Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã ảnh hưởng đến nguy cơ nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới, tuy nhiên, các yếu tố khác, ví dụ tỷ lệ tiêm chủng và mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm Covid-19 lần đầu cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ tái nhiễm Covid-19.
Các báo cáo về việc tái nhiễm Covid-19 đang tăng lên, trong đó có những trường hợp đã tái nhiễm virus 3 thậm chí tới 4 lần. Trẻ em cũng đã có những báo cáo về việc tái nhiễm.
Vậy tái nhiễm Covid-19 là gì?
Tái nhiễm là tình trạng phát hiện nhiễm Covid-19 từ lần thứ 2 trở đi, bất kể nhiễm biến thể nào. Nguy cơ tái nhiễm sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Các dữ liệu đã cho thấy rằng tỷ lệ tái nhiễm sẽ cao hơn ở những người chưa được tiêm vắc xin và có thể cả ở những người đã từng bị nhiễm nhẹ và có đáp ứng miễn dịch thấp.
Ngoài ra, tỷ lệ tái nhiễm còn phụ thuộc vào biến thể: một số chuyên gia cho rằng nguy cơ tái nhiễm biến thể Omicron sau khi nhiễm biến thể này 1 lần sẽ thấp hơn nguy cơ tái nhiễm biến thể Delta sau khi nhiễm biến thể Omicron.
Cảnh báo tình trạng tái nhiệm Covid-19 tăng cao
Việc bạn đã được tiêm chủng bao lâu rồi cũng sẽ có ảnh hưởng, và liều vắc xin cũng đóng một vai trò quan trọng.
Cơ quan An toàn sức khỏe của Anh (UKHSA) sử dụng định nghĩa về tái nhiễm là trường hợp nhiễm Covid-19 sau ít nhất 90 ngày kể từ lần xác định nhiễm Covid-19 đầu tiên. Định nghĩa này sẽ loại bỏ được các trường hợp có tốc độ loại bỏ virus của cơ thể lâu hơn so với bình thường.
Tỷ lệ tái nhiễm có cao hay không?
Theo số liệu mới nhất tại Anh, từ khi bắt đầu đại dịch đến ngày 9/1/2022, có khoảng 425.890 trường hợp tái nhiễm, trong số đó có 109.936 trường hợp tái nhiễm trong tuần cuối của thống kê (tuần ngày 9/1), chiếm khoảng 11% tổng số ca nhiễm Covid-19 trong tuần lễ đó. Con số này có thể là thống kê chưa đầy đủ vì để xác định là tái nhiễm, sẽ cần tiến hành giải trình tự gen.
Hơn nữa, ở Anh, trong đợt nhiễm Covid-19 đầu tiên, rất ít người được phát hiện do chưa tiếp cận được với xét nghiệm phát hiện Covid-19. Các chuyên gia đều đồng ý rằng, với việc đại dịch đã diễn ra trong 2 năm, đã xuất hiện một vài biến thể có thể né tránh miễn dịch (như Delta và Omicron) thì tỷ lệ tái nhiễm Covid- 19 đã đang và sẽ còn tăng cao nữa.
Có dễ bị tái nhiễm hay không?
Câu trả lời ngắn gọn là có. Theo các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London, sau khi đã tính đến hàng loạt các yếu tố liên quan đến biến thể Omicron thì biến thể này sẽ làm tăng nguy cơ tái nhiễm từ 4,38 cho đến 6,63 lần so với biến thể Delta.
Các nhà khoa học cũng nhận định rằng, khả năng bảo vệ tăng lên sau khi nhiễm Covid-19 lần 1 trong vòng 6 tháng cũng đã giảm đi, từ khoảng 85% trước khi có biến thể Omicron giảm xuống chỉ còn từ 0-27%. Đây là điều không hề ngạc nhiên vì biến thể Omicron được biết đến là có khả năng né tránh miễn dịch ở một mức độ nhất định.
Tái nhiễm biến thể Omicron xảy ra sau bao lâu?
Dữ liệu từ UKHSA chỉ ra rằng với các mẫu bệnh phẩm được thu thập từ ngày 1/11/2020 cho đến ngày 29/12/2020 thì có 2.855 trường hợp tái nhiễm trong khoảng từ 29 đến 89 ngày sau lần nhiễm đầu tiên, mặc dù có thể có một số trường hợp trong số này là tiếp tục nhiễm từ lần ban đầu chứ không phải tái nhiễm.
UKHSA nói rằng rất khó để so sánh tình huống/khả năng tái nhiễm giữa các biến thể vì có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đã thay đổi, bao gồm cả khả năng miễn dịch chung của cộng đồng, tuy nhiên, khả năng né tránh miễn dịch của biến thể Omicron đóng một vai trò nhất định trong việc làm tăng tỷ lệ tái nhiễm Covid-19.
Cho đến hiện tại, vẫn chưa rõ các đáp ứng miễn dịch với Omicron có thể có khả năng bảo vệ bao lâu trước lần tái nhiễm Omicron thứ 2 hoặc lần tái nhiễm tiếp theo với các biến thể khác.
Tuy nhiên, chúng ta có quyền hi vong rằng, nguy cơ nhiễm Omicron lần thứ 2 sẽ thấp hơn nhiều so với nguy cơ tái nhiễm Omicron sau khi nhiễm Delta vì sau khi nhiễm Omicron lần 1, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể chống lại các protein gai của Omicron.
Triệu chứng tái nhiễm có nhẹ hơn hay không?
Nghe có vẻ logic khi mà cơ thể đã có đáp ứng miễn dịch ở lần đầu tiên và các dữ liệu cũng cho thấy rằng tải lượng virus ở lần tái nhiễm thấp hơn rất nhiều so với lần nhiễm đầu tiên, gợi ý rằng các triệu chứng ở lần tái nhiễm nhìn chung sẽ ít nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của tình trạng tái nhiễm cũng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như biến thể mắc phải khi tái nhiễm và tình trạng tiêm chủng của người bệnh.
Các dữ liệu cho thấy, khi biến thể Alpha chiếm ưu thế, các triệu chứng tái nhiễm sẽ ít xuất hiện hơn, nhưng khi biến thể Delta chiếm ưu thế, các triệu chứng tái nhiễm sẽ rầm rộ hơn. Và giờ đây khi biến thể Omicron chiếm ưu thế, dữ liệu cho thấy các triệu chứng tái nhiễm cũng tương tự như các triệu chứng nhiễm lần đầu.
Vậy một người có thể nhiễm Covid-19 bao nhiêu lần?
Có những báo cáo về các trường hợp tái nhiễm Covid-19 từ 3-4 lần chỉ trong vòng vài tuần, tuy nhiên UKHSA không tính tái nhiễm Covid-19 thành từng đợt mặc dù cơ quan này có đưa ra định nghĩa về đợt tái nhiễm thứ 3. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, một khi đại dịch còn diễn biến kéo dài, nguy cơ tái nhiễm sẽ càng tăng cao.
Ths Liên Hương (Viện Y học ứng dụng Việt Nam)