Đây là hoạt động thường niên do Bộ VHTTDL tổ chức. Sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch, việc bình chọn được tái khởi động vào ngày 6/12.
Danh sách 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu của năm 2022 được lựa chọn dựa trên đề cử của 55 đơn vị với 111 sự kiện của các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình.
Sau khi họp bàn, bỏ phiếu và thống nhất chọn 25 sự kiện, Ban Tổ chức tiếp tục tổng hợp, tham vấn ý kiến các đơn vị liên quan, báo cáo Lãnh đạo Bộ và lựa chọn 15 sự kiện tiêu biểu để tổ chức hoạt động bình chọn. Từ 15 lựa chọn này, Ban tổ chức tiến hành tổ chức bình chọn để chọn 10 sự kiện nổi bật nhất.
Cùng với tổ chức bình chọn trực tiếp ngày 6/12/2022 tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với sự tham gia của đại diện phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương, Ban tổ chức cũng công bố tổ chức bình chọn qua mạng tại địa chỉ: http://sukienvhttdl.bvhttdl.gov.vn/. Thời gian bình chọn trong 3 ngày, tính từ 8 giờ 30 phút ngày 6/12/2022 đến 17 giờ ngày 9/12/2022.
Vào chiều ngày 20/12, sau khi tổng hợp kết quả bình chọn, Bộ VHTTDL đã công bố 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch của năm 2022. Dưới đây là danh sách cụ thể:
1. Triển khai thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị - Ảnh: Doãn Tấn
Ngày 24/11/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị.
Quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư, đầu năm 2022, Bộ VHTTDL tổ chức Lễ phát động chủ đề công tác năm 2022 của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”. Bộ cũng ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (giai đoạn 2023-2025).
Thực hiện kết luận của Tổng Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức Hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
2. Quốc hội Thông qua Luật Điện ảnh năm 2022
Luật Điện ảnh năm 2022 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2023, khắc phục bất cập về một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung vào Luật nổi bật như: công nghiệp điện ảnh, phổ biến và lưu trữ phim, quản lý phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng, quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim...
Luật Điện ảnh năm 2022 được các nhà sản xuất, phát hành, phổ biến phim, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu… đánh giá cao và hồ hởi đón nhận.
3. Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) năm 2022
Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2023.
Nội dung cụ thể của Luật nhằm tiếp cận dưới góc độ quyền con người, lấy con người làm trung tâm, bảo đảm tăng cường bảo vệ quyền con người. Đặc biệt, Luật bảo vệ người yếu thế trong gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
4. Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp
Nghề làm gốm cũng giúp tăng thu nhập của gia đình và bảo lưu thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của người Chăm ở Việt Nam
Vào hồi 16h12 ngày 29/11, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, tạo ra các sản phẩm gốm bằng tay thông qua việc sử dụng các công cụ đơn giản. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh vào các Danh sách của UNESCO.
5. Di sản tư liệu Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn và Hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) được UNESCO ghi vào Danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) thông qua 2 hồ sơ Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra ở Hàn Quốc.
Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn gồm 78 tư liệu bia ma nhai có nội dung đa dạng, hình thức độc đáo. Đây là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động.
Là bộ sưu tập độc bản được viết bằng tay gồm: 26 sắc phong gốc do các vua triều Lê, Nguyễn ban tặng, 19 tờ văn bằng và 3 bức trướng bằng lụa, viết bằng chữ Hán và chữ Nôm từ năm 1689 đến năm 1943
Đây là các tư liệu gốc giúp nghiên cứu quan hệ xã hội, lịch sử phát triển của làng thời xưa, đặc biệt trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX.
6. Đàm phán thành công việc hồi hương kim ấn “Hoàng đế chi bảo”
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo là di sản văn hóa có ý nghĩa quan trọng với dân tộc
Cuối tháng 11 vừa qua, xác định giải pháp thông qua con đường ngoại giao văn hóa, Bộ VHTTDL xây dựng phương án hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo và tổ chức Đoàn công tác liên ngành đàm phán, thương thảo trực tiếp với hãng Millon (Pháp) và thành công đưa ấn vàng Hoàng đế chi bảo về Việt Nam.
Hồi hương thành công ấn vàng đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
7. Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI
Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI là sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng trong năm 2022 với sự tham dự của các nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng trong và ngoài nước.
Với chủ đề: Điện ảnh - Nhân văn, Thích ứng và Phát triển, Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI diễn ra từ ngày 08 - 12/11/2022 tại Hà Nội, với 123 bộ phim của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều tác phẩm điện ảnh xuất sắc của các nước Anh, Mỹ, Phần Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pháp, Nga, Ba Lan, Nhật Bản, Hungary...
8. Tổ chức và thi đấu thành công tại SEA Games 31
Đoàn Thể thao Việt Nam có một kỳ SEA Games ấn tượng trên sân nhà
Thể thao Việt Nam tạo nhiều dấu ấn trong năm 2022
Khách du lịch quốc tế dạo chơi tại phố cổ Hà Nội tháng 11/2022
Tổ chức thành công SEA Games 31 từ ngày 12 – 23/05/2022, Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đại hội cũng nhận được sự hưởng ứng của nhân dân, người hâm mộ và thực sự trở thành ngày hội, khơi dậy khát vọng cống hiến.
Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu thành công, đứng nhất toàn đoàn, với tổng số 446 huy chương các loại.
9. Lần đầu tiên Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự World Cup 2023
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam gây được tiếng vang lớn khi lần đầu tiên trong lịch sử giành tấm vé chính thức tham dự Vòng chung kết World Cup 2023.
Tại Vòng chung kết Cúp bóng đá nữ châu Á (Asian Cup) 2022 - vòng loại World Cup nữ 2023, tuyển nữ Việt Nam giành thắng lợi kịch tính 2-1 trước Đài Bắc Trung Hoa ở trận đấu quyết định, chính thức đoạt vé dự World Cup nữ 2023.
10. Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15.3.2022, du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, đạt trên 100 triệu lượt khách năm 2022
Ngày 15/03/2022, Việt Nam công bố chính thức mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Việt Nam được Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới.
Điều này cho thấy du lịch Việt Nam có những bước chuẩn bị tốt và đảm bảo các dịch vụ du lịch, đặc biệt khi nhu cầu của du khách có những sự thay đổi sau dịch.