Câu hỏi: Chào bác sĩ, năm nay cháu 23 tuổi, là con gái, không hiểu tại sao mỗi buổi sáng ngủ dậy trong miệng cháu có rất nhiều nước bọt loãng và có mùi khó chịu, mặc dù trước khi ngủ đã đánh răng sạch sẽ. Cháu từng bị sâu răng và phải trồng răng cách đây mấy năm. Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu làm cách nào để hạn chế được tình trạng này.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Tiin trả lời:
Nước bọt là dịch tiêu hóa được bài tiết bởi nhiều tuyến như tuyến mang tai, tuyến dưới hàm, tuyến dưới lưỡi, tuyến má, tuyến lưỡi… có tác dụng trộn lẫn thức ăn làm cho thức ăn trơn, dễ nuốt giúp quá trình tiêu hóa thức ăn thuận lợi, dễ dàng. Trung bình mỗi ngày người ta bài tiết khoảng 800-1000ml nước bọt.
Nước bọt được bài tiết theo cơ chế tự nhiên do thần kinh phó giao cảm chi phối. Nước bọt được tiết ra liên tục (trừ lúc ngủ) giúp khoang miệng ẩm ướt, sau khi được tiết ra nước bọt sẽ được nuốt xuống họng. Hoạt động này diễn ra tự nhiên, ít gây sự chú ý.
Trong khi ăn, nước bọt sẽ được tiết ra nhiều hơn giúp tiêu hóa thức ăn. Khi nước bọt tiết ra quá nhiều (kể cả khi không tiêu hóa thức ăn) gặp trong bệnh lý các tuyến sản xuất ra nước bọt, bệnh lý răng miệng hoặc quá trình nuốt nước bọt từ miệng xuống họng bị cản trở do viêm họng, viêm amidan khiến cho người bệnh có cảm giác đau khi nuốt dẫn đến sợ nuốt nước bọt… đều làm ứ đọng nước bọt trong khoang miệng, lúc này người bệnh cảm nhận được 'thừa' nước bọt nên hay nhổ ra ngoài.
Trong lúc ngủ, nếu bạn bị ứ nhiều nước bọt nó sẽ chảy ra ngoài gây ướt hoặc tạo thành các đám, vệt ố trên gối.
Buổi sáng khoang miệng thường có mùi hôi, khó chịu (hơi thở hôi), nguyên nhân không phải là do nước bọt. Nguyên nhân hay gặp là do viêm nhiễm các thành phần trong khoang miệng (viêm răng, lợi, niêm mạc má, lưỡi, viêm amidan, viêm mũi họng…), do mảng bám thức ăn còn sót lại ở kẽ, khe răng hoặc trên gai lưỡi phân hủy gây mùi khó chịu, do thức ăn bạn ăn tối hôm trước có nhiều mùi (hành, tỏi…).
Hiện tượng hơi thở hôi, ứ nước bọt cũng có thể gặp trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Theo tôi, vấn đề của em bây giờ là chú ý vệ sinh răng miệng. Đánh răng cũng phải có kiến thức đấy. Lựa chọn bàn chải phù hợp (lông bàn chải không quá cứng hoặc quá mềm), thay bàn chải theo đúng hướng dẫn.
Đánh răng 2 lần/ngày, tốt nhất là sau khi ăn khoảng 10 phút. Không nên đánh răng 'ngang' (cách này áp dụng từ rất lâu, tạo thành thói quen khó bỏ) mà đánh răng theo chiều dọc hoặc xoay tròn. Đánh kỹ đủ các mặt của răng, đảm bảo không để sót thức ăn. Thời gian đánh răng khoảng 3 phút/lần đủ để fluor ngấm được vào răng.
Nên sử dụng chỉ nha khoa làm sạch khe răng, không nên dùng tăm (đặc biệt là tăm có đầu nhọn) vì dễ làm tổn thương răng, lợi và rộng chân răng. Bạn có thể tìm hiểu thêm về kỹ thuật đánh răng nhé. Khi đánh răng nên cạo mặt trên của lưỡi bằng bàn chải hoặc dụng cụ cạo lưỡi để làm sạch mảng bám trên lưỡi (thấy gai lưỡi mầu hồng nhạt là được).
Khi có bất kỳ viêm nhiễm của bộ phận nào trong khoang miệng cũng phải được điều trị triệt để. Bạn nên xem lại các vấn đề liên quan đến vệ sinh hoặc bệnh lý tôi vừa nêu trên. Nếu không cải thiện bạn nên đến chuyên khoa tiêu hóa kiểm tra bệnh trào ngược dạ dày thực quản nhé.
Một chú ý nho nhỏ. Tất cả mọi người sau một đêm ngủ dậy ai cũng thấy hơi thở hôi mà, vì thế vệ sinh cá nhân bao giờ cũng là việc làm đầu tiên khi ngủ dậy. Bạn đừng quá căng thẳng, nếu vấn đề khó chịu của bạn xảy ra trong cả ngày hoặc nước bọt chảy ra ngoài gây ố, ẩm gối… bạn mới lo ngại bạn nhé. Việc bảo vệ răng của bạn sau khi có can thiệp bạn cũng cần được bác sĩ nha khoa tư vấn thêm.
Mọi thắc mắc về sức khỏe giới tính, bạn vui lòng gửi câu hỏi trực tiếp
TẠI ĐÂY hoặc gửi đến hòm thư bandoc@tiin.vn. Câu hỏi của bạn sẽ được bác sĩ Tiin Hoàng Thúy Hải giải đáp vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần. (Nhớ là gửi thư bằng tiếng Việt có dấu bạn nhé!).