Nơi cao 'chót vót', chỗ vài điểm/môn là đỗ
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn vào lớp 10 THPT của 115 trường công lập (hệ không chuyên) năm học 2021-2022. Đúng như dự đoán, do năm nay đề thi có phần 'dễ thở', lại giảm bớt số lượng câu hỏi và thời gian làm bài nên điểm chuẩn sẽ tăng ở một số trường, nhất là các trường 'tốp trên'.
Đáng chú ý nhất là Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) với điểm chuẩn 53,3 điểm. Để đỗ vào trường này, thí sinh phải đạt xấp xỉ gần 9 điểm/môn. Điểm chuẩn cao cũng một phần từ tỷ lệ 'chọi' của trường đạt 1/2,98 thí sinh, các thí sinh dự thi vào trường đều là những học sinh khá, giỏi của thành phố.
Ở nhóm các trường có điểm chuẩn cao nhất, tiếp sau THPT Chu Văn An là Trường THPT Kim Liên với 50,25 điểm và THPT Yên Hòa với 50 điểm. Các trường còn lại trong tốp 10 đều lấy điểm trúng tuyển từ 48 trở lên, tương đương trung bình 8 điểm/môn.
Nhóm các trường thấp chủ yếu là các trường ở ngoại thành và khá quen thuộc trong các mùa tuyển sinh những năm gần đây với điểm chuẩn rất thấp, học sinh chỉ đạt vài điểm mỗi môn là đỗ. Cụ thể, Trường THPT Minh Quang (18,05 điểm), THPT Bất Bạt (18,05 điểm), THPT Mỹ Đức B (20,0 điểm), THPT Bắc Lương Sơn (21,0 điểm), THPT Ứng Hòa B (22,50 điểm), THPT Lý Tử Tấn (24,70 điểm)…
Nguyện vọng 2 và 3 là cơ hội cho thí sinh không đỗ nguyện vọng 1.Ảnh minh họa: Q.Anh
Đối với nhiều phụ huynh, kết quả thi và điểm chuẩn cao khiến cho các nguyện vọng đỗ không như kỳ vọng. Nhiều phụ huynh chờ hạ điểm chuẩn, thậm chí vẫn phải vất vả tìm trường cho con ở thời điểm hiện tại. 'Năm nay điểm chuẩn ở nhiều trường tăng cao, nhất là các trường 'tốp đầu' trong các quận. Con tôi không đỗ nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2, trong khi nguyện vọng 3 đỗ lại là trường có chất lượng, cơ sở vật chất chưa tốt lại xa nhà. Tôi vẫn đang hi vọng các trường hạ điểm chuẩn, nhưng chắc cũng rất khó nên chuyển hướng tìm các trường ngoài công lập nhưng một số trường cũng lấy điểm cao hoặc cơ bản tuyển sinh xong rồi', phụ huynh Nguyễn Mai Hương (quận Hoàng Mai chia sẻ).
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sau khi Sở công bố kết quả thi và điểm chuẩn, một học sinh có thể có từ 0 đến tối đa 8 nguyện vọng (NV) trúng tuyển vào các trường THPT công lập. Nếu không trúng tuyển NV1, được xét tuyển NV2, điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1,0 điểm. Không trúng NV1 và NV2 thì sẽ được xét tuyển NV3, điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2,0 điểm. Khi hạ điểm chuẩn, các trường THPT công lập được phép nhận học sinh có NV2, NV3 đủ điều kiện trúng tuyển.
Cơ hội vẫn còn ở xét tuyển nguyện vọng 2 và 3
Không ngạc nhiên với các trường 'tốp đầu' có tỷ lệ 'chọi' cao, nay lại có điểm chuẩn 'chót vót', thầy Nguyễn Quốc Bình (Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội), người có nhiều năm làm công tác tuyển sinh lớp 10 THPT nhận định, kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022 tại Hà Nội có nhiều điểm mới so với các năm trước, cơ hội được 'mở' hơn tới các thí sinh. Vì thế mà các trường THPT 'tốp đầu' có sức hút với nhiều thí sinh, nhất là các thí sinh giỏi. Điểm chuẩn tại các trường này vì thế rất cao. Nhưng với các thí sinh cũng đã lường trước được sự cạnh tranh này bởi những trường này đều lấy điểm cao những năm qua.
Thầy Bình phân tích thêm, hiện tại điểm chuẩn các trường đã được Sở GD&ĐT Hà Nội công bố, các nguyện vọng đã đăng ký, nên mọi cái đã ngã ngũ. Thí sinh có thể căn cứ vào điểm thi và điểm chuẩn sẽ biết được mình đỗ hay không. Không đỗ NV1 thì phải chờ NV2 và NV3 nếu đủ là trúng tuyển và nhập học, nếu không đủ điểm nữa thì gia đình nên tính đến phương án sang các trường ngoài công lập tuyển sinh dựa trên học bạ, hoặc lấy điểm thi vào 10 nhưng điểm phù hợp... Thí sinh có thể chờ vào việc hạ điểm chuẩn, nhưng cũng không nhiều. Việc hạ điểm chuẩn mỗi năm là khác nhau nên gia đình cần cân nhắc.
Đưa ra lời khuyên cho các phụ huynh, thí sinh có kết quả thi chưa tốt, thầy Nguyễn Quốc Bình chia sẻ: 'Thời gian này, cha mẹ học sinh hãy ở bên cạnh con, động viên, tìm các phương án cho con, dù đỗ hay chưa đỗ vẫn còn nhiều lựa chọn, con đường khác nhau. Dù chưa đạt kết quả này, nhưng lại giúp các con có động lực, trưởng thành hơn. Nên học sinh đừng buồn, bởi không phải vào trường mơ ước đã là thành công'.
Liên quan tới tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thí sinh trúng tuyển vào lớp 10 THPT sẽ phải xác nhận nhập học. Đây là thủ tục bắt buộc đối với tất cả các học sinh có nguyện vọng được tiếp tục học ở bậc học cao hơn. Sau khi công bố kết quả thi và điểm chuẩn, học sinh có nguyện vọng theo học tại một nguyện vọng trúng tuyển, phải thực hiện thao tác xác nhận nhập học. Đối với trường công lập, học sinh có thể lựa chọn hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Trường ngoài công lập xác nhận nhập học theo hình thức trực tiếp tại trường trúng tuyển.
Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, thời gian xác nhận nhập học vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022 tại Hà Nội sẽ theo hai hình thức: Trực tuyến sẽ diễn ra từ 13h30 ngày 1/7 đến 24h00 ngày 3/7 và trực tiếp từ ngày 1/7 đến 3/7. Những học sinh không xác nhận nhập học trong thời gian quy định coi như không có nguyện vọng nhập học vào trường trúng tuyển và sẽ không được tuyển bổ sung trong đợt từ ngày 10/7 đến 12/7.