Biến chứng nguy hiểm
Trưa 25-4, bé V.T.U. (7 tháng tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM thăm khám trong tình trạng sốt cao liên tục trên 39 độ, ho, chảy nước mũi. Trước đó, ngày 15-2, bé U. mắc Covid-19 nhưng chỉ húng hắng ho và gần 1 tuần sau thì con đã tự khỏi.
Kết quả xét nghiệm RT-PCR của bé U. âm tính với SARS-CoV-2, nhưng nồng độ kháng thể cao (tương đương sức miễn dịch của người tiêm vaccine hoặc F0 từng mắc bệnh). Qua thăm khám, bé U. được chẩn đoán mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C, Multisystem Inflammatory Syndrome in Children).
Tương tự, bệnh nhi L.T.T.T. (14 tuổi, ngụ Tân Phú, TPHCM) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng sốt cao 39,6 độ, kết mạc mắt đỏ, hạch vùng cổ phải đau, sưng nề. Chẩn đoán bệnh nhi mắc hội chứng MIS-C sau mắc Covid-19.
Trong quá trình điều trị, tình trạng bệnh nhi diễn tiến nặng, không đáp ứng với liều thuốc thông thường, sốt cao 39-40 độ, có dấu hiệu viêm cơ tim cấp, chỉ số EF (chỉ số đánh giá chức năng bơm máu của tim) giảm từ 70% xuống 58%, men tim tăng cao...
Bác sĩ Lê Thị Ngọc Kim, Khoa Điều trị Covid-19 Bệnh viện Nhi đồng 1, khám cho bệnh nhi ngày 24-4
Bệnh viện đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức cũng vừa điều trị thành công trường hợp bé P.N.Q. (10 tuổi, ngụ Dĩ An, Bình Dương) mắc hội chứng MIS-C và bị sốt xuất huyết. Ghi nhận bệnh sử cho thấy, bé Q. từng là F0 đã khỏi bệnh được gần 3 tháng. Trước khi nhập viện, bé Q. sốt cao liên tục, lạnh run, đừ người, bỏ ăn và nôn ói nhiều lần trong ngày. Được gia đình chăm sóc tại nhà qua 48 giờ nhưng không thuyên giảm, gia đình vội đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Thanh, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, cho biết, bệnh viện đã thực hiện thêm các xét nghiệm về hậu Covid-19, về chỉ số viêm và đông máu. Kết quả cho thấy, các chỉ số về hậu Covid-19 của bệnh nhi Q. cao gấp 10 lần so với các chỉ số thông thường, xác định bệnh nhi mắc hội chứng MIS-C.
'Rất may bệnh nhi được đưa đến bệnh viện kịp thời, nếu chậm trễ hơn có thể nguy hiểm đến tính mạng, vì bé không chỉ mắc MIS-C mà còn mắc sốt xuất huyết. Nguy cơ đông máu tăng cao, có thể dẫn đến tình trạng tắc mạch não, tắc mạch phổi hoặc tắc mạch máu trong cơ thể ở bất kỳ cơ quan nào', bác sĩ Thanh cho hay.
Cần kịp thời nhận biết triệu chứng
Theo PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng khoa Điều trị Covid-19 Bệnh viện Nhi đồng 1, từ đầu tháng 2 đến nay, mỗi ngày bệnh viện ghi nhận từ 1-3 trường hợp mắc hội chứng MIS-C. Đây là bệnh nguy hiểm, 50%-70% trẻ em mắc dù nhẹ hay nặng cũng sẽ ảnh hưởng đến tim mạch, nếu điều trị trễ sẽ dẫn đến suy tim, có nguy cơ tử vong.
Ở giai đoạn đầu, trẻ có biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng. Từ 2-6 tuần sau thì xuất hiện các triệu chứng như sốt cao liên tục, da nổi hồng ban, đỏ mắt, đau bụng, tiêu chảy, thậm chí bị sốc, rối loạn tri giác, tràn dịch màng tim, màng phổi dẫn đến hôn mê, co giật, tổn thương thận…
Khi trẻ có các triệu chứng nêu trên, phụ huynh phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám, xét nghiệm định bệnh chính xác, từ đó có phương án điều trị phù hợp. Theo các chuyên gia y tế, ngoài viêm đa hệ thống, trẻ còn có thể mắc các bệnh nguy hiểm khác như sởi, rubella, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, nhiễm trùng huyết, viêm ruột thừa.
Trong trường hợp được chẩn đoán mắc hội chứng MIS-C, trẻ sẽ được chỉ định nhập viện điều trị tích cực và dùng thuốc corticoids (thuốc kháng viêm) ít nhất 2 tuần, dùng thuốc aspirin (thuốc giảm đau, hạ nhiệt, chống viêm) để dự phòng. Sau khi xuất viện, trẻ phải được theo dõi, tái khám định kỳ mỗi tháng trong ít nhất 3 tháng đến 1 năm, hoặc tái khám ngay khi có các biểu hiện nặng khác để theo dõi các biến chứng có thể xảy ra trên hệ tim mạch.
'Khi mắc hội chứng MIS-C là phản ứng viêm nặng nên phải dùng thuốc chống viêm liều cao, dùng những loại thuốc điều hòa miễn dịch. Có trường hợp phải lọc máu để lấy cytokine - tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân xâm nhập như virus gây bệnh và dẫn đến phản ứng viêm toàn hệ thống. Khi các cơ quan bị tổn thương nặng sẽ được hỗ trợ bằng cách lọc máu, chạy ECMO (tim phổi nhân tạo)', PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên cho hay.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, Bộ Y tế đã đưa MIS-C vào phác đồ điều trị hậu Covid-19, do đó, biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa trẻ em mắc hội chứng MIS-C là cho tất cả trẻ em đủ điều kiện từ 5 tuổi trở lên cần được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ, đồng thời cần tiếp tục thực hiện các biện pháp 5K nhằm hạn chế mắc Covid-19.
Thống kê của Sở Y tế TPHCM từ các bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố cho thấy, từ tháng 6-2021 đến tháng 3-2022, ghi nhận trong 71.076 trẻ em mắc Covid-19 có 315 trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng MIS-C hoặc nghi ngờ MIS-C (chiếm tỷ lệ 0,4%).
Tất cả đều đáp ứng tốt với điều trị, không có trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, có nhiều trẻ biểu hiện nặng, sốc, suy hô hấp, suy đa cơ quan…