưng chưa đủ điều kiện xét tuyển thẳng vào trường đại học mà em yêu thích nhất. Thế nên Hưng dự phòng thêm phương án thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội.
Vừa ôn thi tốt nghiệp, vừa thi chứng chỉ ngoại ngữ, thi đánh giá năng lực, Hưng cho biết, em bị nhiều áp lực trong học tập.
Ôm đồm nhiều phương thức xét tuyển khiến học sinh tự tạo cho mình áp lực không đáng có. Các chuyên gia cho rằng, thí sinh cần tìm hiểu nắm vững lợi thế của từng phương thức xét tuyển để đưa ra quyết định đúng hướng, quan trọng nhất vẫn là kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Xét kết quả học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, ưu tiên xét tuyển... là những phương thức tuyển sinh không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên khi thí sinh tốt nghiệp THPT, có điểm thi, lúc đấy các em đăng ký nguyện vọng lên hệ thống chung của Bộ GDĐT.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT cho biết, theo quy định, sau khi đăng kí xét tuyển sớm vào các trường đại học, thí sinh phải đăng kí trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GDĐT, sắp xếp thứ tự nguyện vọng ưu tiên từ 1 đến hết.
Thí sinh có thể trúng tuyển vào nhiều trường, nhưng chỉ trúng tuyển duy nhất 1 trường. Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ sẽ giúp lọc các thí sinh ảo.
Thông tin về những điểm mới trong mùa tuyển sinh năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển theo ngành chứ không đăng ký xét tuyển theo phương thức như các năm trước. Thí sinh chỉ cần quan tâm mình muốn vào ngành nào, rồi đăng ký mã ngành (hoặc chương trình đào tạo) đó mà không cần băn khoăn sẽ phải sử dụng phương thức nào.
Theo đánh giá của Bộ GDĐT, năm 2022, một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển. Một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học. Trong đó nhiều phương thức tuyển sinh chỉ thu hút chưa đến 1% số thí sinh tham gia; phương thức xét tuyển qua phỏng vấn không có thí sinh nhập học.
Trong khi đó, vẫn còn một số thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển, gặp một số khó khăn trong truy nhập Hệ thống nộp lệ phí trực tuyến.
Năm nay, Bộ GDĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển; đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển.
Bộ cũng yêu cầu các trường loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả; có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển; phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định; nghiên cứu sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT làm điều kiện sơ tuyển.