Việc chấm thi đã được triển khai theo đúng tiến độ với cách làm chặt chẽ, an toàn, nghiêm túc, bảo đảm đúng quy chế.
Gửi dữ liệu điểm thi về Bộ GD-ĐT
Ông Hồ Giang Long, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình, cho biết hội đồng thi tỉnh này đã huy động 17 người tham gia ban làm phách, 84 người ban chấm thi tự luận và 21 người ban chấm thi trắc nghiệm.
Ban chấm thi tự luận bắt đầu làm việc từ ngày 11 đến 16-7. Riêng chấm thi kiểm tra, Quảng Bình đã bố trí 4 cán bộ tại 1 phòng để thực hiện chấm kiểm tra từ ngày 12 đến 15-7 theo quy trình và tiến độ của ban chấm thi.
Tỉ lệ bài chấm kiểm tra đạt 6,54% (717/10.964 bài), trong đó có 8 bài thay đổi điểm. Dữ liệu điểm thi đã được địa phương gửi về Bộ GD-ĐT chiều 19-7.
Thời gian tới, sau khi Bộ GD-ĐT tải điểm lên hệ thống quản lý thi, Sở GD-ĐT sẽ tiến hành đối sánh kết quả và công bố điểm đúng thời gian quy định.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra khâu chấm thi tốt nghiệp THPT tại nhiều địa phương trong những ngày qua Ảnh: MINH THU
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị Lê Thị Hương, tỉnh này cũng đã hoàn thành chấm thi tự luận vào chiều 18-7, hoàn thành chấm thi trắc nghiệm hôm 19-7.
Tại Thừa Thiên - Huế, khâu chấm bài thi trắc nghiệm đã hoàn thành ngày 18-7 và sáng 20-7 hoàn thành chấm bài thi tự luận. Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Tân cho biết việc chấm thi thực hiện đúng theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Nghệ An là địa phương hoàn thành việc chấm thi sớm nhất cả nước vào ngày 17-7. Tỉnh này đã huy động hơn 400 cán bộ tham gia chấm bài thi của 36.743 thí sinh, trong đó 41 người chấm bài trắc nghiệm và 324 người tham gia ban chấm thi tự luận.
Theo ông Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Bình, địa phương này đã hoàn thành khâu chấm thi từ ngày 18-7. Số bài thi môn tự luận bị chênh lệch điểm số phải chấm lại lần 3 hầu như không có.
Các cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi của tỉnh đã nghiên cứu kỹ đáp án chung của Bộ GD-ĐT. Các môn trắc nghiệm được chấm trên hệ thống máy mới, đúng quy chế, quy trình.
Phú Thọ cũng đã hoàn thành việc chấm thi tự luận. Hội đồng thi tỉnh này chấm tự luận môn ngữ văn với 15.653 bài và 44.628 bài thi trắc nghiệm. Phú Thọ đang đợi Bộ GD-ĐT cấp mã, mở cổng thông tin để nhập liệu điểm thi. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ hoàn thành việc chấm thi và nhập liệu vào ngày 22-7.
Tại Bắc Giang, ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết đã huy động 202 cán bộ tham gia ban chấm thi tự luận và 21 cán bộ chấm thi trắc nghiệm. Bắc Giang đã hoàn tất chấm thi cho hơn 20.600 thí sinh của tỉnh.
Từ ngày 19 đến 21-7, hội đồng thi tỉnh Thanh Hóa đã nhập điểm bài thi tự luận trên phần mềm. Do số lượng bài thi lớn nên việc tổ chức nhập điểm bài tự luận được thực hiện trên 8 máy tính.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thi Hà Nội, việc chấm thi đang được triển khai khẩn trương. Hà Nội đã huy động gần 700 giáo viên của các trường THPT làm nhiệm vụ chấm thi.
Hà Nội có 98.000 bài thi môn ngữ văn, 273.000 bài thi trắc nghiệm của của các môn toán, tổ hợp khoa học tự nhiên, tổ hợp khoa học xã hội và ngoại ngữ. Trong đó, môn toán có số lượng bài thi lớn nhất với gần 96.000 bài.
Bảo mật thông tin sau khi đã khớp phách
Báo cáo công tác chấm thi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ ngày 20-9, lãnh đạo Sở GD-ĐT 9 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đều cho hay đến thời điểm này, việc chấm thi đã được triển khai đúng tiến độ. Việc chấm thi diễn ra chặt chẽ, an toàn, nghiêm túc, bảo đảm đúng theo quy chế, sẵn sàng để công bố điểm vào ngày 24-7.
Kiểm tra tại nhiều địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận việc chấm thi được tổ chức chặt chẽ, bài bản, đúng quy chế và bảo đảm tiến độ. Từ việc ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đến vấn đề xây dựng kế hoạch đều tốt, triển khai thực hiện nghiêm túc; công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh yêu cầu chấm chính xác, công bằng, khách quan, trung thực. Trong đó, việc chấm kiểm tra ít nhất 5% với các bài thi đã khớp điểm và các bài thi điểm cao... là rất cần thiết. 'Càng làm tốt việc này thì công đoạn chấm phúc khảo về sau càng nhẹ nhàng hơn' - Thứ trưởng nhận xét.
Trong thời gian tiếp theo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu các địa phương quán triệt sâu sắc việc bảo mật thông tin sau khi đã khớp phách, rà soát kỹ để chuẩn bị cho việc đối sánh dữ liệu, gửi dữ liệu kết quả thi về Bộ GD-ĐT chậm nhất vào ngày 22-7.
Đồng thời, thực hiện chế độ bảo lưu theo đúng quy định. Cùng với đó, chuẩn bị các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin để công bố điểm thi bảo đảm thông suốt, tránh nghẽn mạng.
Chấm phúc khảo kỹ lưỡng
Về chấm phúc khảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý các địa phương cần chuẩn bị kỹ lưỡng. Thời gian thu nhận đơn và lập danh sách phúc khảo là từ ngày 24-7 đến 3-8. Sau đó, tiến hành chấm để hoàn thành phúc khảo bài thi chậm nhất ngày 14-8.