Trung ương đưa vụ án vào diện theo dõi, chỉ đạo
Sáng 4/1, nhiều điều tra viên của Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm việc với CDC Bình Phước vì liên quan đến việc mua kit test Covid-19, và 2 máy phục vụ công tác xét nghiệm từ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) vào đầu tháng 5/2021 đến tháng 9/2021, bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước. Ảnh: Xuân Chung.
Theo dự kiến sáng nay, Hội đồng kiểm tra do Sở Y tế tỉnh Bình Phước lập ra để làm việc với ông Nguyễn Văn Sáu về 'nội dung món quà' của Công ty Việt Á tặng cho ông Sáu là gì? Tuy nhiên, ông Quách Ái Đức - Giám đốc Sở Y tế cho biết từ chiều 3/1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm việc với CDC Bình Phước, tài liệu, hồ sơ liên quan việc mua kit test Covid-19 và máy xét nghiệm đã được Cơ quan điều tra niêm phong để phục vụ công tác điều tra. Do đó, Sở Y tế Bình Phước tạm dừng việc thành lập Hội đồng kiểm tra đối với ông Sáu, và việc trả lại quà tặng cũng không được thực hiện, nên đến thời điểm này 'quà' mà ông Sáu nhận từ Công ty Việt Á vẫn chưa thể biết là gì.
Trước đó vào ngày 17/12/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can (5 đối tượng thuộc Công ty Việt Á, 2 đối tượng là Giám đốc và nguyên Kế toán CDC Hải Dương) về hành vi 'Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng' xảy ra tại Công ty Việt Á, các cơ sở y tế và CDC tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ngày 22/12/2021, ông Nguyễn Văn Sáu có báo cáo với Sở Y tế tỉnh về việc mua trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất và máy móc của Công ty Việt Á.
Đến ngày 30/12/2021, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quyết định đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, các cơ sở y tế, CDC các tỉnh vào diện theo dõi, chỉ đạo. Ngày 31/12/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về các tội 'Đưa hối lộ', 'Nhận hối lộ' và 'Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ'. Đồng thời ra các quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Phan Quốc Việt và Vũ Đình Hiệp về tội 'Đưa hối lộ', Phạm Duy Tuyến về tội 'Nhận hối lộ'; Quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 12 bị can khác với 2 tội danh.
Không có vùng cấm
Cụ thể, nhóm tội 'Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ', gồm các bị can: Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế - Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế; Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật - Bộ Khoa học & Công nghệ.
Nhóm tội 'Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng', gồm các bị can ở CDC Nghệ An: Nguyễn Văn Định, (Giám đốc), Nguyễn Thị Hồng Thắm (Kế toán trưởng). Nhóm bị can ở CDC Bình Dương, gồm: Nguyễn Thành Danh (Giám đốc), Trần Thanh Phong (Phó phòng Tài chính - Kế toán), Lê Thị Hồng Xuyên (Nguyên Phụ trách Phòng Thí nghiệm); Tiêu Quốc Cường, Kế toán trưởng kiêm Phó phòng Tài chính Sở Y tế Bình Dương; Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ ứng dụng Việt Nam (VNDAT) và Nguyễn Thị Thuý, nhân viên; Lê Trung Nguyên, Giám đốc Vùng Công ty Việt Á.
Sau đó, trả lời báo chí, ông Sáu cho rằng ông không hưởng hoa hồng trong việc mua hàng hóa từ Công ty Việt Á. Vào đầu tháng 12/2021 nhân viên Công ty Việt Á đến tặng 'quà' cho ông, và ông đã báo cáo tổ chức, lãnh đạo các cấp, nay xin trả lại quà. Đồng thời, trên một tờ báo, ông Sáu cũng cho rằng việc mua kit test Covid-19 và máy móc từ Công ty Việt Á theo chỉ đạo của một 'chị nữ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước'.
Vào khuya 1/1, báo Bình Phước đăng tải nội dung vụ CDC Bình Phước mua kit test Covid-19 và máy móc từ Công ty Việt Á. Trong bài báo, bà Trần Tuyết Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định bà không chỉ đạo việc mua kit test Covid-19, cũng như máy móc từ Công ty Việt Á. Bà Trần Tuyết Minh cho rằng quan điểm của lãnh đạo tỉnh Bình Phước là nếu phát hiện tổ chức, cá nhân nào có tiêu cực trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm liên quan đến Công ty Việt Á đều phải xử lý triệt để, nghiêm túc theo quy định của pháp luật, không có 'vùng cấm' và không có ngoại lệ.
