Kết quả nghiên cứu mới được công bố cho thấy, những người sinh sống ở một số nước châu Á đã kết hôn sống thọ hơn bạn bè cùng lứa còn độc thân.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), nghiên cứu được đăng trên JAMA Network Open vào cuối tháng Năm tiết lộ các cặp đôi ở Trung Quốc và một số quốc gia láng giềng ít có nguy cơ tử vong vì bất cứ lý do gì so với những người cùng tuổi còn độc thân là 15%.
Nghiên cứu cho thấy các cặp đôi kết hôn ở châu Á sống thọ hơn bạn bè cùng trang lứa còn độc thân. (Ảnh minh họa)
Kết quả này được đưa ra sau quá trình phân tích hồ sơ y tế trong vòng 15 năm của hơn 623.000 người sinh sống ở Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc có độ tuổi trung bình là 54.
Theo đó, nghiên cứu cho hay những người đã kết hôn có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch và các tác nhân bên ngoài như tai nạn thấp hơn người độc thân cùng tuổi là 20%.
Nghiên cứu cũng cho thấy những người còn độc thân có tỷ lệ mắc các bệnh về hệ thống tuần hoàn cao hơn người đã kết hôn là 17%. Tỷ lệ người độc thân mắc các bệnh về đường hô hấp cũng cao hơn người đã kết hôn là 14%.
Chuyện kết hôn được đánh giá là đặc biệt có lợi cho nam giới ở mọi độ tuổi, và ở cả hai giới trong độ tuổi dưới 65.
Một trong những lý do mà những người đã lấy vợ lấy chồng sống lâu hơn bạn bè cùng lứa còn độc thân là do thực tế họ là những người khỏe mạnh hơn, kinh tế xã hội cũng tốt hơn và tâm lý tốt để bước vào cuộc sống hôn nhân.
Những nghiên cứu trước đây cũng cho thấy mối liên hệ tương tự giữa tình trạng hôn nhân và tử vong, nhưng chủ yếu chỉ tập trung vào người dân phương Tây.
Nghiên cứu đăng trên JAMA Network Open cho thấy hôn nhân ở khu vực Đông Á cũng rất khác biệt, bởi các cặp vợ chồng thường sống chung với người thân và hình thành một gia đình quy mô lớn, cũng như có những mối liên hệ mạnh mẽ hơn giữa mọi người với nhau.
Đáng nói, nghiên cứu chỉ ra rằng gánh nặng tài chính đối với các hộ gia đình độc thân trong xã hội châu Á có thể đóng vai trò làm gia tăng tỷ lệ tử vong trong nhóm người châu Á độc thân.
“Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng kết hôn có liên quan tới các lợi ích sinh tồn trong dân số châu Á”, bản nghiên cứu kết luận.
Song thực tế, dù nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các lợi ích tiềm năng đối với sức khỏe con người sau khi kết hôn, nhưng số lượng người trưởng thành trẻ tuổi ở châu Á né tránh lấy vợ lấy chồng lại đang gia tăng, dù khu vực có mức tăng trưởng kinh tế ngày càng lớn hơn.
Điển hình, sự thay đổi về quan niệm hôn nhân diễn ra nhanh chóng ở khu vực thành thị của Trung Quốc, do chi phí sống tăng cao và ngày càng nhiều người theo đuổi tự do cá nhân và sự đa dạng.
Dữ liệu thống kế chính thức của Trung Quốc cho thấy, số lượng cặp đôi mới kết hôn đã giảm 8 năm liên tiếp và giảm gần 50% từ mức 13,47 triệu đôi kết hôn năm 2013 xuống còn 7,6 triệu đôi kết hôn vào năm 2021.
Khoảng 44% phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi từ 18 – 26 sinh sống ở khu vực thành thị và 1/4 nam giới cùng độ tuổi ở thành thị cho biết họ không có ý định kết hôn, theo cuộc điều tra của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái.