Vào một buổi trưa đẹp trời tại thủ đô London - Anh, ông bà Michael và Linda Norris bắt đầu dọn dẹp mở cửa quán rượu The China Hall Public House, một địa điểm đã mở được 34 năm qua. Đây là quán rượu truyền thống được các cầu thủ bóng bầu dục ưa thích tụ tập sau mỗi trận đấu.
Tuy nhiên, những ngày gần đây cả gia đình ông Norris đang phải đau đầu khi chủ nhà muốn nâng giá thuê, khiến quán rượu này đối mặt nguy cơ đóng cửa. Nỗi lo lắng của ông Norris không chỉ dành riêng chi quán China Hall mà còn với mọi quán rượu tại Anh.
Tính trong năm 2016, khoảng 1220 quán rượu tại thủ đô London đã đóng cửa, tương đương 25% tổng số.
Lượng tiêu thụ đồ uống có cồn suy giảm (tỷ lít)
Số liệu của CAMRA cũng cho thấy tính đến tháng 9/2017, nước Anh đã mất gần 30.000 quán rượu truyền thống trong vòng 40 năm và hiện chỉ còn chưa đến 50.000 quán tồn tại.
Như vậy bình quân khoảng 15 quán rượu tại Anh đã đóng cửa mỗi tuần, qua đó khiến ngành dịch vụ này thiệt hại khoảng 18 tỷ Bảng, tương đương 28 tỷ USD.
Đây là một thông tin không hoàn toàn tích cực với người dân Anh. Mặc dù việc giảm uống rượu bia tốt cho sức khỏe và thu nhập nhưng ngành dịch vụ này lại liên quan đến gần 900.000 lao động tại Anh.
Việc suy giảm kinh doanh có thể đẩy một lượng lớn người thất nghiệp ra đường, qua đó tác động xấu đến nền kinh tế.
Theo nhiều chuyên gia, việc giá cả tăng cao cùng sự thay đổi về văn hóa đang khiến những quán rượu truyền thống tại Anh dần mai một.
Ngày nay, các công ty bất động sản đang săn lùng những khu đất vàng với vị trí đắc địa để xây dựng các khu chung cư hạng sang cho giới nhà giàu quốc tế.
Làn sóng đầu tư mạnh của người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc đã thúc đẩy thị trường bất động sản tại Châu Âu lẫn Mỹ và nước Anh cũng không ngoại lệ.
Tại vùng Southwark miền Nam London, giá nhà vào tháng 2/2017 ở mức bình quân khoảng 511.119 Bảng Anh, tăng 194% so với cùng kỳ năm 2007.
Cứ 10 thứ đồ uống có cồn bán tại các quán rượu Anh thì có 7 là bia.
Một nghiên cứu của trường đại học Sheffield cho thấy mối tương quan ngạc nhiên giữa tỷ lệ các quán rượu đóng cửa trên toàn nước Anh với tốc độ tăng trưởng đến 100% của những cửa hàng, siêu thị tiện lợi, qua đó cho thấy cơn sốt bất động sản đối với những quán rượu cổ này.
Trong khi đó, chính phủ Anh cũng đang cố gắng giảm thiểu số người uống bia rượu nhằm nâng cao sức khỏe của người dân bằng các chính sách ngày một khắt khe hơn.
Những quy định về giờ mở cửa, độ tuổi và các đợt kiểm tra tiêu chuẩn đang khiến ngành kinh doanh này ngày một gặp khó.
Kể từ năm 1979, mức thuế cho bia rượu tại Anh ngày một tăng. Đến năm 2008, chính quyền London thậm chí tăng 6% thuế đã bao gồm lạm phát với mảng bia rượu.
Năm 2011, mức thuế VAT cho sản phẩm này tăng từ 15% lên 20%. Tính đến năm 2014, người dân Anh đã đóng tới 40% tổng số thuế bia rượu trên toàn Liên minh Châu Âu (EU).
Bên cạnh đó, khảo sát năm 2016 cho thấy chỉ có 56,9% số người được hỏi cho biết đã uống rượu ít nhất 1 lần trong 1 tuần trước, tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 2005.
Rõ ràng, sự tuyên truyền của chính phủ cùng sự thay đổi trong văn hóa rượu bia của người Anh đã khiến các quán rượu truyền thống ngày một khó kinh doanh hơn.
Số liệu của IWSR năm 2016 cho thấy lượng tiêu thụ bia trên toàn thế giới đã giảm 1,8% xuống 185 tỷ lít trong khi lượng tiêu thụ bia bình quân toàn cầu giảm 3,2%.
Tại Anh, bình quân mỗi người lớn uống khoảng 218 cốc bia vào năm 2003 nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn 152 cốc vào năm 2011.
Chính thói quen dùng mạng xã hội đã khiến giới trẻ Anh ngày nay chán đến các quán rượu, thay vào đó mua bia về nhà uống cùng bạn bè.
Văn hóa giao tiếp, trò chuyện tại những quán rượu đông người ở Anh đang dần mai một.
Đồng quan điểm trên, tổ chức IEA dự đoán số lượng quán rượu đóng cửa tại Anh sẽ bùng nổ kể từ năm 2017 trở đi.
Theo đó, việc nền kinh tế trải qua nhiều biến động và khủng hoảng kể từ năm 1980 đã khiến người dân Anh ngày càng tính toán hơn việc bỏ tiền cho các quán rượu.
Thêm vào đó, chính phủ cấm người dân hút thuốc ở các quán rượu này cũng là một trong những yếu tố chủ chốt khiến người Anh ít đến những nơi như vậy hơn.
Nguồn gốc La Mã
Những quán rượu tại Anh là một văn hóa truyền thống tại xứ sở sương mù.
Người dân tại đây ưa thích ra các quán rượu nói chuyện, cùng xem các trận đấu thể thao qua truyền hình hoặc thư giãn sau những giờ làm việc hay các trận đấu bóng.
Lịch sử của những quán rượu này có thể truy về gần 2.000 năm trước khi những binh đoàn La Mã đặt chân lên nước Anh.
Ngay lập tức, những quán rượu mang phong cách của người La Mã đã mọc lên dọc những con đường và thị trấn theo bước chinh phục của người La Mã tại xứ sở sương mù.
Những quán rượu này, khi đó còn được gọi là Tabernae cứ như vậy được dựng lên vào khoảng năm 43 sau công nguyên (AD).
Sau đó, hương vị và thiết kế của những quán rượu này dần thay đổi với khẩu vị địa phương cũng như theo các thăng trầm, xâm lược của người Saxons hay Vikings.
Thậm chí vào năm 970 AD, vua Adgar của nước Anh buộc phải ban hành định mức uống rượu bia nhằm giới hạn thói quen chè chén của người dân cũng như tiết kiệm lương thực trong xã hội.
Tính đến năm 1577, toàn nước Anh bao gồm cả xứ Wales đã có khoảng 19.400 quán rượu, tương đương mỗi 200 người dân thì có một quán.
Đến giữa thập niên 1600, mặc dù cà phê và trà được giới thiệu vào Anh nhưng chúng vẫn được coi là thức uống dành cho quý tộc do giá cả quá đắt đỏ.
Chỉ đến vài thập niên sau những loại đồ uống mới với giá rẻ hơn mới tràn vào các quán rượu, tạo nên nhiều lựa chọn cho khách hàng.
Tuy nhiên, bia vẫn là thức uống bình dân truyền thống được nhiều người dân Anh ưa chuộng.
Xem thêm: Rượu hủy hoại gan như thế nào?