Trong tình yêu, người ta ghét nhất là sự gian dối, lừa lọc hay nói dối chỉ để manh nha cho chuyện 'bắt cá hai tay'.
Có quá nhiều sự việc liên quan đến một anh chàng, cô nàng nào đó 'cắm sừng' người yêu mình. Họ quá tham lam, không thỏa mãn chỉ với một người bạn trai, bạn gái mà muốn tìm kiếm mối quan hệ bên ngoài.
Nhiều cô gái sau một thời gian điều tra chuyện bạn trai ngoại tình, hình thành nên được cả một kỹ năng 'chuyên stalk' (điều tra từ những chi tiết nhỏ). Cũng vì những lần stalk thế này mà nhiều vụ việc bạn trai ngoại tình, 'bắt cá hai tay' đã bị lật tẩy.
Mới đây, trong group Weibo Việt Nam đã đăng tải bài viết về chuyện phụ nữ đã để ý từng chi tiết mà biết bạn trai hay người yêu ngoại tình. Đọc xong, ai cũng cảm thấy các cô gái thật sự nguy hiểm và nhạy cảm đến khó tưởng tượng.
Ảnh minh họa.
'Đồng nghiệp cũ là một cô bé đáng yêu, lúc trước tôi thường hay làm dự án với cô bé ấy. Có lần nghe cô bé kể là hôm trước gọi video với bạn trai mà thái độ cậu ta khá hời hợt, đôi lúc ánh mắt còn hơi lơ đãng.
Cô bé khéo léo hỏi có phải dạo này cậu ta bị áp lực gì không, cậu ta nói không có gì cả. Qua hôm sau cô bé gọi video với bạn trai thì cố tình gọi trên máy tính, phóng to khung hình.
Mắt kính cậu bạn trai phản xạ ra bóng của một người, ngay khi cậu ta phát hiện thì lập tức thu nhỏ khung hình, vừa nói chuyện với cô vừa nhắn tin anh anh em em với cô gái khác.
Cô bé chụp màn hình lại ngay, thông qua app xử lý hình ảnh thì thu được chân dung khá rõ ràng của 'Tuesday'. Sau đó đối chiếu lục tìm từng người một trong danh sách theo dõi của cậu bạn trai, cuối cùng cô cũng tìm ra.
Trong tháng gần đây Tuesday luôn nhấn like cho cậu ta, còn viết trên trang của mình là 'Hạnh phúc thoáng qua'. Cô quyết đoán gửi cho Tuesday tấm hình hai người chat chit bị phản quang qua mắt kính của cậu bạn trai.
Từ khi nghi ngờ đến khi 'phá án' của cô không tới 36 tiếng. Về sau cô chia tay với bạn trai, Tuesday thì chê cậu ta ngu nên không quen với cậu ta nữa'.
Đây là câu chuyện có đến hơn 16 nghìn lượt like. Đúng là một màn nhận biết bạn trai hai lòng hết sức đẳng cấp. Cuối cùng, đến anh ta cũng chẳng còn cô gái nào ở bên vì vừa xấu xa lại còn chẳng được thông minh cho lắm.
Một câu chuyện khác cũng khiến dân mạng hả hê vô cùng. Cô gái thông minh và nhanh ý đã 'bắt thóp' được bạn trai chỉ nhờ thói quen rất bình thường trong cuộc sống.
'Chỉ cho mọi người một vài kinh nghiệm nhỏ. Sau một quãng thời gian quen nhau thì hãy tập làm quen với cách nói chuyện của bạn trai. Nếu lúc nào đấy anh ấy bỗng dưng thay đổi cách nói năng thì bạn phải chú ý.
Chúng ta đang nói đến thói quen dùng từ ngữ, chủ yếu là ngữ điệu cuối câu và dấu chấm câu. Ví dụ như: 'À, ồ, nha, chứ, nhỉ,...'.
Còn vì sao mà mình khuyên như thế thì để mình kể chuyện xưa cho nghe.
