Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021 được dự báo cũng sẽ rất sôi động với nhiều phương thức tuyển sinh tại các trường. Ảnh minh họa: Q.Anh
Giảm dần chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp
Khác với những năm trước, phương án tuyển sinh của các trường đại học hướng đến đa dạng phương thức tuyển sinh, trong đó giảm dần chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp để chủ động trong tuyển sinh.
Bởi sau một kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 lập nhiều kỷ lục về điểm thi cũng là cách 'làm khó' các trường trong tuyển chọn các thí sinh có chất lượng. Cụ thể, ĐH Quốc gia TPHCM dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 thành 2 đợt. Kỳ thi dự kiến giữ ổn định như các năm trước về cách thức tổ chức thi, hình thức làm bài và cấu trúc đề thi.
Ngày 11/12, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) công bố phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2021. Năm nay, trường dự kiến tuyển 3.500 chỉ tiêu (26 ngành đào tạo). Theo ThS Hoàng Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông HUFI, trường dự kiến duy trì 4 phương thức tuyển sinh trong năm 2021 gồm: Xét tuyển học bạ THPT các năm; xét tuyển thí sinh theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021; xét tuyển thí sinh theo kết quả điểm bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP HCM năm 2021 và Xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GD&ĐT.
Trong đó, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT trường dành tối đa 50% chỉ tiêu. Riêng phương thức xét tuyển học bạ (40% chỉ tiêu) sẽ có điều chỉnh về cách thức xét tuyển. Cụ thể, nhà trường sử dụng điểm trung bình cộng của tổ hợp môn xét tuyển, ứng với từng ngành xét tuyển của 3 năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên hoặc tổng điểm lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển, ứng với từng ngành xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên.
Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) đã công bố Đề án tuyển sinh ĐH chính quy dự kiến năm 2021. Theo đó, trường dự kiến mở thêm 5 ngày đào tạo mới, xét tuyển 6.600 chỉ tiêu trình độ ĐH chính quy theo 4 phương thức xét tuyển độc lập, gồm: 65% tổng chỉ tiêu xét tuyển đối với phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021; 5% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM và 30% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ THPT.
Cần tạo điều kiện cho thí sinh trong tuyển sinh
Trước việc một số trường đại học công bố phương án tuyển sinh theo nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, trong đó nhiều trường dự kiến áp dụng kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra 'đầu vào' trong tuyển sinh đại học năm 2021, TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho rằng, các trường mở rộng phương án tuyển sinh để tránh lệ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT cũng là điều dễ hiểu, bởi với những tiêu chí và đặc điểm riêng của chuyên ngành đào tạo mà có phương án tuyển sinh phù hợp, tuyển chọn các thí sinh có chất lượng. Đây cũng là cơ hội cho các thí sinh được tham gia tuyển sinh và được tuyển chọn vào các trường phù hợp với năng lực của bản thân.
Tuy nhiên, theo TS Lê Viết Khuyến: 'Các trường được tự chủ trong tuyển sinh, đồng nghĩa với có thể lựa chọn thi tuyển, xét tuyển, thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Tuy nhiên, việc tổ chức các hình thức thi tuyển, đánh giá năng lực nên chỉ tổ chức ở những trường 'tốp đầu' để lựa chọn thí sinh có chất lượng. Khi xây dựng phương án tuyển sinh cũng cần hướng tới quyền lợi của người học, sự vất vả của người học, không nên đưa ra những quy định, điều kiện quá khó cho thí sinh. Các trường ở mức trung bình nên sử dụng kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia. Mỗi trường một cách tuyển sinh có thể gây khó đối với khâu tiếp cận thông tin, lựa chọn cho thí sinh. Do đó, các thí sinh cần đánh giá đúng năng lực, sở trường của mình để lựa chọn trường, ngành học cho phù hợp'.
Theo Bộ GD&ĐT, định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025 được xác định cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2020, kết quả để xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh (nếu có nhu cầu). Đánh giá về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ những năm gần đây, Bộ GD&ĐT cho rằng, tuyển sinh đã nền nếp, chất lượng hơn, giảm nhiều áp lực, tốn kém cho thí sinh và các trường so với trước đây. Các trường đã phát huy tốt tinh thần tự chủ, mở rộng các phương thức tuyển sinh ngoài phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT như: Xét học bạ, xét tuyển thẳng, thi đánh giá năng lực... qua đó góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của các trường.
Về phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ cơ bản giữ ổn định như năm nay, trong đó tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học; từng bước tiếp cận xu hướng tuyển sinh của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, chủ động tiếp cận những thành tựu khoa học công nghệ trong giáo dục (đặc biệt là về đo lường, đánh giá).
Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) vừa thông báo danh sách các cơ sở giáo dục ĐH; các trường CĐ, trung cấp sư phạm đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, được kiểm định; dữ liệu cập nhật đến ngày 30/11/2020. Theo đó, có tổng số 259 cơ sở giáo dục đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, trong đó có 231 cơ sở giáo dục ĐH (trường ĐH, học viện) và 28 trường CĐ sư phạm; 159 cơ sở giáo dục ĐH, 10 trường CĐ sư phạm được đánh giá ngoài; 149 cơ sở giáo dục ĐH, 9 trường CĐ sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý chất lượng cũng thông báo danh sách các chương trình đào tạo đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước. Dữ liệu cập nhật đến ngày 30/11/2020. Theo đó, có 260 chương trình đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá; 171 chương trình được đánh giá ngoài và 135 chương trình được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trong đó, có 256 chương trình đào tạo được đánh giá và 132 chương trình đào tạo công nhận bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước.