'Ma trận' kit test và thuốc điều trị COVID-19
Theo báo Quân đội Nhân dân, khi hệ thống y tế ở một số nơi có dấu hiệu quá tải, các loại kit test, thuốc điều trị được xách tay từ nước ngoài về lại càng nhiều. Các loại kit test, thuốc điều trị COVID-19 của Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Trung Quốc hay của Việt Nam với nhiều mức giá khác nhau tại các tiệm thuốc hay mua qua online.
Đáng lo ngại hơn là người dân tìm mua các loại thuốc điều trị COVID-19 được rao bán rầm rộ trên mạng với mác là hàng xách tay từ nước ngoài. Điển hình là các loại thuốc: Areplivir, Arbidol là thuốc phòng và điều trị cúm mùa.
Theo tờ Nông thôn ngày nay, thuốc Arbidol và Areplivir đều chưa được cấp phép lưu hành và nhập khẩu chính thức tại Việt Nam. Các thuốc này được quảng cáo có khả năng phòng chống lây nhiễm và điều trị hiệu quả COVID-19.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội khuyến cáo người dân không tự ý dùng vì là thuốc xách tay không rõ nguồn gốc. Tỷ lệ bệnh tự khỏi của chủng Omicron trên người đã được tiêm chủng rất cao. Do đó, người dân đừng lãng phí tiền bạc và tiếp tay cho nhóm buôn lậu thuốc công khai bán trên mạng xã hội.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều lô hàng chứa kit test và thuốc điều trị COVID-19 từ nước ngoài nhập lậu. Trong đó, một số thuốc nghi vấn là hàng kém chất lượng và chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại thị trường Việt Nam.
Theo báo Công an nhân dân, không riêng thuốc điều trị COVID-19, mà trong thời gian qua rất nhiều người bỏ số tiền lớn để mua các loại thuốc, thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 như: Kit test, khẩu trang, máy đo nồng độ oxy... một cách dễ dàng. Thậm chí, có thời điểm thuốc men, trang thiết bị y tế bán qua mạng xã hội cũng rơi vào tình trạng 'cháy hàng'.
. Người dân như bị 'ma trận' kit test và thuốc điều trị COVID-19 bủa vây. Ảnh minh họa.
Với những khuyến cáo từ cơ quan quản lý, việc tự tìm mua, sử dụng thuốc điều trị COVID-19 và tự điều trị theo các kiến thức truyền miệng hay nói cách khác là chỉ kiểm chứng chất lượng thuốc bằng 'niềm tin' thực sự là nguy cơ với sức khỏe cá nhân.
Báo Thanh niên nêu vấn đề rất chú ý đó là cùng với khuyến cáo người dân không mua thuốc không rõ nguồn gốc, ngành y tế cần nhanh chóng tạo thuận lợi hơn nữa để những người không may nhiễm COVID-19 an tâm rằng, họ có thể được tiếp cận thuốc điều trị trong tình huống cần thiết.
Vì thực tế cho thấy, việc khó khăn trong tiếp cận thuốc điều trị khi các F0 đang tăng nhanh tại một số nơi như Hà Nội cũng là một trong những lý do khiến người dân tự tìm kiếm thuốc điều trị cho mình, cho dù không phải họ không nghi ngại về nguồn cung.
Ngăn chặn những kẻ trục lợi
Cùng với những thông tin cảnh báo từ các loại thuốc kháng COVID-19 không rõ nguồn gốc, báo chí trong tuần cũng thông tin về tình trạng khan hiếm cục bộ và giá cả không thống nhất đối với kit xét nghiệm nhanh.
Giá kit xét nghiệm đã tăng vọt sau khi Bộ Y tế ra thông tư quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm nhanh COVID-19 thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế là 78.000 đồng/xét nghiệm.
Tờ Người lao động cảnh báo, việc nâng giá kit xét nghiệm cho thấy có những bàn tay có thể làm rối loạn thị trường và dẫn dắt nhu cầu của người tiêu dùng. Trong lĩnh vực y tế điều này rất nguy hiểm, sẽ tác động xấu đến quy trình chống dịch chung của cả quốc gia.