Lúc trước mình có quen anh bạn trai, xưa giờ nói chuyện rất đơn giản, không có ngữ điệu gì thái quá hay dấu ngắt câu đặc biệt nào (gạch chân trọng điểm nhé).
Mỗi lần đồng ý chuyện gì thì anh ấy chỉ nói là 'Ừm' hay 'Ừ'. Nhưng mình lại cực thích nói 'nè', ví dụ: 'Ừ nè', 'Đang ở đâu nè'. Lâu dần, bạn trai cũng bắt đầu nói 'Ừ nè' theo mình luôn.
Ảnh minh họa.
Nhưng rồi có quãng thời gian mình phát hiện anh ấy bắt đầu hay sử dụng câu 'Tốt đấy'.
Bấy giờ mình đoán khả năng là anh ấy chat chit gì với người khác, hơn nữa có thể tần suất chat rất cao.
Vì tâm lý học có nói rồi, bất kỳ sự thay đổi nào trên phương diện ngôn ngữ hay hành động chắc chắn đều sẽ có nguyên nhân.
Bạn trai mình cũng là vì hay nói chuyện với mình nên mới bị nhiễm cách nói, bắt đầu dùng 'Ừ nè'. Anh ấy còn không nhận ra sự thay đổi đó của bản thân.
Bây giờ anh lại bỗng dưng sử dụng 'Tốt đấy', tức là có thể một ai đó rất thích dùng từ đó, tần suất hai người họ chuyện trò cũng phải cao đến mức độ nhất định mới có thể tác động đến bạn trai mình làm anh ấy vô thức bị ảnh hưởng, cũng sử dụng theo.
Thế là một buổi tối, vào lúc anh ấy nói 'Tốt đấy' thì mình như vô tình hỏi: 'Sao gần đây anh tự dưng thích từ đấy vậy, có phải quen ai thích dùng 'đấy' không?'.
Bạn trai nghe xong thì vẻ mặt đại khái rất chi là hoảng hốt. Mình liếc nhìn anh ấy rồi mỉm cười, không nói gì thêm nữa.
Nếu có sự thay đổi trong thói quen ngôn ngữ thì dĩ nhiên không đại biểu là đối phương ngoại tình. Nhưng nó có thể dẫn đến dự đoán rằng trong cuộc sống gần đây của bạn trai bạn đã xuất hiện đối tượng mới nào đó có khả năng gây uy hiếp.
Điều này căn cứ vào những nguyên lý sau đây:
1. Thói quen ngôn ngữ của mọi người sẽ bị ảnh hưởng bởi những người họ tiếp xúc, dẫn đến sự thay đổi của chính họ.
2. Với tần suất cao, nhiều lần trò chuyện thì nó sẽ xảy ra nhanh hơn, bất giác thay đổi luôn thói quen ngôn ngữ của người ta.
Dĩ nhiên chi tiết nhỏ này chỉ có thể dùng để suy đoán thôi, cũng như mình dùng nó để 'oanh tạc' bạn trai nè.
Nhưng nếu bạn thật sự bất chấp tất cả muốn biết đối phương có ngầm ngoại tình hay không thì mình sẽ chỉ bạn một chiêu khác. Đó là bạn mở mạng xã hội của anh ấy lên, kiếm hai chữ 'ngủ ngon', mức độ ngoại tình tỉ lệ thuận với tần suất chúc ai đấy ngủ ngon'.
Đúng là hai câu chuyện cho thấy mức độ tinh ý, để ý đến từng chi tiết của các cô gái lợi hại đến thế nào. Trong tình yêu, chẳng dễ dàng gì để người ta kiếm được một người tình đích thực. Bởi vậy thay vì dối trá, lừa lọc, mọi người hãy thật lòng với nhau hơn, đừng cố gắng tìm kiếm cách thức 'bắt cá hai tay' hay 'yêu song song' hai cô gái cùng lúc. Và nên nhớ, đừng cố gắng qua mặt bạn gái vì chỉ cần một sơ suất, những điều xấu xí được che giấu ấy sẽ bị lật tẩy ngay thôi.