Dầu khí đang là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, được ưu ái tại Việt Nam. Kể từ khi hình thành và phát triển, ngành Dầu khí đã góp phần đưa nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như hội nhập nền kinh tế toàn cầu.
Từ năm 2015 đến nay, tổng doanh thu sản xuất kinh doanh Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN đạt khoảng 500 nghìn tỉ đồng, có thời cao điểm trên 850 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách trung bình hằng năm chiếm khoảng 11 - 13% tổng thu ngân sách, có thời điểm lên đến 22 - 25%. Riêng dầu thô đóng góp cho ngân sách Nhà nước từ 5 - 6%, đóng góp GDP khoảng 11%, cao điểm đến 20 - 22% GDP.
Do là ngành kinh tế mũi nhọn nên ngành Dầu khi luôn cần một lượng lớn nhân lực. Được biết mức lương của ngành này thuộc dạng khủng so với mặt bằng thu nhập chung hiện nay. Càng chăm chỉ, có chuyên môn cao, mức lương bạn nhận được càng tương xứng.
Dầu khí là ngành kinh tế mũi nhọn. (Ảnh minh họa)
Ngành dầu khí học những gì?
Ngành Dầu khí là ngành kỹ thuật liên quan đến các hoạt động sản xuất khai thác dầu mỏ và khí đốt. Ngành này gồm nhiều chuyên ngành như: Kỹ thuật dầu khí, Kỹ thuật địa chất, Kỹ thuật hóa học,...
Với ngành kỹ thuật dầu khí nói riêng, đây là tổ hợp kỹ thuật bao gồm các hoạt động phân tích, thiết kế, nghiên cứu và xử lý các vấn đề thuộc kỹ thuật dầu khí như: Địa chất dầu khí, Tìm kiếm - thăm dò dầu khí; Kỹ thuật khoan - khai thác và công nghiệp dầu khí,... Phần lớn các sản phẩm của ngành công nghiệp này là dầu nhiên liêu và xăng. Dầu mỏ là nguyên liệu thô dùng để sản xuất các sản phẩm hóa lọc như dược phẩm, dung môi, phân bón, thuốc trừ sâu và nhựa tổng hợp,...
Khi theo học ngành Kỹ thuật dầu khí, sinh viên được trang bị kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về các loai khoáng vật, đá cơ bản trong khảo sát thực địa, theo dõi địa chất giếng khoan.
Phân tích và xử lý số liệu, vẽ bản đồ, biểu đồ, mặt cắt thuộc chuyên ngành từ các nguồn tài liệu khác nhau như tài liệu giếng khoan, bản đồ và mặt cắt địa chất, mặt cắt địa chấn, tài liệu theo dõi khai thác, phương án tìm kiếm, thăm dò, lập báo cáo về cơ sở địa chất giếng khoan và cùng với các kỹ sư khoan để thành lập Thiết đồ địa chất kỹ thuật giếng khoan.
Lập báo cáo tổng kết giếng khoan; đánh giá tiềm năng dầu khí và tính trữ lượng dầu khí của các đối tượng nghiên cứu.
- Phân tích tổng hợp, các nguồn tài liệu khác nhau để xây dưng mô hình địa chất tầng chứa và các sản phẩm phục vụ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác và phát triển mỏ dầu khí.
- Nghiên cứu, phân tích hiện trạng khai thác của mỏ ở từng giếng và cụm giếng khoan để tìm ra các nguyên nhân địa chất và công nghệ làm suy giảm lưu lượng khai thác dầu và làm tăng lượng nước khai thác, làm cơ sở để đưa ra các giải pháp gia tăng lưu lượng và năng cao hệ số thu hồi dầu. Minh giải tài liệu địa chấn, mô hình hóa đá sinh dầu khí và mô hình hóa tầng chứa.
Hiện tại bạn có thể theo học ngành Dầu khí tại các trường sau: Đại học Dầu khí Việt Nam; Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM; Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng; Đại học Mỏ Địa chất.
Trường Đại học Dầu khí Việt Nam.
Những cơ hội việc làm trong ngành dầu khí
Ngành dầu khí nói chung hay lĩnh vực Kỹ thuật dầu khí nói riêng có rất nhiều công việc phù hợp với khả năng của từng người. Bạn có thể sẽ được làm việc ở các viện nghiên cứu đúng chuyên ngành cùng với những máy móc, thiết bị hiện đại hay tại các phòng thí nghiệm mang tầm cỡ quốc tế.
Hoặc bạn cũng có thể là nhân viên làm việc tại các giàn khoan, khai thác dầu khí trên biển với hệ thống máy móc thiết bị chuyên nghiệp. Một số công việc của sinh viên tốt nghiệp ngành Dầu khí có thể kể đến như: Nhà nghiên cứu khoa học; Kỹ sư và Kỹ thuật viên thực hành; Nhà tư vấn, nhà quản lý, nhân viên giàn khoan...; làm việc tại các Tổng công ty dầu khí Việt Nam; các công ty liên doanh và điều hành chung; các công ty dầu khí đa quốc gia; các công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí quốc tế; các trường đại học, viện dầu khí; xí nghiệp khoan và khai thác nước ngầm,...
Mức lương ra trường của sinh viên ngành Dầu khí
Theo Tiến sĩ Tạ Quốc Dũng - phó khoa phụ trách đào tạo, khoa kỹ thuật địa chất – dầu khí, ĐH Bách khoa TP. HCM, hơn 50% kỹ sư dầu khí ra trường đều có việc làm phù hợp với nguyện vọng.
Ông Dũng cho biết thêm ở ngành này, tùy các bạn trẻ làm việc cho công ty, doanh nghiệp trong hay ngoài nước mà mức lương khởi điểm sẽ dao động từ 500 - 1.000 USD/ tháng (khoảng 11 - 23 triệu đồng). 'Có trường hợp sau năm năm đi làm, có những cựu sinh viên bách khoa làm dầu khí có mức thu nhập trên 10.000 USD/tháng (khoảng 230 triệu đồng). Đây là những người thực lực xuất sắc, giỏi tiếng Anh và có trình độ kỹ năng mềm đạt theo chuẩn quốc tế' – tiến sĩ Dũng nói. Kỹ năng mềm đó là năng lực lãnh đạo, khả năng thuyết trình, xử lý tình huống, điều hành nhóm…
Đánh giá về thị trường lao động ngành dầu khí, theo ông Dũng, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành này ở hiện tại và tương lai ít nhất 5-10 năm tới rất dồi dào bởi ở nước ta hiện nay đang tiếp tục mở rộng khai thác dầu tại các mỏ nhỏ và các dự án hợp tác với đối tác nước ngoài ngày càng tăng. Song ông Dũng lưu ý: nghề này áp lực cạnh tranh rất cao, phải thật sự giỏi nghề và yêu nghề mới trụ vững.