2019 là một năm hết sức thành công của Riot Games cũng như LMHT, khi họ đánh dấu kỷ niệm 10 năm ra mắt tựa game này bằng việc xô đổ hàng loạt kỷ lục về giải đấu, cũng như ẵm về vô vàn giải thưởng danh giá.
Nhưng đằng sau những bức tranh hào nhoáng, vẫn còn đó rất nhiều góc khuất mà cộng đồng game thủ đã buộc phải chứng kiến và đối mặt trong năm qua, và những câu chuyện bê bối này, phần nào đó đã làm hoen ố hình ảnh về một nền thể thao điện tử đang trên đà phát triển mãnh liệt.
Riot Games bị tố cáo phân biệt giới tính và những cáo buộc quấy rối tình dục trong nội bộ công ty
Vụ việc bùng phát từ tháng 8/2018, khi một số cựu nhân viên của Riot Games ra mặt tố cáo về vấn nạn nhân viên nữ bị phân biệt đối xử trong nội bộ Riot Games. Thậm chí, một trong số các nhân chứng này còn đưa ra những cáo buộc về việc bị những đồng nghiệp nam quấy rối tình dục.
Bài viết trên Kotaku tố cáo những hành vi phân biệt giới tính trong nội bộ Riot trong năm 2018
Bất chấp những phát ngôn xoa dịu cộng đồng từ phía Riot, hàng loạt nhân viên nữ khác cũng lần lượt đứng lên tố giác với những bản cáo trạng tương tự, và điều này đã buộc chính quyền Mỹ phải lên tiếng giải quyết.
Phiên tòa xét xử Riot Games và các bên liên quan kéo dài trong gần một năm trời và mới chỉ tạm khép lại vào đầu tháng 12 vừa qua, khi Riot Games đồng ý bồi thường một số tiền lớn để chứng minh sự nghiêm túc của mình trong việc thay đổi, cải thiện văn hóa công sở đang trở nên vô cùng tệ hại trong mắt công chúng.
Theo hãng tin AP, hãng Riot Games, có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ), sẽ bồi thường cho khoảng 1.000 nữ nhân viên đã và đang làm việc tại công ty trong 5 năm qua.
Sự kiện này tuy không gây quá nhiều ảnh hưởng tới cộng đồng game thủ, nhưng đã trở thành một vấn đề lớn đối với xã hội, khi nạn 'kỳ thị giới tính' vẫn còn tồn tại ngay cả trong một môi trường làm việc tưởng chừng như văn minh và cấp tiến nhất như Riot Games - Hãng game danh tiếng hàng đầu thế giới. Và không có gì khó hiểu, khi Riot Games lại trở thành cái gai trong mắt những nhà hoạt động cộng đồng cũng như một bộ phận xã hội Mỹ.
Nhưng dẫu sao thì điều quan trọng là Riot đang cho thấy một sự thay đổi tích cực, và điều này còn hơn là việc ngồi yên và chẳng làm gì cả.
cvMax bị cáo buộc bạo hành tuyển thủ và sự thực đằng sau những bê bối của Griffin cũng như Riot Hàn Quốc
GRF đã đi vào lịch sử LMHT chuyên nghiệp về độ 'nhọ' của mình khi thiết lập thành tích 3 lần về nhì liên tiếp tại LCK. Tuy nhiên, đội tuyển này còn khiến cả cộng đồng Esports dính một phen chao đảo khi liên tục vướng vào bê bối.
Song song với vụ việc liên quan tới hợp đồng bóc lột của Kanavi, Griffin cũng dính líu vào lùm xùm liên quan tới cvMax - Vị HLV bị đội tuyển này sa thải ngay trước khi CKTG 2019 khởi tranh. Ban đầu chỉ xuất phát từ những xích mích nội bộ, cvMax được cho là bất đồng ý kiến với một số tuyển thủ (về việc không cho Sword đánh chính), và bị BLĐ sa thải. Tuy nhiên sự việc ngày càng đi xa khi Sword cùng một số nhân vật khác của Griffin lên tiếng phản bác cvMax, đồng thời tố cáo vị HLV này có hành vi bạo hành tuyển thủ, nhằm hợp thức hóa quyết định sa thải anh.