Không quản lý được thị trường, ngăn chặn được những kẻ kích giá thì dễ xảy ra phản ứng dây chuyền và có thể lan sang các mặt hàng y tế thiết yếu khác như oxy lỏng, máy trợ thở, thuốc điều trị...
Như vậy, sau vụ bê bối bán kit xét nghiệm của Công ty Việt Á mà một số người đã bị bắt nay vẫn còn những kẻ đang lợi dụng dịch bệnh để nâng giá, trục lợi, lũng đoạn thị trường. Hành vi này cần phải được nghiêm trị thích đáng mới làm chùn tay những kẻ cơ hội làm giàu trên tai họa của cộng đồng.
Trước những lo lắng cho sự an toàn của gia đình, khó ai có thể từ chối mua mặt hàng này dù biết rõ đang bị làm giá, bị bắt chẹt. Nhưng cả trăm nghìn đồng/kit, quả thực đây là chi phí không hề nhỏ đối với mức thu nhập của nhiều gia đình. Nhưng nếu quá 'chùn tay' để chi cho mặt hàng này thì nguy hại đối với công tác chống dịch lại càng lớn.
Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Tài chính nguyên cứu, đưa kit test và các mặt hàng, thiết bị, vật tư y tế phòng, chống oxi lỏng vào diện bình ổn giá. Đề xuất này của Bộ Y tế nhận được sự đồng tình cao của dư luận. Theo tờ Đại biểu nhân dân, không phải đến lúc này, khi số ca nhiễm tăng cao, tình trạng loạn giá kit test COVID-19 mới được nói đến.
Sớm đưa kit test COVID-19 vào diện bình ổn giá
Việc sớm đưa kit test COVID-19 vào diện bình ổn giá sẽ tránh tình trạng giá kit 'nhảy múa'. Ảnh minh họa.
Diễn đàn Quốc hội đã từng nóng lên khi các đại biểu Quốc hội chất vấn về việc loạn giá xét nghiệm COVID-19 mỗi nơi mỗi giá, có nơi thu phí đến 450.000 đồng cho một lần xét nghiệm.
Tuy nhiên, giá của sinh phẩm không thuộc mặt hàng quản lý giá theo quy định của Luật Giá và không áp dụng hình thức quản lý giá đối với các đơn vị đơn vị y tế tư nhân. Vì thế, việc sớm đưa kit test COVID-19 vào diện bình ổn giá mới tránh tình trạng giá kit 'nhảy múa', doanh nghiệp và người dân không phải gánh chi phí bất hợp lý.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo giá vào cuối tuần này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá yêu cầu Bộ Y tế có ngay giải pháp quản lý giá, bình ổn mặt hàng kit test COVID-19.
Một tín hiệu đáng mừng khác đó là ' Thuốc điều trị COVID-19 sản xuất trong nước đã sẵn sàng'. Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng xin ý kiến, ngoài phần điều trị COVID-19 miễn phí ở cơ sở, có thể cho bán loại thuốc chứa Molnupiravir sản xuất trong nước tại các cơ sở đăng ký, kinh doanh về thuốc. Bởi hiện nay, thuốc Molnupiravir đang được phát miễn phí theo chương trình thí điểm điều trị sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir có kiểm soát cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng.
Báo Tuổi trẻ lưu ý không phải ai cũng cần dùng thuốc kháng virus Molnupiravir khi mắc COVID-19. Thuốc kháng virus chỉ nên ưu tiên dùng cho những người có bệnh nền, người cao tuổi, chưa tiêm vaccine. Hơn nữa, người bệnh đã dùng thuốc vẫn có thể có diễn biến nặng và vẫn cần phải theo dõi như bình thường.
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo không dùng thuốc Molnupiravir cho phụ nữ có thai và đang cho con bú, trẻ dưới 18 tuổi, người có dự định mang thai.