Cục Cảnh sát giao thông (CSGT - Bộ Công an) vừa tổ chức hội nghị thông tin báo chí về dự thảo Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, dự án luật đưa ra phương án chuyển việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe về Bộ Công an.
Tại hội nghị, đại diện Cục CSGT cho biết, đơn vị xây dựng dự án luật, khi chuyển giao nhiệm vụ quản lý người điều khiển phương tiện giao thông từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an sẽ ít khó khăn trong điều chỉnh cán bộ, công chức.
Lý do, hiện chỉ có 650 cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại Vụ Quản lý phương tiện và người lái thuộc tổng cục Đường bộ cùng 63 phòng thuộc sở GTVT các địa phương. Trong đó, có 600 người được cấp thẻ sát hạch viên.
Cục CSGT cho rằng, khi chuyển giao nhiệm vụ sang Bộ Công an, về biên chế chỉ cần sắp xếp liên quan 650 cán bộ nói trên, việc bố trí lại nhiệm vụ sẽ không gặp khó khăn.
Khi chuyển giao cũng chỉ làm tăng nhiệm vụ của lực lượng công an, không làm tăng biên chế; quá trình này sẽ được kết nối, đồng bộ chủ yếu qua phần mềm nên không gây tốn kém lớn về kinh phí.
Nếu được chuyển giao, lực lượng công an sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe theo quy định về kinh doanh dịch vụ có điều kiện, công khai trong đánh giá hiệu quả.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT thông tin tại buổi họp báo.
Đáng chú ý, một số ý kiến băn khoăn việc chuyển nhiệm vụ sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an sẽ dẫn tới tình trạng 'vừa đá bóng vừa thổi còi', 'vũ trang hóa' nhiệm vụ của ngành dân sự.
Cục CSGT cho rằng công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX là quản lý hành vi của người lái xe tham gia giao thông, quyết định kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người lái xe - chủ thể quyết định đến an toàn giao thông.
'Chính kiến thức, kỹ năng, ý thức kém của nhiều lái xe đã gây ra tình trạng giao thông lộn xộn, mất trật tự hiện nay, gây ra nhiều vụ ùn tắc giao thông do thiếu ý thức nhường đường, chen lấn trong giờ cao điểm ở các đô thị lớn', Cục CSGT nêu.
Bên cạnh đó, C08 khẳng định rất nhiều vụ phạm tội sử dụng phương tiện giao thông để gây án chỉ bị phát hiện và xử lý thông qua công tác nghiệp vụ của ngành công an.
Cũng theo cơ quan này, công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đang có rất nhiều sơ hở, bất cập, lỏng lẻo. Do vậy phải có sự thay đổi cơ quan quản lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, lập lại trật tự, kỷ cương, nề nếp của hoạt động giao thông.
Cục CSGT nhấn mạnh Bộ Công an luôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành trong công tác quản lý với mục tiêu cải cách hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, giải quyết công việc nhanh chóng, thuận lợi nhất cho người dân.
Vì vậy, không có việc 'vũ trang hóa' nhiệm vụ của ngành dân sự như một số ý kiến nêu ra, mà quan trọng là thay đổi để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và vì mục tiêu chung, vì lợi ích của người dân, của đất nước.
Cục CSGT cho biết, hệ thống cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính, hệ thống tự động trừ điểm nên sẽ không phát sinh tiêu cực.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT cũng nhấn mạnh: Dự thảo luật đã đưa ra đủ các thiết chế để kiểm soát hoạt động của lực lượng CSGT, tránh việc 'vừa đá bóng vừa thổi còi', trong đó có quy định xử phạt qua hình ảnh và sự giám sát của nhân dân.
'Tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu công khai tất cả dữ liệu về đào tạo, sát hạch GPLX, thậm chí là cả vấn đề tài chính của cơ sở đào tạo. Tất cả hành vi xử phạt của CSGT sẽ được lưu lại bằng dữ liệu điện tử chứ không có chuyện đôi co với người vi phạm', Cục phó Cục CSGT nói.
Về quy định trừ điểm và phục hồi điểm giấy ghép lái xe thời gian qua được dư luận quan tâm, Cục CSGT cho rằng đây là một biện pháp quản lý Nhà nước cần thiết và hữu hiệu trong tình hình hiện nay.
Đồng thời quy định trong 12 tháng người lái xe không bị trừ hết điểm sẽ được phục hồi điểm nhằm khuyến khích người lái xe nâng cao và có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
'Thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm, thu hồi giấy phép lái xe đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người vi phạm, theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Hệ thống cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính, hệ thống tự động trừ điểm (không có sự tiếp xúc giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm), nên sẽ không phát sinh tiêu cực. Không trùng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính', đại diện Cục CSGT nói thêm.