Học sinh chụp đề thi khi học thêm tại nhà nữ giáo viên ra đề thi
Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum vừa có văn bản gửi Công an tỉnh này vào cuộc điều tra, làm rõ nghi vấn lộ đề thị môn Tiếng Anh, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, tối ngày 2/6, sau khi kết thúc môn thi Tiếng Anh, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024, Sở này phát hiện trên mạng xã hội zalo, facebook có dư luận lộ đề thi môn Tiếng Anh, kèm theo bản chụp nội dung gần giống đề thi môn Tiếng Anh.
Sáng 4/6, tiến hành làm việc với các giáo viên ra đề thi môn Tiếng Anh. Cuộc làm việc này có mặt 2/3 người, 1 người vắng mặt do đi công tác ngoài tỉnh.
Thí sinh dự thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 tại tỉnh Kon Tum (Ảnh minh họa).
Tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Hương, giáo viên Trường THCS Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum, (một trong số người ra đề thi) thừa nhận có một học sinh học lớp 9, Trường THCS Nguyễn Huệ, đang học thêm tại nhà riêng bà Hương đã chụp đề thi từ máy in tại nhà bà Hương. Bà Phạm Thị Hương khẳng định không tự sao, chụp đề cho học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đã cung cấp các thông tin ban đầu liên quan đến nghi vấn lộ đề thi môn Tiếng Anh cho cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh Kon Tum) làm nhiệm vụ bảo vệ ban ra đề thi tại kỳ thi. Đồng thời đề nghị Công an tỉnh Kon Tum điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc, những cá nhân có liên quan, phạm vi ảnh hưởng của việc lộ đề thi môn Tiếng Anh để có cơ sở báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 phù hợp.
Nữ giáo viên có bị xử lý?
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ có gian lận tiêu cực trong việc lộ đề thi hay không để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 không được xếp vào loại tài liệu mật, tuy nhiên vẫn phải được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Theo Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 19/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ, các tài liệu thuộc dạng tối mật trong lĩnh vực giáo dục bao gồm: Đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức, đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai; Thông tin về người thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu được cử đi đào tạo trong nước và nước ngoài cần được bảo vệ theo yêu cầu của bên cử đi đào tạo.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện nay, chỉ có đề thi và đáp án của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia mới thuộc danh mục tài liệu bí mật nhà nước, thuộc loại "tối mật", người nào làm lộ đề thi tốt nghiệp THPT sẽ bị xử lý hình sự về tội làm lộ bí mật nhà nước.
Đối với đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, theo quy định của pháp luật hiện không được xếp vào loại tài liệu mật nên không được bảo vệ theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Hành vi làm lộ đề thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng không bị xử lý hình sự về tội làm lộ bí mật nhà nước.
Dù đề thi, đáp án của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 PTTH không phải là tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước, nhưng cũng là những thông tin tài liệu cần phải được bảo vệ để đảm bảo công bằng. Do đó, nếu cơ quan chức năng phát hiện đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà làm trái công vụ), hành vi này vẫn có thể bị xử lý hình sự theo điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Một điều cần lưu ý, đề thi của các giáo viên chưa phải là đề thi chính thức. Khi được lựa chọn trở thành đề thi chính thức, được áp dụng các biện pháp để bảo mật thông tin, khi đó người vi phạm về quy định bảo mật mới bị xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp đề thi đó là do giáo viên tự biên soạn, chưa được lựa chọn trở thành đề thi tuyển sinh hay để thi tốt nghiệp thì chưa có quy định bảo mật, chưa bắt buộc phải bảo mật theo quy định của pháp luật. Vì vậy cơ quan chức năng sẽ làm rõ đề thi này được xây dựng từ khi nào, đã được xác định là đề thi chính thức trước khi bị lộ hay chưa, việc làm lộ này là vô tình hay có chủ đích, đánh giá hậu quả của hành vi này đã gây ra để xem xét trách nhiệm pháp lý (nếu có).
Trường hợp nội dung tường trình của nữ giáo viên là đúng, đề thi này được giáo viên biên soạn trước khi được lựa chọn trở thành đề thi tuyển sinh và vô tình học sinh chụp được, đây cũng là bài học rút kinh nghiệm trong công tác và đề, lựa chọn đề và bảo vệ đề thi trong các kỳ thi quốc gia như thế này.
Trong trường hợp hành vi được xác định là có lỗi của giáo viên hoặc cơ sở giáo dục gây ra thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, thiệt hại đến quyền lợi của học sinh thì cần phải xem xét trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật, trong đó không loại trừ trường hợp sẽ xử lý kỷ luật và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có.
'Nếu ở mức độ nghiêm trọng có lỗi cố ý, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ thì còn có thể xem xét xử lý hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đối với người vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội', luật sư Cường cho hay.