Hôn nhân là việc trọng đại của đời người. Bước vào hôn nhân, ai cũng muốn đi cùng nhau đến hết cuộc đời. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, ly hôn là điều không tránh được.
Tỷ lệ ly hôn ly hôn ở Việt Nam hiện nay là 25%, nghĩa là cứ 4 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn thì sẽ có 1 đôi không thể cùng chung sống. Bởi vậy, câu hỏi cần ứng xử sau ly hôn như thế nào cho văn minh đặt ra ngày càng lớn hơn.
Thực tế, khi hôn nhân đổ vỡ, những mất mát, đau khổ hay mất tình bĩnh là điều không thể tránh khỏi. Nhiều người chưa chuẩn bị tinh thần, kỹ năng để đón nhận tình huống này đến với cuộc đời mình, thế nên họ gặp không ít khó khăn.
Phải khẳng định ly hôn là một giải pháp văn minh khi người trong cuộc không còn hạnh phúc, không còn cảm nhận được yêu thương. Thế nhưng, các cụ vẫn nói "Yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo". Khi nhiều vấn đề như con cái, tài sản trở nên rắc rối…, câu chuyện lại khó phân xử.
Không chỉ là tài sản, có người trong cơn tức giận còn vạch trần mặt xấu hôn nhân cho nhiều người biết để xả cơn giận, dùng mạng xã hội để giải tỏa bức xúc. Khi cơn nóng giận qua đi, người ta có thể xóa bài đã viết. Nhưng những gì còn lại trên mạng rất dễ bị sao chép và lan truyền. Điều đó đồng nghĩa câu chuyện vẫn tồn tại có thể ảnh hưởng tâm lý của những người trong cuộc, bao gồm cả con cái của họ trong tương lai. Vì vậy, việc tố cáo nhau trên mạng xã hội là hành động cần được cân nhắc kỹ càng. Đằng sau việc thỏa mãn cơn tức giận nhất thời có thể là hệ lụy không lường hết được, nhất là với những đứa trẻ trong gia đình.
Là một người mẹ đơn thân, Tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương cho biết trong một cuộc hôn nhân tan vỡ, cả hai bên đều là những người bị tổn thương bất chấp nguyên nhân ly hôn là gì. "Nếu chúng tôi dồn thêm sự thù hận, ức chế trong đầu mình và bật ra thành câu nói xúc phạm đối phương thì chính chúng ta đang lưu trữ năng lượng rất xấu, ảnh hưởng đến suốt quãng đời về sau", TS Vũ Thu Hương tâm sự.
Có nhiều cặp vợ chồng ứng xử rất văn minh sau ly hôn, không tranh giành, không chì chiết, không xúc phạm nhau trước mặt các con. Họ luôn tạo cho con không khí ấm cúng, hòa thuận để con có cảm nhận dù không cha hoặc mẹ không ở bên thì con vẫn được yêu thương đầy đủ. Không tránh được những vết thương cho con trẻ nhưng khi chứng kiến bố mẹ làm bạn văn minh sau ly hôn, hay đơn giản là tôn trọng nhau, sẽ khiến cho những đứa trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, học được văn hóa ứng xử từ chính bố mẹ mình. Điều này không dễ dàng, phải học hỏi và thậm chí trải qua một quá trình tự tranh đấu. Thế nhưng đã có nhiều người làm được, như trường hợp của MC Thảo Vân.
Với MC Thảo Vân, 13 năm sau khi ly hôn, chị vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp với nghệ sĩ Công Lý và sau đó là tình bạn với người vợ hiện tại của anh. "Tại sao mình lại không vượt qua đau đớn của mình để đừng khoét thêm vào nỗi đau ấy nữa? Hỏi có đáng như thế không hay có nỡ như thế không thì mình không làm được", MC Thảo Vân bộc bạch.
"Khi còn rất nhỏ, 5 tuổi bố mẹ đã chia tay rồi" – Nguyễn Công Gia Bảo (con trai MC Thảo Vân) chia sẻ - "Nhưng bố mẹ vẫn giữ được mối quan hệ rất tốt, thậm chí khiến tôi không cảm nhận được rằng bố mẹ đã chia tay. Tôi thấy bố mẹ vẫn như bình thường, không có vấn đề gì cả".
Vợ chồng không thể đi cùng nhau tới hết cuộc được là duyên số nhưng mối ràng buộc với con cái là không thể chối bỏ. Với suy nghĩ đó, nhiều cặp vợ chồng đã giữ sự cân bằng và tôn trọng nhau sau khi ly hôn. Thú vị hơn, có những cặp sau khi hết duyên trăm năm lại có thể trở thành bạn thân, cùng nhau chăm sóc con cái và chia sẻ nhiều vấn đề trong cuộc sống. Điều đó cho thấy ly hôn không phải là ngõ cụt như quan niệm của nhiều người. Làm sao để con cái và chính mình không bị tổn thương cũng là cách để mỗi người đi qua đổ vỡ hôn nhân có thể bình yên mở ra cánh cửa mới của cuộc đời.