Tuy nhiên, ông Quách Ái Đức - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho rằng ông Sáu chỉ mới báo cáo chính thức bằng văn bản vào ngày 31/12/2021 về việc được Công ty Việt Á tặng quà.
Đội giá từ 250% - 300%/máy xét nghiệm Covid-19
Như báo Kinh tế & Đô thị đã phản ánh qua bài 'Bình Phước: Chi hơn 44 tỷ đồng mua kit test, máy xét nghiệm Covid-19 từ Công ty Việt Á'. Theo đó, vào năm 2020, CDC Bình Phước không mua sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao của Công ty Việt Á. Nhưng ngày 8/8/2020, có mượn 6 máy phục vụ xét nghiệm từ Công ty Việt Á. Đến ngày 2/11/2021 trả lại 5 máy, còn máy Spindown vẫn mượn vì chưa kịp mua sắm.
Đối với số kit test Covid-19, trong năm 2021 CDC Bình Phước mua 3 đợt từ Công ty Việt Á theo các quyết định của UBND tỉnh Bình Phước (Tháng 5/2021 đến tháng 9/2021), với số lượng 87.392 kit test Covid-19 và 47.900 test tách chiết, tổng số tiền 41.525.282.000 đồng. Trong năm 2021, CDC Bình Phước còn mua 1 máy xét nghiệm Realtime – PCR theo quyết định 1757/QĐ-UBND ngày 6/7/2021, với giá 1.050.000.000 đồng; Máy tách chiết tự động DNA/RNA theo quyết định 2087/QĐ-UBND ngày 29/9/2021 với giá 1.700.000.000 đồng. Tổng giá trị 2 máy là 2.750.000.000 đồng, tổng cộng số tiền của các mặt hàng nêu trên hơn 44,2 tỷ đồng.
Trong đó, CDC Bình Phước đã chuyển khoản tiền đợt 1 mua 14.016 kit test Covid-19, đơn giá 509.250 đồng/test, tổng số tiền 7.137.648.000 đồng. Còn việc mua đợt 2, đợt 3 và test tách chiết cùng với 2 máy xét nghiệm, đều thông qua hình thức chỉ định thầu rút gọn, đến nay chưa chuyển khoản.
Trở lại với 2 chiếc máy xét nghiệm Realtime – PCR và máy tách chiết tự động DNA/RNA mà CDC Bình Phước đã mua với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng. Theo tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, máy Realtime - PCR do Công ty Việt Á nhập về từ Malaysia thông qua phương thức thanh toán TTR (chuyển tiền bằng điện có bồi hoàn). Đây là máy dùng trong y tế có model AriaDx do Agilent Technologies Singapore cung cấp. Giá của chiếc máy dao động từ 12.500 USD - 15.400 USD/1 máy, tùy theo thời điểm. Theo tỷ giá 1 USD đổi ra tiền Việt Nam vào tháng 7/2021 là 22.920 đồng, thì máy Realtime - PCR khoảng gần 353 triệu đồng. Nhưng giá do CDC Bình Phước mua vào đã đội lên tới 1,050 tỷ đồng (gần 300%).
Còn máy tách chiết tự động DNA/RNA do CDC Bình Phước mua, theo tìm hiểu từ một số cơ sở y tế cho biết loại sản phẩm của Công ty Việt Á nhập của Công ty Aurora (Canada). Đây là dòng máy tách chiết acid nucleic tự động, giá nhập khẩu dao động từ 29.000 USD - 31.000 USD tùy theo thời điểm. Quy đổi tỷ giá của 1 USD với đồng Việt Nam vào thời điểm Công ty Việt Á mua máy Realtime - PCR, thì máy tách chiết tự động DNA/RNA có giá trị nhập về tương đương 660 triệu đồng. Nhưng khi CDC Bình Phước mua lại lên tới 1,7 tỷ đồng (cao khoảng 250% so với cùng chủng loại).