Đây là ý kiến của Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Công ty Luật IPIC – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội xung quanh vụ việc hai người phụ nữ bán tăm bông, hai người đàn ông đi mua đồ gỗ ở hai địa điểm khác nhau nhưng đều bị người dân địa phương túm vào đánh trọng thương.
Thậm chí chiếc ô tô, phương tiện đi lại của hai người đàn ông cũng bị thiêu rụi. Nguyên nhân là do nghi ngờ họ bắt cóc trẻ con.
- Dưới góc độ của một luật sư, ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào về hai vụ việc kể trên?
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Hai vụ việc trên cho thấy trong thời gian qua, các tin đồn thất thiệt về việc bắt cóc trẻ em đã làm cho người dân lo lắng đến tột độ, theo xác minh của công an một số địa phương là không có thật, nhưng trên các mạng xã hội thì lại lan truyền rất nhanh và có nhiều người theo dõi và chia sẻ.
Đây có thể là chiêu bài PR rẻ tiền của các chủ tài khoản mạng xã hội nhằm tăng lượt xem, lượt thích, tăng tính theo dõi nhằm đạt mục đích riêng của mình.
Chọn những thông tin nhạy cảm mà bất cứ ai cũng quan tâm như vậy để bịa đặt câu likes tạo trang bán hàng là một thủ đoạn mới của những kẻ vô lương tâm!
Chúng dựa trên sự quan tâm lo lắng cho con cái của cha mẹ, nhất là các bà mẹ có con còn nhỏ, khi mà bản năng bảo vệ con trở thành phản xạ vô điều kiện để lừa đảo.
Khi có nhiều lượt likes, nhiều người follows, chúng đổi tên để bán hàng.
Hậu quả là người dân đã rất lo lắng, khi thấy các hành động khả nghi thì đã tin chắc rằng hành vi khả nghi đó là sự thật và đã hành động vi phạm pháp luật.
Một vụ việc đã có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích (đuổi đánh dẫn đến người bị tình nghi bị thương nặng), một vụ thì có dấu hiệu bắt giữ người trái pháp luật và cố ý làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản.
Việc đánh, bắt giữ người khi chỉ nghe thông tin từ người xung quanh 'bắt cóc trẻ con' nhìn dưới góc độ pháp luật là như thế nào, thưa ông?
Việc đánh người và bắt giữ người, hủy hoại tài sản khi chỉ nghe thông tin 'bắt cóc trẻ con' như vậy là trái pháp luật.
Pháp luật chỉ cho 1 trường hợp chống trả, bắt người đúng luật đó là khi phòng vệ chính đáng và phá hủy tài sản khi gặp tình thế cấp thiết.
Theo Điều 15 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về phòng vệ chính đáng như sau:
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Điều 16 Bộ luật hình sự quy định về tình thế cấp thiết:
1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
Tại Điều 104 BLHS quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác như sau:
'1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
A) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
B) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
C) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
D) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
Đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
E) Có tổ chức;
G) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
H) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
I) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
K) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân'.
Theo đó, pháp luật khuyến khích việc phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật như tham gia đuổi bắt kẻ trộm, bắt cóc,...
Tuy nhiên, việc đánh đập, hành hạ, gậy thương tích cho người phạm tội là không được phép.
Thậm chí trong trường hợp này, vẫn chưa xác định rõ đó có phải là người bắt cóc trẻ con hay không, mà chỉ là nghe thông tin từ người xung quanh mà đã đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho người khác... những hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác. Tuy nhiên, có thể căn cứ vào lý do mà được coi là tình tiết giảm nhẹ cho loại tội này.
Ở vụ việc tại Hải Dương, không chỉ bắt giữ người (theo thông tin của cơ quan công an, lúc xảy ra sự việc có tới 1.000 người dân có mặt đòi đánh hai người đàn ông này. Không chỉ dừng lại ở đó, họ còn đốt xe ô tô – phương tiện đi lại của hai người đàn ông mà họ cho rằng 'thôi miên'. Ông đánh giá như thế nào về tình tiết này? Mức độ vi phạm được quy định cụ thể trong luật về tình huống này như thế nào?
