Hàng quán tại Hà Nội những ngày này luôn trong cảnh đìu hiu.
Hàng quán ế ẩm
Liên tiếp những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trên cả nước tăng nhanh đột biến, liên tục 'phá đỉnh' và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo thống kê của Bộ Y tế đến ngày 27/2, lần đầu tiên Việt Nam phát hiện số mắc mới trong ngày đến gần 80.000 ca. Trong đó, Thủ đô Hà Nội tiếp tục đứng đầu cả nước khi có số ca mắc lên đến gần 10.000 trường hợp, 74 xã, phường đã chuyển màu cam.
Dự báo của các chuyên gia y tế, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội vẫn sẽ tăng mạnh trong thời gian sắp tới và có thể 'đạt đỉnh' trong vòng nửa tháng nữa, tuỳ thuộc vào các biện pháp phòng, chống dịch của thành phố.
Trước đó, Hà Nội cũng liên tục lập kỉ lục về số ca mắc theo ngày. Hiện tại, đa số bệnh nhân đều ở thể nhẹ, không triệu chứng, chiếm khoảng 96%, trong đó có đến 95% tổng số ca nhiễm đang thực hiện cách ly, điều trị tại nhà. Thành phố luôn theo dõi, nắm bắt chặt diễn biến dịch bệnh, số chuyển tầng, số ca điều trị tầng 2, tầng 3 vẫn được kiểm soát.
Tuy vậy, tình hình F0 nhan nhản tại Hà Nội đã tác động rất lớn đến mọi hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tình hình thành phố giờ đây không khác nào một đợt giãn cách xã hội mới.
Ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết, nhiều hàng quán, cơ sở dịch vụ tại Thủ đô tiếp tục lâm vào tình trạng ế ẩm dài ngày, đìu hiu vắng khách. Trên tuyến phố Tô Hiệu (quận Cầu Giấy), nơi thường xuyên tập trung đông đúc người dân với hoạt động ăn uống, vui chơi thì nay vắng lặng hẳn.
Trái ngược với sự vắng vẻ của hàng quán, các trạm y tế phường đông nghịt người đến làm thủ tục chứng nhận F0. Ảnh: Quang Vinh
Dù là ngày cuối tuần và trong giờ 'cao điểm' nghỉ trưa, song hầu hết các hàng quán tại con phố này đều thưa thớt bóng người.
'Hồi sau Tết đông khách bao nhiêu thì giờ lại ế ẩm bấy nhiêu. Vài tuần trở lại đây, lượng khách giảm đi một nửa so với trước đó do tình hình dịch bệnh căng thẳng', chị Nguyễn Hải Yến, chủ một quán bún bò trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy) cho biết.
Tương tự, tình trạng ế dài cũng xảy ra với các nhà hàng lẩu, nướng dù thời tiết lạnh lí tưởng để thưởng thức các món ăn này. 'Chỉ khoảng 3 tuần trước, cứ đến trưa và tối là nhà hàng đông nghịt khách, nhiều hôm còn không đủ bàn vì người đi ăn quá đông thì 2 tuần nay mỗi ngày chúng tôi chỉ đón được khoảng 50-60 khách. Doanh thu không đủ để trả tiền thuê mặt bằng và nhân viên', quản lý một nhà hàng lẩu, nướng không khói trên đường Tô Hiệu chia sẻ.
Các quán cà phê, đồ uống cũng chung số phận đìu hiu khi những ngày F0 tại Thủ đô tăng kỉ lục. Nhiều chủ quán cho biết, doanh số bán hàng sụt giảm từ 30% đến 60% trong những ngày gần đây, không khác gì so với đợt giãn cách phải bán hàng mang về.
Chị Trần Phương, chủ một quán cà phê trên đường Hoàng Quốc Việt tâm sự: 'Tưởng sau Tết sẽ có thể gỡ gạc được phần nào tình hình kinh doanh thất bát của năm ngoái thì dịch lại bùng mạnh hơn. F0, F1 ở nhà hết, đường vắng tanh như hồi giãn cách, mỗi ngày chỉ lác đác vài khách vào – ra thì không biết sắp tới phải sống kiểu gì'.
Trước tình trạng ế ẩm chưa từng có, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã phải đóng cửa hoặc sang nhượng cửa hàng để tiết kiệm, 'cắt lỗ' cầm cự trước khi không thể gánh nổi chi phí thuê mặt bằng, nhân viên.
Hàng quán trở lại kịch bản ế dài những ngày F0 tăng chóng mặt. Ảnh: Quang Vinh
Chống dịch ra sao khi F0 tăng quá nhanh?
Theo số liệu từ Sở Y tế Hà Nội, hiện nay số F0 tại thành phố chủ yếu đang được cách ly và điều trị tại nhà. Số ca nhiễm tăng mạnh khiến lực lượng y tế nhiều nơi trở nên áp lực dẫn đến quá tải.
Số lượng F0 'khủng' tại Hà Nội thời gian gần đây không chỉ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh, sản xuất và phát triển kinh tế mà còn gây tác động trực tiếp đến hoạt động dạy và học. Các trường học trên địa bàn thành phố liên tục đóng – mở theo tình hình dịch bệnh gây khó khăn đối với cả học sinh, phụ huynh lẫn giáo viên. Chất lượng dạy và học cũng vì thế mà chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Trong tuần qua, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp ở các trường của Hà Nội giảm mạnh, tỷ lệ học sinh và cán bộ giáo viên mắc Covid-19 tăng.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, bác sĩ Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, các ca F0 tại Hà Nội sẽ vẫn còn tiếp tục tăng lên trong thời gian sắp tới và chưa có dấu hiệu 'đạt đỉnh'. Do vậy, người dân cần hết sức tránh tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Theo bác sĩ Thiệu, hiện nay, rất nhiều trường hợp đã tái nhiễm ở những bệnh nhân đã từng mắc Covid-19 được ghi nhận. Vì thế, tuân thủ các biện pháp 5K đối với người dân vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Ngoài ra, đối với các bệnh nhân mắc Covid-19, sau khi đã hoàn thành thời gian cách ly, điều trị, sau khi tự test nhanh và có kết quả âm tính, cũng có thể chủ động tự cách ly thêm 3 – 5 ngày để chắc chắn tải lượng virus đã giảm hẳn, tránh tình trạng âm tính giả. Nếu trong người vẫn mệt mỏi, còn các triệu chứng liên quan, có thể ở nhà trong vòng 10-14 ngày để đảm bảo lượng virus đã được đào thải hết khỏi cơ thể và nồng độ virus thấp không có nguy cơ lây nhiễm cho mọi người.