Sword trả lời phỏng vấn trên Inven, tố cáo cvMax có hành vi bạo hành với bản thân mình cũng như đồng đội tại Griffin là Chovy
cvMax bị cáo buộc có những hành vi bạo lực với Chovy, nhưng các thành viên Griffin lại từ chối công bố bằng chứng trước công chúng, trong khi bản thân Chovy thì lại vô cùng vui vẻ tái hợp với thầy cũ tại DragonX, khiến cho làn sóng chỉ trích sự gian dối của GRF càng thêm bùng nổ dữ dội.
Sự tức giận của cộng đồng game thủ còn lan sang cả Riot Games Hàn Quốc, sau án phạt ban vĩnh viễn dành cho cvMax mà không có bằng chứng cụ thể nào về hành vi bạo hành. Một cựu nhân viên Riot Hàn sau đó đã ngầm hé lộ về nạn phe cánh trong nội bộ tổ chức này, từ đó ám chỉ án phạt mờ ám mà cvMax phải nhận chẳng qua là một cách để khiến anh 'ngậm miệng' và không thể tiết lộ thêm bất kỳ bê bối nào nữa mà thôi.
Hiện tại, án phạt của cvMax đã tạm thời được trì hoãn, và vị HLV này sẽ tiếp tục được dẫn dắt DragonX ở giải đấu LCK mùa xuân 2020, nhưng vụ việc thì vẫn chưa dừng lại. GRF chính là cái tên bị 'nghiệp quật' đầu tiên, khi đội hình của họ giờ đã tan đàn xẻ nghé, trong khi Riot Hàn vẫn tiếp tục chịu làn sóng tẩy chay, và thậm chí có nguy cơ bị điều tra hình sự.
Griffin bị bóc mẽ về 'hợp đồng nô lệ' với Kanavi, chấn động cả chính phủ Hàn Quốc
Trên thực tế, chính cvMax là người đã đứng ra tố cáo về bản hợp đồng nô lệ mà Griffin ép buộc cựu tuyển thủ của họ - Kanavi phải tuân thủ. Bản hợp đồng này bao gồm những điều khoản vô cùng bất lợi, mang tính bóc lột sức lao động đối với Kanavi, và vi phạm quy định tối thiểu của một bản hợp đồng thể thao điện tử chuyên nghiệp. Có thể nói, những cuộc 'đấu võ mồm' với cvMax đã khiến Griffin phải hứng chịu hậu quả nặng nề hơn họ tưởng tượng.
Vụ việc Kanavi không chỉ là câu chuyện của riêng Griffin, mà nó còn lột trần cả những thực tại đáng xấu hổ đằng sau vẻ hào nhoáng của nền thể thao điện tử Hàn Quốc. Cộng đồng game thủ đều nhất trí rằng Kanavi không phải là trường hợp duy nhất phải hứng chịu những bất công, và nền Esports của cường quốc này cũng chẳng phải chuyên nghiệp, mẫu mực như họ nghĩ.
Câu chuyện bê bối này đã khiến Cho Gyu-nam - Giám đốc điều hành của Griffin phải từ chức, nhưng chưa dừng lại ở đó, rất nhiều nghị sĩ và đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cũng vào cuộc, yêu cầu phải mở rộng cuộc điều tra về những vấn đề tương tự.
Ông Ha Tae Kyung là một chính trị gia, đại biểu Quốc hội thuộc đảng Tương lai Bareun của Hàn Quốc là một trong những chính khách tại xứ sở kim chi lên tiếng về vụ việc của Kanavi
Nếu có thêm nhiều hơn nữa những trường hợp như Kanavi được hé lộ, sẽ không nghi ngờ gì khi nền LMHT Hàn Quốc sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng niềm tin chưa từng có, và thậm chí có thể kéo theo cả sự sụp đổ của 'nền văn hóa Esports' vốn đang phát triển phi mã tại đất nước này.