Việc đông đảo người dân bắt giữ người khi chưa có bằng chứng vi phạm pháp luật rõ ràng của đối tượng tình nghi là vi phạm pháp luật.
Cụ thể là vi phạm Điều 123 Bộ luật hình sự về Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, đó là hành vi bắt, giữ hoặc giam người không đúng pháp luật.
Hành vi đốt xe ô tô thì rõ ràng đã vi phạm về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định trong Bộ luật hình sự.
Tùy tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt nặng nhẹ theo các khung tương ứng được quy định trong các điều luật trên.
Những nạn nhân của vụ việc này (hai người phụ nữ bán tăm bông, hai người đàn ông mua đồ gỗ) có thể khởi kiện những người tham gia vào việc bắt giữ, hành hung mình hay không? Nếu khởi kiện, vụ việc sẽ gặp khó khăn gì không khi quá đông (có thể không xác định được đối tượng cụ thể) người tham gia vào việc hành hung, bắt giữ?
Nạn nhân của các vụ việc trên có quyền khởi kiện hoặc yêu cầu bên vi phạm phải bồi thường tổn hại về sức khỏe và tài sản bị hư hỏng theo quy định chung của Bộ luật dân sự.
Bên vi phạm có nghĩa vụ bổi thường thiệt hại mà mình đã gây ra do hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Việc người bị hại khởi kiện hoặc cơ quan điều tra khi điều tra có thể gặp khó khăn nhất định khi phân loại đối tượng khởi kiện, điều tra.
Thực tế rất khó để xác định hết toàn bộ đối tượng khởi kiện và điều tra đầy đủ được.
Để bùng phát lên vụ việc đều bắt đầu từ lời tri hô 'bắt cóc trẻ con' của bà nội cháu bé ở Sóc Sơn, vợ của chủ hàng gỗ Hải Dương… Những người này có chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không?
Những đối tượng trên đã có hành vi tố cáo người khác, khi không đủ chứng cứ thuyết phục thì họ đã vi phạm pháp luật, đó là hành vi vu khống được Bộ luật hình sự quy định: Căn cứ khoản 1 Điều 122 Bộ luật hình sự quy định về Tội vu khống thì: 'Vu khống là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạmtộivà tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền'.
Tuy nhiên để khẳng định hành vi tri hô 'bắt cóc trẻ con' đó có đủ yếu tố cấu thành tội vu khống hay không thì cần phân tích thêm các yếu tố cấu thành tội phạm này, nếu chưa đủ các yếu tố đó thì người tri hô không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Và lời khuyên của luật sư đối với người dân trong những trường hợp cụ thể như thế này là gì?
Khi thấy các tình huống trên, người chứng kiến phải bình tĩnh để tìm hiểu sự thật cụ thể, rõ ràng, qua đó mới hành động, tránh các hành động vi phạm pháp luật do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc phòng vệ chính đáng quá sớm.
Bên cạnh đó cũng tuyên truyền để người dân không bị các thông tin trên mạng xã hội gây nhiễu.
Thời gian qua công an một số địa phương đã mời những kẻ rảnh hơi tung tin đồn nhảm lên mạng xã hội để xử lí.
Tùy mức độ gây thiệt hại cho cá nhân, xã hội hay doanh nghiệp, những kẻ tung tin đồn bị phạt tiền và bắt xóa những thông tin bậy bạ.
Tuy nhiên, với những cái đầu quá cả tin thì thông tin đó đã ăn quá sâu vào bộ nhớ, khiến họ hành xử không còn bình tĩnh và tỉnh táo, dễ gây ra sai lầm, thậm chí có thể những sai lầm không sửa được.
Xin cảm ơn luật sư.